Họa sỹ Lê Sáng và những gì còn lại…

Chỉ với một bức vẽ bằng chất liệu than củi trên tường nhà trong thời kỳ chống Pháp, tên tuổi của chàng trai Lê Sáng đã bay đi khắp thế giới

Họa sỹ Lê Đình Sung tên thật là Lê Sáng, sinh năm 1920, mất năm 2007, quê quán xã Duy Trinh, Duy Xuyên, Quảng Nam. Ông nổi tiếng lần đầu với “bức tranh ly kỳ” mang tên “Người đàn bà khỏa thân trên khuôn mặt tướng D’Argenlieu”, Tổng chỉ huy quân đội Pháp tại Đông Dương lúc bấy giờ.

Bức tranh ly kỳ  “Người đàn bà khỏa thân trên khuôn mặt tướng D’Argenlieu”.  (ảnh chụp từ báo)

Chỉ với một bức vẽ bằng chất liệu than củi trên tường nhà trong thời kỳ chống Pháp, tên tuổi của chàng trai Lê Sáng, người đội phó đội du kích xã Duy Trinh đã bay đi khắp thế giới, và bức tranh ấy đã có mặt trong các cuộc biểu tình đòi chấm dứt chiến tranh tại Việt Nam của sinh viên Pháp, rồi “xuất hiện” ở Sài Gòn gây xôn xao dư luận một thời.

Họa sỹ Lê Đình Sung đã mất cách đây mấy năm, những ước nguyện của ông có điều đã thực hiện được, có điều đã theo người về cõi hư không. Bây giờ, gia tài ông để lại còn khá nhiều những bức tranh ông vẽ trong thời kỳ sung sức như bức Thiếu nữ và đàn tranh, Mồ côi, Hỗn loạn, Bến, Tĩnh vật… qua thời gian thăng trầm và những biến đổi của chiến tranh, của cuộc đời và con người, những tác phẩm của ông đã và đang chu du khắp nơi trên thế giới. Gặp họa sỹ Lê Huyền Đồng, con trai cố họa sỹ Lê Đình Sung trong phòng vẽ nhỏ của ông trên đường Phan Chu Trinh, TP. Tam Kỳ, Quảng Nam, nơi vẫn còn lưu giữ rất nhiều những bức tranh của cố họa sỹ Lê Đình Sung, họa sỹ Lê Huyền Đồng chia sẻ: “Cả cuộc đời cha tôi đã cống hiến cho nghệ thuật. Với gia đình, ông lúc nào cũng là một người chồng yêu vợ, một người cha thương con. Một người thầy tận tụy với nhiều lứa học trò… những gì ông để lại tuy không còn nhiều, nhưng với những người yêu mến ông thì đó quả là những kỷ vật vô giá…”.

Chị Dương Thị Phước ở TP Tam Kỳ, một người luôn tự coi mình là học trò của họa sỹ Lê Đình Sung cũng ngậm ngùi bộc bạch: “Thầy lúc nào cũng giản dị, trong cả cách sống, những lúc vẽ cũng như trong quan hệ với mọi người. Những ai có khó khăn gì ông cũng đều giúp đỡ mà không hề tính toán. Tất cả mọi người ở đây đều biết đến ông và những việc ông đã giúp đỡ mọi người…”

Họa sỹ Lê Đình Sung tại phòng tranh của ông trên đường Phan Chu Trinh, Tp Tam Kỳ, Quảng Nam. (ảnh chụp từ báo)

Trong phòng tranh nhỏ nằm khá êm đềm dưới những góc bàng già cỗi của khu vực cổ nhất TP Tam Kỳ, họa sỹ Lê Huyền Đồng trân trọng treo những bức tranh của cha mình những nơi trang trọng nhất, để mỗi khi có người đến phòng tranh anh lại tự hào giới thiệu về những tác phẩm của cha mình. Anh bảo: “Mình được kế thừa tài năng hội họa từ cha, dù bây giờ là một họa sỹ cũng đã có chút ít tên tuổi, nhưng những bức tranh của cha mình, lúc nào mình cũng coi đó là những tuyệt phẩm để học hỏi”.

Có những Việt kiều từ nước ngoài về, vì tình yêu mến với cố họa sỹ Lê Đình Sung nên cố gắng thuyết phục anh bán lại một hay vài bức tranh của cha. Nhưng anh không thể bán dù có người trả giá khá cao, dẫu cuộc đời của một họa sỹ như anh chẳng mấy dư dả. Anh nói không vì một chút khó khăn mà bán đi những di vật của cha mình. Có những điều có thể quy đổi bằng tiền bạc, nhưng có những điều không thể định giá, hay trao đổi. Bởi đó là cả một tình yêu với một người cha tuyệt vời.

Bức Thiếu Nữ của cố họa sỹ Lê Đình Sung và họa sỹ Lê Huyền Đồng.

Chia tay họa sỹ Lê Huyền Đồng, vẫn thấy luyến tiếc vì có một số bức tranh giờ không biết lưu lạc nơi đâu. Như anh nói: “nếu có thể, mình sẽ tìm lại những bức tranh của ông, để những người yêu mến ông có cơ hội được chiêm ngưỡng khi đến với phòng tranh nhỏ này của ông”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên