Họa sỹ Nguyễn Thu Thủy hoàn thành Đài phun nước bông sen vàng
VOV.VN - Đài phun nước độc đáo này là công trình kỷ niệm 60 năm giải phóng Thủ đô (10/10/1954- 10/10/2014).
Ngày 10/10 /2014, họa sỹ Nguyễn Thu Thủy cho biết đã cơ bản hoàn thành Đài phun nước bông sen vàng gắn gốm tại vườn hoa Mai Xuân Thưởng (trên phố Mai Xuân Thưởng, đầu đường Thanh Niên, Hà Nội).
Nhân dịp này CTV VOV.VN đã có cuộc phỏng vấn với họa sỹ Nguyễn Thu Thủy về ý tưởng hình thành nên đài phun nước độc đáo này:
PV: Thưa chị, điểm nhấn của công trình đài phun nước bông sen vàng này là gì?
Họa sỹ Nguyễn Thu Thủy: Là một công dân trong quận Tây Hồ, Hà Nội, tôi có nhiều suy nghĩ về hình tượng hoa sen. Điều đó đã thôi thúc tôi xây dựng một hình tượng mang tính biểu trưng của quận Tây Hồ.
Địa điểm đài phun nước Mai Xuân Thưởng nằm gần không gian Ba Đình lịch sử, có Chùa Một Cột mà cấu trúc dựa trên một cột trụ chính tâm để nâng đỡ hoa sen, chính điều này ảnh hưởng tới thiết kế đài phun nước hình tượng hoa sen.
Thiết kế đài phun nước hoa sen vàng cũng dùng một cột trụ chính chịu lực cho 3 tầng cánh với tổng số 18 cánh sen. Khối hoa sen được điêu khắc trổ thủng, có thể nhìn xuyên thấu từ bên này sang bên kia, khiến không gian không bị che lấp. Chính vì vậy, dù tạo hình bằng khối bê tông nhưng bông hoa sen nhìn vẫn bay bổng, thanh thoát.
Đặc biệt khi được phủ lớp gốm mosaic với các tone vàng chuyển đậm nhạt, bông hoa sen đã đánh thức không gian đơn điệu bằng sự lấp lánh trang nhã của hàng triệu viên gốm ghép lại.
PV: Sao chị lại chọn màu vàng cho hình tượng hoa sen?
Họa sỹ Nguyễn Thu Thủy: Tôi có suy nghĩ nhiều về vùng đất Tây Hồ linh thiêng này. Nơi đây có nhiều truyền thuyết, câu chuyện lich sử gắn với hồ Tây, nơi có những văn sỹ, thi sỹ như Bà Huyện Thanh Quan, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Trãi đã từng sống và sáng tác thi ca, đặc biệt là cuộc hội ngộ đối đáp thơ giữa Mẫu Liễu Hạnh và Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan, rồi những bài thơ và cảm xúc về hồ Tây… từ đó, tôi muốn tạo nên một bông sen mang tính biểu tượng hơn là hiện thực.
Tôi muốn hình tượng bông sen toát lên sự thanh khiết và vẻ đẹp tâm hồn của người Hà Nội trải qua nhiều thế kỷ. Xung quanh đài phun nước tôi cũng sử dụng hình tượng sóng nước và hoa sen cách điêu thời lý cũng là màu vàng phối với màu phớt hồng. Những họa tiết này tôi đã tích luỹ được trong quá trình thực hiện dự án con đường gốm sứ.
PV: Hẳn là trong quá trình thiết kế, chị đã có nhiều thay đổi và bàn luận?
Họa sỹ Nguyễn Thu Thủy: Khi mới hình thành ý tưởng tôi có dùng dây thép để tạo hình vì thép có thể uốn cong mềm mại. Sau đó tôi có nhờ các bạn kỹ thuật dựng hình 3D thành khối điêu khắc.
Ban đầu 6 cánh sen ở tầng dưới cùng vươn cao hơn so với thực tế bây giờ, nhưng sau đó tôi đã quyết định hạ thấp xuống để đỡ rối mắt và để nhấn vào 2 lớp cánh ở trên. Hơn nữa làm thế còn đảm bảo cho kết cấu vững chãi hơn.
PV: Trong quá trình thiết kế chị có nhận được nhiều ý kiến và tư vấn góp ý của nhiều người và các tổ chức?
Họa sỹ Nguyễn Thu Thủy: Tôi là tác giả của ý tưởng và tạo hình sau đó tôi chuyển sang cho một đơn vị thiết kế kết cấu. Hai cộng sự chính của tôi là kiến trúc sư Nguyễn Thành Lam và nhà điêu khắc Bùi Viết Đoàn.
Dự án đã được sở Xây dựng phê duyệt sau các bước thẩm định, thẩm tra kỹ lưỡng. Sở VHTT&DL có thành lập một hội đồng nghệ thuật do Phó Giám đốc Sở Trần Quốc Chiêm làm Chủ tịch, họa sỹ Trần Khánh Chương làm Phó Chủ tịch và có các thành viên hội đồng là nhà nghiên cứu nghệ thuật Nguyễn Đỗ Bảo, nhà điêu khắc Nguyễn Phú Cường, hoa sỹ Nguyễn Văn Trực.
PV: Khó khăn lớn nhất của chị trong quá trình thi công là gì?
Họa sỹ Nguyễn Thu Thủy: Là tiến độ và thời tiết. Chúng tôi chỉ có 56 ngày đêm để thực hiện. Tôi cùng các cộng sự và 60 thợ xây dựng và nghệ nhân gắn gốm đã phải làm ngày đêm. Bên cạnh đó, thời tiết cũng không ủng hộ. Có 2 trận bão làm dự án bị chậm tiến độ.
PV: Tôi thấy xung quanh đài phun nước là 4 cụm ghế ngồi hình vòng cung gắn gốm rất đẹp và thiết kế rất mới, chị có thể cho biết thêm về ý tưởng này?
Họa sỹ Nguyễn Thu Thủy: Tôi muốn tạo ra một kiểu ghế ngồi mới có tính nghệ thuật. Tôi có đi tham quan các công trình nghệ thuật công cộng (Public Art) ờ Chicago, San Francisco. Tại đó, các nghệ sỹ rất tự hào với những chiếc ghế có tính nghệ thuật ngoài trời.
Từ đó, tôi có mong muốn được mang sáng tạo của riêng mình vào những chiếc ghế công cộng. Thật may mắn, lãnh đạo thành phố đã chấp thuận cho ý tưởng mới này.
Tôi bố trí 4 ghế cùng quanh đài phun nước để mọi người ngồi nghỉ ngắm đài phun nước. Ghế chạy dài vòng cung nên một nhóm bạn có thể ngồi chung, có thể 10 người ngồi một lúc. Trên ghế ngoài gắn những viên gốm nhỏ 1x1 cm theo phong cách mosaic, tôi còn gắn những hình ảnh Hà Nội xưa bằng kỹ thuật in ảnh lên men gốm. Hình ảnh được in lên gốm khi còn ẩm, men gốm thấm vào xương đất, sau đó nung đến 1.300 độ. Điều này làm hình ảnh bền lâu cùng thời gian và chịu được mưa nắng ngoài trời.
Tôi mong muốn khi tựa lưng vào đây mỗi người sẽ có cảm giác như được bao bọc bởi những hình ảnh thân thương nhất của Hà Nội, đó là những di sản ký ức của lịch sử thủ đô cần được lưu giữ và hiện hữu trong cuộc sống thường nhật.
PV: Xin cảm ơn chị!
Một số hình ảnh về Đài phun nước Bông sen vàng: