Hoàng thành Thăng Long: Lịch sử nghìn năm từ lòng đất
Khu di tích Hoàng thành Thăng Long là nơi lưu giữ các chứng tích về sự giao lưu văn hoá, giao thoa các giá trị nhân văn trong khu vực, tạo nên một nền văn hoá giàu bản sắc Việt Nam
Nằm trong các hoạt động nhân dịp Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội, sáng 2/10, tại Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam và UBND thành phố Hà Nội tổ chức Lễ khai trương giới thiệu và trưng bày di tích, di vật Hoàng thành Thăng Long với chủ đề: “Hoàng thành Thăng Long: Lịch sử nghìn năm từ lòng đất”.
Bà Irina Bokova, Tổng giám đốc UNESCO, cùng nhiều quan khách quốc tế, các nhà khoa học, đông đảo người dân của Thủ đô và cả nước đã dự lễ khai trương.
Cắt băng khai trương giới thiệu và trưng bày di tích, di vật Hoàng thành Thăng Long |
Trong tổng thể các di tích của Khu di sản, từ nay trở đi, ngoài việc thăm các di tích tiêu biểu như: Cột Cờ, Đoan Môn, nền Điện Kính Thiên, Hậu Lâu, Bắc Môn, nhà D67 (Tổng hành dinh quân đội nhân dân Việt Nam), du khách sẽ được tiếp xúc thêm một phần các di tích đa dạng, phong phú đang được bảo tồn nguyên trạng tại Khu di tích và một phần di vật tiêu biểu giới thiệu trong nhà Trưng bày. Đó là các chứng tích xác thực của các thời kỳ lịch sử nối tiếp nhau hơn 1.000 năm từ thời Đại La đến thời Đinh tiền Lê, thời Lý, thời Trần, thời Lê sơ, thời Mạc, thời Lê Trung Hưng, thời Nguyễn.
Ngày 1/8/2010, Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long đã được Uỷ ban Di sản thế giới (thuộc UNESCO) công nhận là Di sản thế giới có giá trị nổi bật toàn cầu. Trong Lễ khai mạc Chương trình 10 ngày Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, bà Irina Bokova đã chính thức trao Bằng công nhận di sản cho thành phố Hà Nội. |
Sau lễ khai mạc, lãnh đạo thành phố Hà Nội, lãnh đạo tổ chức UNESCO và đại diện các cơ quan đã cắt băng khai trương giới thiệu và trưng bày di tích, di vật Hoàng thành Thăng Long. Hàng vạn người dân Thủ đô và cả nước đã thăm quan Khu di tích lịch sử, Di sản Văn hoá Thế giới - Hoàng thành Thăng Long./.