Hơn một nửa số nhà xuất bản sẽ có nguy cơ xóa sổ
Thứ Bảy, 15:27, 09/01/2016
Đến hết năm 2015, trong số 63 nhà xuất bản mới chỉ có 27 thực hiện đổi giấy phép thành lập theo quy định của luật Xuất bản.
Đó là thông tin được đưa ra tại Hội nghị cơ quan chủ quản nhà xuất bản 2015 diễn ra ngày 8/1 tại Hà Nội.
Theo quy định hiện nay, nhà xuất bản (NXB) phải có 5 tỉ đồng vốn và trên 200 m2diện tích cơ sở vật chất cùng nhân lực phải có chứng chỉ biên tập viên do quản lý nhà nước cấp (theo điều 8, chương 2 Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật Xuất bản, có hiệu lực từ ngày 1/3/2014).
Nếu không đảm bảo, các NXB phải ngưng hoạt động hoặc tìm cách “sáp nhập”. Đáng lưu ý, 5 tỉ đồng chỉ là con số cần để mỗi NXB tự xuất bản 30 cuốn/năm. Ông Chu Hòa, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, giải thích: “Nếu không đủ năng lực họ sẽ đi bán giấy phép. Và đã bán giấy phép thì không thể quản lý được nội dung, sẽ cho ra những cuốn sách xấu”.
Bạn đọc đến với hội sách tại TP.HCM.
|
Khó có 5 tỉ đồng
Ông Nguyễn Trí Huân, Phó chủ tịch Hội Nhà văn, cơ quan chủ quản của NXB Hội Nhà văn, cho rằng yêu cầu kinh phí 5 tỉ đồng cho hoạt động của mỗi NXB là khó thực hiện đối với nhiều đơn vị. Theo quy định, cơ quan chủ quản và NXB phải cùng lo khoản tiền này. Tuy nhiên, Hội Nhà văn “không biết đào đâu ra từng đó tiền vì kinh phí hoạt động cả năm của hội chỉ có 2 tỉ đồng”.
Đại diện NXB ĐH Sư phạm cũng than vãn dù được nhà trường lo hộ 3 tỉ đồng, số còn lại phải tự lo bằng vay ngân hàng... Về khoản tiền 5 tỉ đồng mà nhiều NXB không đủ, ông Chu Hòa nói: “Các NXB chưa đổi được giấy phép vẫn được xuất bản, song tình trạng này sẽ chỉ kéo dài trong thời gian ngắn. Về lâu dài, có thể nhiều NXB sẽ phải chấp nhận đóng cửa”.
Trước đó, tại Hội nghị giao ban công tác xuất bản 6 tháng đầu năm 2015 (diễn ra tại Hà Nội), ông Hòa từng khẳng định: “Nếu không làm được thì cũng nên giải thể để các cơ quan chủ quản khác, NXB khác có năng lực làm. Xã hội cần là cần chất lượng. Nếu sống èo uột, chỉ đi làm mấy việc bậy bạ như bán giấy phép, ra sách sai... thì ngành chỉ cần 20 NXB cũng được”.
Việc cấp chứng chỉ hành nghề (CCHN) biên tập đã và đang ráo riết được thực hiện trên phạm vi cả nước cũng được coi là một trong những biện pháp mạnh nhằm sàng lọc kỹ hơn nội dung từng cuốn sách. Ông Hòa cho biết: “Biên tập viên (BTV) phải có CCHN, nếu xuất bản phẩm do mình biên tập bị cấm lưu hành, thu hồi, tịch thu, tiêu hủy sẽ bị thu hồi CCHN.Theo báo cáo của Cục Xuất bản, In và Phát hành, trong năm qua đã có 11 lớp học cho 1.144 học viên và cấp CCHN biên tập cho 970 BTV của NXB. Theo đó, các học viên phải học kỹ năng, nghiệp vụ biên tập cũng như phân tích rút kinh nghiệm về vi phạm thường xảy ra trong quy trình xuất bản”.
Luật hóa sẽ kìm nén sáng tạo?
Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến trái chiều về việc cấp CCHN. Một BTV của NXB Kim Đồng nhất trí rằng việc học bồi dưỡng nghiệp vụ là cần thiết. Dù ngành nghề gì cũng cần có chế tài, tuy nhiên ngành nghề biên tập xuất bản thuộc lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật, khoa học - kỹ thuật, xã hội... thì sai - đúng, hay - dở đều khó thể biến thành luật.
“Ngôn ngữ chuyển dịch, biến hóa khôn lường, theo từng thời kỳ, từng quan điểm, từng trào lưu, từng góc độ nhìn. Nếu cứ luật hóa sẽ gây nguy hại, kìm nén khả năng sáng tạo và khả năng thẩm định của BTV. Theo tôi, việc chế tài trong biên tập xuất bản không nên dùng các biện pháp mạnh và gay gắt.
Vì nhiều cuốn bị “tai nạn” đôi khi do oan ức, không phải do lỗi của BTV. Lỗi trong biên tập xuất bản không giống như lỗi trong giao thông, hình sự, nên chế tài cần cân nhắc, không nên luật hóa”, BTV này chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Phước, Giám đốc Công ty sách Trí Việt - First News, cũng cho rằng việc tổ chức các lớp bồi dưỡng BTV là cần thiết để nâng cao chất lượng tay nghề xuất bản. Tuy nhiên, việc cấp CCHN cho BTV có thể không cần thiết. “Năng lực biên tập xuất bản là thiên bẩm, có học hành chứng chỉ đàng hoàng chưa chắc đã biên tập tốt. Như nhiều người học nhạc ra nhưng đâu có trở thành ca sĩ được đâu”, ông Phước nói./.