Hợp ca quê hương - Nghe hồn núi sông giữa Paris
(VOV) - “Hợp ca quê hương” đã có nhiều buổi diễn để quảng bá văn hóa Việt Nam ở Pháp và nhiều lần quyên góp ủng hộ nạn nhân da cam Việt Nam.
Đưa những bản hợp ca cách mạng Việt Nam đến với công chúng Pháp là sáng kiến mang đầy ý nghĩa của nhóm “Hợp ca quê hương” – tập hợp những giọng ca không chuyên tại Pháp nhưng chan chứa tâm hồn dân tộc. Càng ý nghĩa hơn khi các buổi biểu diễn của nhóm là hoàn toàn tự nguyện, nhằm quảng bá văn hóa Việt Nam tại Pháp và quyên góp ủng hộ những người có hoàn cảnh sống khó khăn tại Việt Nam.
Hơn 40 bạn trẻ cùng hát vang bản “Trường ca Sông Lô” hào hùng của dân tộc. Nhiều cung bậc âm thanh chưa chuẩn cho thấy tính nghiệp dư của nhóm, nhưng để tập luyện và tự tin mang đến những bản hợp xướng của Việt Nam như: Trường ca sông Lô, Đàn chim Việt, Việt Nam quê hương tôi, Tình ca…đến được với khán giả Pháp, họ đã phải trải qua quá trình tập luyện dài và mệt mỏi.
Là dân nghiệp dư, song xuất phát từ tình yêu và đam mê quảng bá văn hóa Việt Nam, cô Nguyễn Ngân Hà đã quyết định tập hợp các bạn trẻ Việt Nam, các sinh viên, thực tập sinh Việt Nam tại Pháp trong một nhóm hợp ca.
“Phong trào hợp xướng của Việt kiều có truyền thống từ xưa tới giờ, sau một thời gian gián đoạn tôi và một số bạn nghĩ đến tìm cách khôi phục hình thức nghệ thuật này. Ai cũng yêu văn nghệ, thích hát dù dở, dù hay, vậy tại sao mình không đưa hợp xướng ra để mọi người hát với nhau. Tìm bài sẵn có hoặc nhờ người này người kia, hoặc nhờ các bạn trong nước giúp, nhờ các anh chị Việt kiều giúp, vừa làm vừa học...” – cô Nguyễn Ngân Hà cho biết.
Một tiết mục biểu diễn của "Hợp ca quê hương" tại trụ sở UNESCO |
Với mục đích đó, “Hợp ca quê hương” được thành lập vào năm 2009 và đến nay có khoảng 60 thành viên, trong đó các buổi tập thường xuyên thu hút khoảng 40 người. Nhóm thường tập luyện vào mỗi thứ 7 cuối tuần tại Trung tâm văn hóa Việt Nam tại Pháp.
Cô Ngân Hà cho biết thêm, việc chọn bài không phải dễ mà hợp xướng thì những bài hay nhất là những bài cách mạng Việt Nam để giới thiệu với công chúng Pháp. Do vậy, khán giả Pháp rất thích dù toàn người nghiệp dư hát.
Với thông điệp âm nhạc xuất phát từ trái tim, “Hợp ca quê hương” đã có nhiều buổi diễn để quảng bá văn hóa Việt Nam và nhiều lần quyên góp từ lòng hảo tâm của bạn bè Pháp cho những đối tượng thiệt thòi ở Việt Nam, trong đó tích cực nhất là cho các nạn nhân chất độc da cam…
Đánh giá về nhóm, ông Christian Favier, phụ trách Ủy ban làng hữu nghị Vân Canh tại vùng Val de Marne cho rằng: “Chúng tôi rất may mắn khi được ‘Hợp ca quê hương’ đề xuất tổ chức một buổi biểu diễn quyên góp cho các nạn nhân chất độc da cam. Buổi diễn đã thu hút khá đông người Pháp cho dù thời buổi khủng hoảng này không phải dễ thực hiện việc quyên góp. Chất độc da cam cũng là một vấn đề mà nước Pháp lo lắng, quan tâm. Bây giờ, người Pháp biết đến nhiều và nói nhiều đến vấn đề chất độc da cam, đó là một tín hiệu tốt. Cuộc đấu tranh khó khăn, nhưng không phải vì thế mà chúng ta bỏ cuộc. Tôi cho rằng, chính xã hội Mỹ sẽ phải nghĩ lại về vấn đề này...”.
Hát hợp ca vốn rất khó, càng khó hơn với những bạn trẻ nghiệp dư, đa số lúc xin vào nhóm còn chưa biết hợp xướng là gì, hát như thế nào. Nhưng cùng chung niềm đam mê âm nhạc Việt Nam, cùng hưởng ứng mục đích quảng bá văn hóa và hỗ trợ bằng cách nào đó về cho những đồng bào thiệt thòi ở trong nước, “Hợp ca quê hương” sau hơn 4 năm tồn tại đã làm được nhiều điều rất đáng tự hào./.