Julie Vu: Hội họa là niềm đam mê bất tận của tôi
VOV.VN - Hồng Dung tin rằng, theo đà phát triển của thế giới, ngành hội họa không những mất đi vị thế mà ngày càng mở ra nhiều cơ hội thú vị.
Để tìm được ước mơ cháy bỏng cho riêng mình và theo đuổi đến cùng không phải là điều dễ dàng. Tuy nhiên, bằng tình yêu, đam mê với hội họa, Vũ Hồng Dung (Julie Vu), cựu học sinh trường PTTH Chu Văn An, Hà Nội đang từng bước hiện thực hóa ước mơ của chính mình bằng con đường du học ở Mỹ. Tốt nghiệp trường Austana University, Julie Vu đang làm thiết kế đồ họa cho công ty thời trangCoach ở New York và sắp tới theo học cao hơn để tiếp tục chinh phục môn nghệ thuật không giới hạn này. Cô tin rằng, theo đà phát triển của thế giới, ngành hội họa không những mất đi vị thế mà ngày càng mở ra nhiều cơ hội thú vị.
PV: Hội họa, quả thực là một ngành nghề rất thú vị, luôn khơi dậy được sức sáng tạo vô hạn của con người. Dung hãy nói chút về khả năng, niềm đam mê với hội họa cũng như lý do Dung chọn nước Mỹ để theo đuổi ước mơ của mình?
Juilie Vu: Tôi đang làm thiết kế đồ họa cho công ty thời trang Coach ở New York. Niềm đam mê hội họa của em đến từ lúc còn rất nhỏ. Khi 4-5 tuổi, gia đình đã gửi tôi đi học múa, đàn, vẽ tại Cung Thiếu Nhỉ Hà Nội với mong muốn tôi có cơ hội khám phá đam mê riêng của mình. Trong những lớp năng khiếu đó thì tôi thích vẽ tranh hơn cả. Còn nhớ là tôi rất thích được diễn tả những cảnh vật đời thực qua màu sắc và cảm thấy thích thú với việc được trưng bày những tác phẩm của mình.
Với sự ủng hộ và khuyến khích từ gia đình, đến năm 7 tuổi tôi chuyển sang học hội họa tại Cung Văn Hoá Hữu Nghị Việt Xô vào Chủ Nhật hàng tuần. Tại lớp học hội hoạ này thì tôi đã được phát triển các phương thức sáng tác tranh từ bé trên các chất liệu khác nhau từ màu nước, màu sơn dầu đến lụa. Còn về đam mê thời trang của tôi nghĩ mình được ảnh hưởng từ mẹ và bà ngoại. Tôi chọn nước Mỹ để theo học ngành này vì em đam mê trường phái hội họa Abstract Expressionism. Du học ở Mỹ chính là cách tôi muốn được trau dồi và học hỏi thêm về cách sáng tác của các họa sĩ Mỹ.
PV: Dung hãy cho mọi người biết thêm về phong cách hội họa Abstract Expressionism?
Julie Vu: Abstract Expressionism có thể hiểu nghĩa tiếng Việt là chủ nghĩa Biểu hiện Trừu tượng. Đây là một trường phái hội họa, là một khuynh hướng nghệ thuật thời kỳ hậu chiến tranh thế giới thứ 2. Nó khởi nguồn từ Mỹ và đã đạt tầm ảnh hưởng trên toàn thế giới, đưa thành phố New York trở thành trung tâm nghệ thuật của phương Tây, mà trước đây mọi thứ hoàn toàn thuộc về châu Âu như Pháp, Italia.
Trong các trường phái hội họa, tôi chọn phong cách này vì em thích sự kết hợp giữa tính tự nhiên và những biểu hiện sáng tạo có chủ tâm trong những tác phẩm thể loại này. Cảm xúc trong lúc vẽ tranh là tính tính chất tự nhiên nhưng thực ra tất cả đều được nghệ sĩ sáng tác, thực hiện theo một kế hoạch cụ thể. Vì vậy, những tác phẩm thuộc thể loại Abstract Expressionism thể hiện được vẻ đẹp của tác phẩm không những qua thị giác mà còn qua cả xúc cảm.
PV: Những thuận lợi, khó khăn đối với Dung khi học xa nhà nhất là khi có rất ít sinh viên Việt mình theo học ngành nghệ thuật ở Mỹ?
Julie Vu: Theo tôi, học ngành nghệ thuật bên Mỹ có rất nhiều mặt thuận lợi. Tôi có nguồn sách vô tận để đọc, nghiên cứu về tranh vẽ và các họa sĩ khác nhau trên toàn thế giới. Tôi có thể đi bảo tàng xem tranh mọi lúc mọi nơi nếu muốn. Tôi cảm thấy may mắn vì có cơ hội đi xem tranh ở rất nhiều các bảo tàng lớn khác nhau ở Mỹ.
Tôi nghĩ, một trong những điều quan trọng nhất trong hội họa đó là việc học hỏi qua cách quan sát nghệ thuật từ những hoạ sĩ đương đại cũng như những các họa sĩ từ những thế kỉ và thập kỉ khác.
Hơn nữa, việc mua đồ dùng để phục vụ việc sáng tác tranh cũng dễ dàng hơn. Môi trường giáo dục bên Mỹ luôn luôn khuyến khích em tìm cái tôi riêng trong những tác phẩm của mình. Tôi có thể sáng tác tranh trên tất cả các chất liệu nào và nhà trường sẵn sàng giúp đỡ em tìm chất liệu cho việc thể hiện ý tưởng của mình.
Ngoài những mặt thuật lợi thì tôi cũng gặp nhiều khó khăn khác. Học nghệ thuật nói chung hay hội họa nói riêng bên Mỹ khá đắt đỏ và tính cạnh tranh rất cao. Điều đó đòi hỏi tôi phải luôn chăm chỉ sáng tác với tần suất cao. Bên cạnh việc luôn luôn phải sáng tác, tôi cũng phải dành một phần lớn thời gian nghiên cứu chất liệu và tìm cái tôi cho những tác phẩm của mình.
Khó khăn lớn nhất của tôi khi học xa nhà chính là sự cân bằng việc học và việc nhà. Ở xa nhà, thì việc gì cũng phải làm; từ đi chợ, dọn dẹp nhà cửa, làm giấy tờ, kiểm soát tài chính.. tất cả mọi thứ nhưng vẫn phải dành thời gian cho việc học. Nếu một ngày có thêm 24 giờ, em còn muốn đi chơi, giao lưu nhiều hơn với bạn bè, đồng nghiệp.
Động lực giúp tôi hoàn thành đại học, làm tốt công việc hiện tại và sắp tới học cao hơn nữa, chính là niềm mơ ước trở thành một nghệ sĩ được nhiều người biết đến và tranh của em được trưng bày tại các bảo tàng trên thế giới.
PV: Dung cũng có tranh được trưng bày cùng các nghệ sĩ tên tuổi tại một triển lãm hội họa mới đây ở New York.? Trong các tác phẩm của mình, Dung thường thích thể hiện đề tài gì?
Julie Vu: Trong các sáng tác của mình, tôi thích thể hiện xúc cảm của mình liên quan đến con người, thiên nhiên, sự vật, sự việc thông qua màu sắc, những đường nét không chủ thể và khám phá bề mặt của chất liệu. Đi theo trường phái Abstract Expressionism nên việc phối hợp màu sắc và hình khối là rất quan trọng. Hiện tôi chưa có nhiều cơ hội hợp tác với các nghệ sĩ nước ngoài như mong muốn, nhưng trong tương lai gần, sẽ có nhiều cơ hội. Công việc thiết kế đồ họa tại công thời trang Coach. Tôi duy trì phát triển chiến dịch quảng cáo cho Branch Coach theo đúng mặt nghệ thuât và quy chuẩn của hãng đưa ra trên toàn cầu.
PV: Đúng là bên Mỹ có khá nhiều thuận lợi cho em phát triển. Thế còn ở Việt Nam cơ hội là như thế nào và Dung có muốn trở về lập nghiệp tại quê nhà không?
Juilie Vu: Tôi nghĩ rằng, với đà phát triển của Việt Nam thi khi về nước sẽ có rất nhiều cơ hội nghề nghiệp. Vì mình làm trong lĩnh vực hội họa, thời trang và quảng cáo cho nên thành phố Hồ Chí Minh sẽ có nhiều cơ hội việc làm hơn. Còn nếu lựa chọn làm việc ở Hà Nội thì tôi vẫn có thể phát triển, tự do hơn và hoàn thiện hơn với nghề của mình
PV: Cảm ơn Dung về cuộc trò chuyện./.