Khi đời tư trở thành "đặc sản" trên sân khấu gameshow?
VOV.VN - Gần đây, những ồn ào đời tư của nghệ sĩ, thí sinh liên tục được phơi trên truyền hình. Phải chăng NSX đang lạm dụng làm mồi câu cho chương trình?
Cũng không biết bắt đầu từ gameshow nào, từ khi nào, nhưng khi gameshow Việt trên truyền hình càng nhiều chương trình thì những câu chuyện đời tư không chỉ của của thí sinh mà còn của giám khảo liên tiếp được “phơi” trên sân khấu gameshow Việt.
Lúc đầu chỉ lác đác, như một sự vô tình, chưa hẳn là “chiêu, trò”, nhưng có lẽ thấy hiệu quả đánh vào tâm lý tò mò và quan tâm của khán giả, sau đó lượng rating tăng cao, dần dần chuyện mang đời tư của nhau “phơi” trên sân khấu gameshow trở thành mồi câu để kiếm lợi nhuận của các nhà sản xuất chương trình, bất chấp thị phi, bất chấp tính nhân văn cần có, bất chấp cả việc làm xấu hình ảnh gameshow Việt…
Khi đời tư bị “phơi” không giới hạn
Không rõ “đầu vào” các gameshow sau vòng sơ khảo, có đặt vấn đề thí sinh nào có “hoàn cảnh” đặc biệt sẽ ưu tiên, thậm chí được đặc cách, bỏ qua một số khiếm khuyết về khả năng, tài năng? Nhưng gần như đã thành thông lệ, càng vào vòng trong của cac gameshow, thì việc khai thác đời tư của thí sinh càng sâu hơn.
Tràn lan gameshow trên sóng truyền hình. |
Và thí sinh của gameshow nào có hoàn cảnh nhiều kịch tính, thì chương trình đó càng được nhắc tới nhiều trên truyền thông và các trang mạng xã hội, bất kể là xuôi chiều hay trái chiều, phản đối hay đồng thuận.
Còn nhớ trong gameshow “Sing my song”- Bài hát hay nhất, thay vì nhận xét về chất lượng, khả năng phần ứng thí, thì giám khảo và MC cứ đào khoét chuyện chuyển giới của thí sinh Lê Thiện Hiếu. Hay tạo ra một lý lịch mơ hồ của thí sinh Cao Bá Hưng là cháu 7 đời của Cao Bá Quát. Rồi chuyện gia đình riêng của Phạm Hồng Phước, Ưng Đại vệ cũng bị mang ra “giải phẫu” trên sân khấu.
Đời tư của Lê Thiện Hiếu là một trong những yếu tố gây "hot" của chương trình "Sing my song". |
Gần đây nhất, trong gameshow “Tình Bolero hoan ca” đã trở thành gameshow không giới hạn về đời tư, khi các thi sinh liên tiếp “móc” đời tư của mình phơi trên sân khấu.
Có lẽ khán giả cũng khá sốc sau màn giám khảo Thái Châu cầm roi răn dạy cháu gái Hà My của mình sau màn trình diễn, thì ngay sau đó cô cháu gái đã "huỵch toẹt" mối quan hệ “cơm không lành, canh không ngọt” với người cậu ruột Thái Châu.
Chưa hết, trong tập phát sóng mới đây, ca sĩ Hà My thêm một lần “gây bão” khi “dốc ruột” tâm sự về mối tình đầu với một danh hài nổi tiếng khi được MC Trác Thúy Miêu gặng hỏi về lý do chọn ca khúc “Chuyện tình không dĩ vãng” để trình diễn. Và giám khảo Thanh Hằng thản nhiên tiết lộ với khán giả mối tình đầu của Hà My chính là “6 Bảnh”- biệt hiệu của Hoài Linh trong vở hài kịch “Ra giêng anh cưới em”.
Còn ca sĩ Yến Xuân, vợ của cố nhạc sĩ Duy Quang thủ thỉ chuyện đời đầy đau buồn, tâm sự về chuyện tình duyên ngắn ngủi khi người thân liên tiếp qua đời sau mỗi ca khúc trình bày.
Trong “Trời sinh một cặp”, con gái thứ 4 của danh ca Chế Linh là Lệ Thi xem sân khấu gamshow là nơi trài lòng, kể tội cha mình trước hàng nghìn khán giả trực tiếp và hàng triệu khán giả trên màn hình. Sau vài tập phát sóng, cô lại rơi nước mắt phân bua đã hiểu lầm cha của mình?
Như một xu hướng, nhiều gameshow hiện nay chơi “chiêu” khai thác đời tư cá nhân thí sinh khá sâu, gần như không có giới hạn, xem như nếu không có chuyện thì không thành show diễn hoàn hảo. Đặc biệt các gameshow "Sao nối ngôi", "Hát cùng mẹ yêu", là sân chơi dành cho “tứ đại đồng đường” người nổi tiếng nên chuyện thâm cung bí sử của gia đình được dịp “phơi” không giới hạn.
Ngay cả các giám khảo ngồi ghế nóng cũng mang đời tư của mình làm chiêu trò như làm quà cho khán giả. Mang từ gameshow này đến gameshow khác, Đàm Vĩnh Hưng kể lại không ít lần gia cảnh của mình, từ chuyện năm xưa vi phạm luật đi tù, hát lót, đến chuyện mang mẹ mình đánh bạc bị xã hội đen đòi nợ, rồi “còng lưng” trả nợ cho mẹ…
Khán giả gameshow không hiếm lần nghe Trường Giang nhắc đến Hari Won trên sân khấu để giễu Trấn Thành, ngược lại Trấn Thành đưa Nhã Phương ra để chọc quê Trường Giang. Những mối quan hệ tình cảm khác như Thu Trang - Tiến Luật, Quang Minh- Hồng Đào hay sở thích ăn uống của Hoài Linh cũng là câu chuyện làm quà trên sân khấu gameshow cho khán giả.
Thậm chí trong gameshow “Ơn giời, cậu đây rồi”, ở một tiểu phẩm Trấn Thành khiếm nhã sấn sổ vào người Hương Giang Idol rồi phán người cô "toàn mùi silicon" rất khiếm nhã và kém văn hóa.
Đâu là điểm dừng?
Ở nước ngoài, việc nhà sản xuất gameshow có xu hướng “mua” đời tư giám khảo, khai thác hoàn cảnh nhiều kịch tính của thí sinh như một điều kiện để cho chương trình thành công. Và việc dựng kịch bản để đầy những câu chuyện đời tư đến cao trào “đỉnh” cũng nằm trong chiến dịch PR trong suốt quá trình thực hiện gameshow là chuyện bình thường.
Gameshow Việt không ngừng “nở” về số lượng trên sóng truyền hình. |
Nhưng khi mua format, Việt hóa, nhiều chương trình đã quá lố khi áp dụng khai thác đời tư thí sinh và giám khảo, rơi vào tình huống thiếu nhân văn, không phù hợp với văn hóa Việt. Có chương trình vì không có thí sinh “hoàn cảnh”, còn lừa khán giả bằng cách dựng một kịch bản khá bi kịch của thí sinh, bất chấp hậu quả cả hai phía.
Vẫn biết nhà sản xuất luôn cố gắng tìm mọi cách làm cho chương trình không bị nhàm chán, thu hút khán giả, nghệ sĩ cũng muốn không bị quên tên, thí sinh muốn kéo khán giả bầu chọn cho mình… Nhưng thay vì chứng mình bằng tài năng, khả năng sáng tạo thì lại mang đời tư của mình như mồi câu, nhằm khơi gợi tình cảm khán giả.
Có nhiều chương trình khai thác đời tư thành công và khiến khán giả xúc động. Nhưng việc lạm dụng yếu tố này quá giới hạn cũng thành ra phản cảm. Khán giả của gameshow không hẳn đã đồng tình với kiểu khai thác đời tư trên sân khấu một cách quá “sâu”như thế, cũng có nhiều phản ứng gay gắt, thậm chí tẩy chay gameshow.
Khi gameshow Việt vẫn đang không ngừng “nở” về số lượng trên sóng truyền hình, nhiều người muốn “đổi đời” hay tạo tên tuổi, đánh bóng lại tên tuổi qua gameshow. Nhưng cứ dùng mãi chiêu “phơi” đời tư mình trên sân khấu, e rằng có ngày “rơi tự do” khi khán giả ngoảnh mặt bởi cuối cùng đó chỉ là thị phi showbiz, là chiêu trò lừa tình cảm khán giả.
Chất lượng vẫn là yếu tố quyết định sự thành bại, khả năng “sống lâu” của chương trình gameshow. Tài năng đích thực mới là “chất”, là “đỉnh” giúp các thí sinh ghi dấu ấn trong lòng khán giả./.
Trấn Thành đã tiết chế cảm xúc hơn trên ghế gameshow mới
Gameshow ca nhạc trên truyền hình 2017: Chỉ vui là chính
Các sao “bự” nói gì về gameshow - vấn đề nhức nhối của showbiz Việt?