Khi người trẻ hát Ví, Giặm

Nếu không có sự tiếp nối của thế hệ trẻ thì có lẽ, những câu Hò, điệu Ví của vùng quê xứ Nghệ không thể lưu truyền và vang xa.

Theo thống kê của Ban tổ chức Liên hoan Dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ 2012, thành viên trẻ tuổi tham gia hát và biểu diễn các làn điệu Ví, Giặm chiếm 50%. Trong đó, nhỏ nhất là 5 tuổi. Số đông còn lại là các bạn trẻ nam, nữ vừa mười tám đôi mươi. Con số ấy cũng đủ để minh chứng sức hấp dẫn của dân ca nói chung và Ví, Giặm nói riêng đối với lớp trẻ.

Đó là tiếng hát của em Đinh Lê Thúy An, học sinh lớp 3 trường tiểu học thị trấn Nam Đàn, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Mới đây, tại Liên hoan Dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ 2012, Thúy An là một trong những gương mặt nhỏ tuổi được chú ý khi tiết mục hát Ví này của em mang giải Nhì về cho Câu lạc bộ dân ca trường tiểu học thị trấn Nam Đàn. Thúy An kể: em biết hát Ví, Giặm từ khi học lớp 1. Thời gian sinh hoạt hay khi ra chơi, cũng chính là lúc cô giáo tổ chức dạy hát dân ca cho học sinh của mình: Lần đầu tiên em hát Ví, Giặm, em thấy rất là khó, nhưng dần dần em lại thấy dễ. Em dành thời gian lúc ra chơi để tập hát. Lúc ra chơi, cô cũng thường cho tập múa và tập hát luôn. Ngày nghỉ, buổi tối em không có thời gian để hát vì phải học bài. Em thích hát dân ca vì bài hát nhẹ, hay và mềm mại. Em nhớ nhiều làn điệu Ví, Giặm  lắm chứ, không kể hết được.

Liên hoan dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ 2012
Dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ từ lâu đã được nhân dân 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh gìn giữ như một Di sản quý báu của ông cha để lại. Khúc hát dân ca Ví, Giặm được truyền miệng từ thế hệ này sang thế hệ khác. Làn điệu của Ví, Giặm luôn gần gũi và gắn liền với đời sống lao động, tâm tư tình cảm của những người con xứ Nghệ. Những điệu hò, lời ru của bà, của mẹ đã ăn sâu vào tiềm thức trẻ thơ, từ đó nuôi dưỡng tâm hồn con người. Em Nguyễn Thị Phượng, thành viên trong câu lạc bộ Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh chia sẻ: chính mẹ đã truyền dạy những làn điệu Ví, Giặm cho em từ khi còn rất nhỏ: Em đến với Ví, Giặm từ khi còn nhỏ, trong những lời ru, những điệu hò của mẹ ru em ngủ và từ đó nó nhập vào trong tâm trí của em. Khi ở tuổi thiếu niên, em cũng tham gia vào đội văn nghệ của xã, xóm. Ở trường em làm quản ca từ năm lớp 6 đến lớp 12. Bây giờ em đang học sư phạm và em sẽ theo nghiệp giáo viên nhưng niềm đam mê dân ca Ví, Giặm thì chắc chắn là em sẽ theo đến cùng.

Huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh nổi Kì tiếng với làn điệu Ví Kẻ Dua. Có mặt trong câu lạc bộ hát Ví xã Kì Thư, huyện Anh là gia đình anh Phan Đăng Thuận. Hai vợ chồng đều yêu hát dân ca, cô con gái lên 6 cũng được cha mình nhờ các nghệ nhân trong câu lạc bộ sáng tác lời mới theo từng điệu Ví để biểu diễn phục vụ bà con. Câu lạc bộ hát Ví xã Kì Thư của anh cũng là đội giành giải A tại Liên hoan Dân ca Ví Giặm 2012. Anh Thuận cho rằng: Ví Giặm, đặc biệt là những làn điệu cổ thực sự là nền tảng vô giá. Bây giờ nếu thế hệ trẻ tiếp cận được những lời cổ thì mới hiểu được giá trị của dân ca xứ Nghệ xưa. Ngôn từ của các làn điệu Ví, Giặm rất hay và thấm thía, phải có lý trí rất tốt mới có thể hát đối đáp trực tiếp, ngẫu nhiên trong lao động: Tôi tham gia câu lạc bộ đồng thời cũng tham gia các chương trình văn nghệ, vợ tôi cũng thế. Em bé nhà tôi khi mới 4 tuổi được bác Cẩm- Nghệ nhân trong câu lạc bộ viết làn điệu dân ca trong chương trình thi về Dinh dưỡng. Hai bố con đã tham gia chương trình hát dân ca. Khi 4 tuổi cháu đã hát được dân ca. Bây giờ thì cháu hát rất tốt.

Phong trào hát dân ca của các bạn trẻ cũng được chính quyền hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh quan tâm, trong đó chương trình: “Đưa dân ca vào trường học” được phát động từ năm 1998. Từ đó một loại hình kịch hát dân ca được thử nghiệm, đi kèm là giáo trình phù hợp với từng làn điệu, nội dung cho từng lứa tuổi từ bậc tiểu học đến trung học phổ thông. Chị Phan Thị Thu Huyền, Bí thư Đoàn trường trung học phổ thông Nguyễn Trường Tộ, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An cho biết: Các câu lạc bộ hát dân ca Ví, Giặm của trường được thành lập để các em tập luyện và xây dựng các tiết mục phục vụ cho các ngày lễ của nhà trường hay những buổi sinh hoạt đầu tuần… Bên cạnh đó, các giáo viên cũng được phân công phụ trách, tham gia và hướng dẫn cho các em:

Việc cho học sinh tham gia vào câu lạc bộ hát ca khúc dân gian trong nhà trường được chúng tôi rất chú trọng. Ở đây các em sẽ tập các ca khúc dân ca và có sự hướng dẫn của các giáo viên bộ môn văn. Ngoài ra, hàng năm nhà trường thường tổ chức thi hát dân ca cho học sinh, tổ chức các buổi văn nghệ để cho các lớp, các chi đoàn tham gia.. Tổ chức cho các em các chuyên đề nghiên cứu về các ca khúc dân ca Ví, Giặm, văn học dân gian…

Có thể nói, ở Nghệ An và Hà Tĩnh, Ví, Giặm nói riêng và dân ca nói chung sống được là nhờ phong trào văn nghệ quần chúng. Trong đó có những đóng góp không nhỏ của các bạn trẻ. Nỗ lực phục hồi Di sản các làn điệu Ví, Giặm nếu không có sự tiếp nối của thế hệ trẻ thì có lẽ, những câu Hò, điệu Ví của vùng quê xứ Nghệ không thể lưu truyền và vang xa./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên