Khôi phục không gian văn hóa làng của người Cơ Tu (Quảng Nam)

Nhà Gươl truyền thống tại trung tâm tỉnh Quảng Nam đã trở thành một “bảo tàng” giới thiệu với khách tham quan, các nhà dân tộc học, nghiên cứu lịch sử và điêu khắc những giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào Cơ Tu.

Từ bao đời, không gian làng, trong đó linh hồn là nhà Gươl có vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống tâm linh và văn hoá của cộng đồng người Cơ Tu sống dọc dãy Trường Sơn. Chiến tranh, thời gian và sự tác động của cuộc sống hiện đại từng làm mai một dần những giá trị văn hoá truyền thống ấy.

Nhà Gươl - nét đẹp văn hóa của cộng đồng người Cơ Tu

Những năm gần đây, chính quyền, ngành Văn hoá Thông tin và các huyện miền núi phía Tây tỉnh Quảng Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc khôi phục nhà Gươl, bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hoá truyền thống của cộng đồng người Cơ Tu.

Sau nhiều tháng miệt mài, nghệ nhân Alăng Ró cùng 30 thanh niên Cơ Tu thôn Vinh, xã Tàbhing, huyện Nam Giang đã hoàn thành việc phục dựng mái Gươl truyền thống tại khuôn viên Trung tâm Bảo tồn di sản di tích Quảng Nam tại thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Nhà Gươl Cơ Tu sừng sững. Những tượng người, chim thần, kỳ đà, cá sấu, đầu trâu; các loại hoa văn trang trí trên cột chính, xà kèo, vách và đầu hồi mái Gươl được đôi bàn tay tài hoa của nghệ nhân tạc nên mộc mạc nhưng không kém phần tinh xảo và đẹp mắt. Công việc khá nặng nhọc áng nhưng Alăng Ró rất vui.

Nghệ nhân Alăng Ró tâm sự: “Nhiều lần dựng nhà Gươl truyền thống nhưng lần này tôi thấy vui lắm. Vui là dựng mái Gươl lớn ở tại trung tâm tỉnh để cho nhiều người được biết về nhà sinh hoạt cộng đồng của đồng bào mình. Chúng tôi đã cố gắng hết sức để làm cho mái Gươl đẹp nhất, tiêu biểu nhất như mong muốn của đồng bào Cơ Tu mình!”.

Nhà Gươl truyền thống Cơ Tu tại trung tâm tỉnh Quảng Nam đã trở thành một “bảo tàng” giới thiệu với khách tham quan, các nhà dân tộc học, nghiên cứu lịch sử và điêu khắc những giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào Cơ Tu. Không chỉ vậy, đến nay tỉnh Quảng Nam đã đầu tư, khôi phục được gần 200 nhà Gươl tại các thôn của huyện Đông Giang, Tây Giang và Nam Giang.

 

Nhà Gươl truyền thống của người Cơ Tu

Thông thường, chi phí làm một nhà Gươl từ 120 đến 150 triệu đồng, cá biệt có Nhà Gươl 250 triệu đồng, trong đó Nhà nước chỉ hỗ trợ 8 triệu đồng còn lại do người dân góp sức. Nhiều nhà Gươl được xem là những bảo tàng mỹ thuật của người Cơ Tu với những bộ sưu tập nghệ thuật vô giá.

Già làng Briu Pố, làng A Rớ, xã Lăng, huyện Tây Giang cho biết: Gươl là nơi linh thiêng nhất của làng, nơi hội đồng già làng họp bàn các vấn đề trọng đại, thực hiện các lễ nghi truyền thống. Gươl cũng là nơi giải quyết những vướng mắc trong thôn làng, tộc họ, gia đình. Gươl càng lớn càng cho thấy sự đồng lòng, đoàn kết và sự sung túc về kinh tế, phong phú về tinh thần của dân làng.

Lễ hội đâm trâu

Già làng Briu Pố nói: “Nhà nước hỗ trợ chỉ 8 triệu đồng, nhưng nhà Gươl thôn tôi trị giá 150 triệu đồng, làm trên tinh thần cộng đồng. Chúng tôi phân tích rõ cho bà con lợi ích khi có nhà Gươl. Làng họp đưa ra lịch, tổ này đi kiếm gỗ, ngày kia tổ khác đi kiếm tấm lợp, tổ nọ điêu khắc... Mọi người cứ thế làm miệt mài mới xong. Công sức bỏ ra rất nhiều, không tính nổi. Tinh thần làm việc của bà con rất cao”.

Người dân Cơ Tu đồng lòng phục dựng nhà Gươl

Tây Giang là huyện dẫn đầu phong trào phục dựng nhà Gươl Cơ Tu. Trên đỉnh ngọn đồi cao ở Trung tâm huyện có một quần thể làng Cơ Tu truyền thống gồm 10 nhà Gươl đại diện cho 10 xã của huyện. Nét kiến trúc và trang trí mỗi nhà Gươl cũng khác nhau, mang đậm sắc thái của cư dân Cơ Tu vùng cao, vùng trung và vùng thấp. Đặc biệt, tại đây còn trưng bày nguyên bản ngôi nhà dài gần 30m, hơn 100 năm tuổi từng là “tổ ấm” của trên 100 nhân khẩu trong một đại gia đình có nhiều thế hệ cùng sống chung trong rừng sâu thuộc xã vùng cao Chờ Ơm.

Lễ mừng lúa mới

Ông Briu Liếc, Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho biết: “Với mục đích bảo tồn, giữ gìn bản sắc truyền thống của cộng đồng người Cơ Tu, đến nay, chúng tôi đã làm được nhà Gươl ở 56/70 thôn. Bà con rất tích cực trong việc cùng nhau xây dựng nhà Gươl. Tôi tin rằng, văn hoá truyền thống Cơ Tu sẽ tồn tại mạnh mẽ dưới những nhà Gươl như thế”.

70% số thôn ở huyện Đông Giang cũng đã có nhà Gươl. Số thôn còn lại chủ yếu gặp vướng mắc ở việc tìm mặt bằng thích hợp để xây dựng nhà Gươl. Đây cũng là một thực tế chung của các huyện Tây Giang và Nam Giang.

Lễ hội truyền thống của người Cơ tu luôn thu hút sự quan tâm của nhiều du khách

Bà Lê Thị Thuỷ, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang cho biết: “UBND huyện Đông Giang đã xuống tận từng xã, thôn vận động người dân tự nguyện hiến đất để làm nhà Gươl. Trên cơ sở Nhà nước hỗ trợ một phần, chủ yếu là vận động nhân dân đóng góp. Có thôn vận động được doanh nghiệp giúp đỡ. Thôn khó khăn hơn thì tự quyên góp sức người, sức của. Ở huyện chúng tôi, phong trào này được nhân dân đồng tình ủng hộ. Chúng tôi đã có nghị quyết tiếp tục tập trung đầu tư cho việc khôi phục nhà Gươl cũng như bảo tồn những văn hoá Cơ Tu khác”.

Đi dọc Trường Sơn, nhìn bóng dáng những nhà Gươl Cơ Tu vươn cao đầy kiêu hãnh giữa ráng chiều thấy thật ấm lòng. Có dịp tham gia Lễ hội ở nhà Gươl, du khách sẽ ngất ngây trong men rượu cần, nhịp cồng chiêng rộn rã với vũ điệu tung tung da dá, điệu hát lý và hát giao duyên babooc của người Cơ Tu...

Cụ già Cơ tu trước ngôi nhà Gươl truyền thống

Ngoài yếu tố tâm linh, văn hoá, Nhà Gươl Cơ Tu còn góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế, xã hội, tuyên truyền đường lối, chủ trương chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Nhà Gươl Cơ Tu cũng là điểm đến không thể thiếu đối với du khách trong tour du lịch khám phá đường Hồ Chí Minh huyền thoại./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên