"Không cần thiết phải có Đại sứ du lịch Việt Nam"
Theo nhà văn Nguyễn Quang Vinh, vị trí Đại sứ du lịch Việt
Nam không phải là một cuộc thi nên đừng mang ra bàn cãi nhiều.
Nam không phải là một cuộc thi nên đừng mang ra bàn cãi nhiều.
PV: Cảm giác của anh như thế nào khi biết tin diễn viên Tôn Ngộ Không – Lục Tiểu Linh Đồng muốn trở thành Đại sứ du lịch của Việt Nam tại Trung Quốc?
Nhà văn Nguyễn Quang Vinh: Ai mà có thiện chí với Việt Nam, quảng bá đất nước Việt Nam thì tốt hết thôi. Với Lục Tiểu Linh Đồng thì anh ấy có 2 điểm mạnh nếu giữ vị trí này. Thứ nhất là anh ấy có một bộ phim được nhiều thế hệ người Việt yêu thích. Thứ hai là anh cũng đã được Bộ Văn hóa, Thể thao Du lịch 2 lần mời sang Việt Nam chơi và giao lưu.
Mà cũng có thể vì thế nên Lục Tiểu Linh Đồng cũng thấy cảm động và đề xuất để làm Đại sứ du lịch Việt Nam tại Trung Quốc.
Theo tôi điều đó thật ra cũng chỉ là cảm hứng của một nghệ sĩ thôi chứ mình cũng không nên đặt kì vọng gì nhiều theo kiểu Lục Tiểu Linh Đồng làm Đại sứ du lịch Việt Nam thì du lịch Việt Nam sẽ phát triển hơn ở Trung Quốc.
Ở mặt nào đó trong cảm xúc cá nhân thì tôi không có ấn tượng lắm về sự kiện này. Thật sự là không quan tâm lắm!
Nhà văn Nguyễn Quang Vinh |
PV: Việc để một người nước ngoài nắm vai trò Đại sứ du lịch Việt Nam theo anh dư luận sẽ phản ứng như thế nào?
Nhà văn Nguyễn Quang Vinh: Nếu phản đối thì kiểu đó hơi cực đoan. Theo tôi thì ở Trung Quốc có Lục Tiểu Linh Đồng, ở Nhật hay Pháp có cô diễn viên nào đó đại diện cho du lịch Việt Nam thì cũng tốt thôi. Nhưng vấn đề ở chỗ, lựa chọn Đại sứ du lịch một cách nghiêm túc và kĩ càng, chứ không phải cứ ai xướng lên thì mình cũng vội vã bắt tay ngay thì không hay.
Còn việc tự dưng đang yên đang lành, Bộ Văn hóa mời ngay Lục Tiểu Linh Đồng sang dự Hội chợ du lịch quốc tế mới đây thì đối với dư luận như là có một sự ‘mớm’ sẵn kiểu như việc đã rồi vậy. Kiểu này không hay, cái gì cũng phải từ từ.
PV: Nếu nhã ý của diễn viên Lục Tiểu Linh Đồng trở thành sự thật, anh nghĩ mức độ thành công có vượt qua được cựu Đại sứ du lịch Lý Nhã Kỳ của Việt Nam?
Nhà văn Nguyễn Quang Vinh: Tôi thì không nghĩ thành công vì nói thế thôi chứ người ta cũng chỉ nhân dịp một lễ hội nào đấy, một cuộc nào đấy người ta nói vóng lên cho mình vài câu thôi. Người ta cũng đâu đủ sức để dồn toàn bộ tâm sức, sức lực tìm mọi cách để mà quảng bá cho nước mình. Điều này thì phải nói cho thật.
Thật ra đấy chỉ là cách ứng xử đẹp, đẹp về mặt ngoại giao, chứ chẳng có ràng buộc hay hợp đồng gì. Chẳng lẽ mình bắt ông ấy kí mỗi tháng ông phải nói 4 đến 8 buổi về du lịch Việt Nam?
Còn nếu nói đến quảng bá du lịch Việt Nam nếu có lòng, có tâm thì Đại sứ quán của mình và toàn bộ lưu học sinh của mình bên Trung Quốc đủ sức làm. Đại sứ du lịch theo tôi nghĩ là một cái ứng xử du lịch đẹp đẽ chứ thật ra chẳng có hiệu quả gì.
PV: Vậy tại sao trên facebook, anh lại đề cử người dân tộc Hà Giang Vừ Già Pó, người đi lạc đường sang tận Pakistan làm Đại sứ du lịch Việt Nam?
Nhà văn Nguyễn Quang Vinh: Đó là suy nghĩ cá nhân của tôi. Người ta hay quan điểm là phải chọn người quá nổi tiếng như diễn viên, ca sĩ hay các nhân vật VIP. Nhưng thật ra thì không cần nhiều khi chỉ là cháu bé, ông nông dân hay như thằng cu Vừ Gìa Pó sẽ khiến người ta phải chú ý.
Đôi khi chỉ cần thân phận một cá nhân nào đó là ổn vì nếu như anh không có độ lan tỏa về mặt văn hóa, nổi tiếng thì cái độ lan tỏa hiện nay dễ cảm hóa con người nhất là độ lan tỏa về sự cảm thông và nể phục. Mà Vừ Gìa Pó hội tụ đủ 3 tiêu chuẩn đó.
PV: Nếu là Vừ Gìa Pó thì chỉ có thể thu hút được sự hiếu kì của đám đông lúc đầu nhưng khó để đi đường xa được vì không có nhiều kiến thức văn hóa, ngoại ngữ…anh nghĩ sao?
Nhà văn Nguyễn Quang Vinh: Thực ra Đại sứ du lịch người ta cũng chỉ làm từng chiến dịch hoặc từng năm thôi chứ không phải làm cả đời.
Nếu như khôn ngoan thì trong thời điểm này khuếch trương hình ảnh nó thì cũng thu hút được nhiều sự chú ý của du khách. Nhẹ nhàng thế thôi chứ để cho người khác đến thăm nước mình thì còn phải đòi hỏi một tỷ điều kiện khác nữa chứ không phải là mỗi ông này hay bà kia là làm được.
Nghĩ nó đơn giản thôi, chứ suốt ngày quan trọng quá rồi lại bàn cãi nhau. Đấy, từ khi cô Lý Nhã Kỳ hết nhiệm kỳ bàn mãi không ra bởi vì hay quan trọng quá. Chỉ cần lấy cháu bé cứu được 5 bạn rơi xuống suối là có thể làm ngay Đại sứ du lịch trong năm đấy rồi.
PV: Theo cách anh chia sẻ thì vị trí Đại sứ du lịch Việt Nam hiện nay có cũng được mà không có cũng chẳng sao?
Nhà văn Nguyễn Quang Vinh: Tôi nghĩ nếu nói thẳng ra là không cần thiết. Cần phải làm nhiều thứ khác hơn, phải dành thời gian, thời lượng cho truyền thông hoặc dành sức lực cho mọi thứ khác để mà quảng bá du lịch cho tốt hơn.
Chứ cứ sướng với nhau, chạy theo hình thức thì không ăn thua. Ngay cả hoạt động của Lý Nhã Kỳ, tôi cũng rất quí trọng em nó vì cũng tích cực nhưng tôi nghĩ cũng không có hiệu quả lắm.
Không phải vì Lý Nhã Kỳ mà du lịch tăng lên hay tăng xuống gì đâu. Người ta đến với Việt Nam cũng không phải vì Nhã Kỳ mà vì nhiều thứ khác nữa. Một mình Lý Nhã Kỳ giỏi bao nhiêu cũng không kéo được khách du lịch sang Việt Nam.
Tôi không phản bác chuyện Đại sứ, có thì cũng tốt thôi nhưng cũng phải làm sao đấy, ứng xử với chức danh này có văn hóa một cách nhẹ nhàng và dễ chịu chút, đừng có bàn cãi vì nó hoài, bởi đó không phải là cuộc thi.
PV: Việt Nam đầu tư khá nhiều vào hình ảnh Đại sứ du lịch nhưng theo thống kê gần đây thì số người đến thăm Việt Nam lần thứ 2 ngày càng giảm đi. Anh có thấy đây là một nghịch lý không?
Nhà văn Nguyễn Quang Vinh: Cái này phân tích ra thì rất dài nhưng nó có mấy yếu tố sau:Thứ nhất là môi trường sống. Có thể du khách đến một đình chùa rất đẹp nhưng môi trường sống xung quanh đó không thích thì cũng không muốn đến lần nữa.
Thứ 2 là chiều sâu ở phía sau cái di tích đấy, điểm văn hóa đấy không bền vững để du khách ở lại lâu. Đi sang nước ngoài, phía sau những khu du lịch là hàng hóa, là đường phố, lối sống…mọi thứ cuốn hút người ta trở lại để hưởng thụ. Ở Việt Nam thì chỉ có vào xem múa rối nước là xong nên chẳng lẽ lần nào sang Việt Nam cũng xem rối nước?
Thứ 3, nước mình cũng có nhiều danh lam thắng cảnh mấy đâu, đi được mấy hôm là hết í mà. Ngoài thiên nhiên ra thì đình chùa làm sao mà so được với Nhật với Hàn Quốc, Trung Quốc…Họ sang Việt Nam vì một cái gì đó cổ cổ cũ cũ nhưng những cái đó thì bây giờ cũng trùng tu hết cả rồi, xi măng mới toe hết cả thì còn cái gì hấp dẫn.
Người ta cần cái đường làng mộc mạc thì bây giờ cũng bê tông hết. Nói chung không phải là lỗi của du lịch nhưng trong giai đoạn chuyển biến như hiện nay cũng làm người ta chán. Thế nên, mình cũng phải khiêm tốn hơn với tiềm năng du lịch đang có để tìm cách làm sao đó để hấp dẫn hơn.
Ngay phần du lịch văn hóa tinh thần, nghệ thuật của mình cũng vừa nhạt vừa thị trường. Có cảm giác như diễn viên mình bị đói vậy.
Tôi có hỏi mấy em trong Đại nội Huế thì được biết mỗi một buổi biểu diễn được mấy nghìn bạc thì làm sao có đủ sức. Mình sang Indonesia màn múa trống họ làm hừng hực cuốn hút người ta xem như thế thì người ta mới thích. Nên theo tôi thì đất nước phải khiêm tốn thì đất nước mới phát triển được còn mình vẫn đang hơi bị hoắng.
PV: Xin cảm ơn ông./.