Không cấp phép biểu diễn cho ca sĩ đã hát nhép
Nhờ có sự cương quyết này mà Đà Nẵng là một trong những địa phương thực hiện tốt Quy chế 47 về biểu diễn và tổ chức biểu diễn hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp.
- Cao Thái Sơn chỉ bị phạt hành chính và tiếp tục được lên truyền hình
- Cao Thái Sơn có được lên sóng truyền hình sau sự cố hát nhép?
- Sẽ xử lý nghiêm minh vụ Cao Thái Sơn hát nhép
Trong tháng 6 vừa qua, việc hát nhép của ca sỹ Cao Thái Sơn bị coi là hành động thiếu văn hóa, coi thường công chúng, và đáng bị lên án trong hoạt động biểu diễn văn hóa nghệ thuật. Đây cũng là một vấn đề nổi cộm của nhiều ca sỹ trẻ khiến các cơ quan quản lý văn hóa cũng như giới nghệ sỹ băn khoăn, bức xúc.
Vụ hát nhép của ca sỹ Cao Thái Sơn vừa qua bị coi là một trong những hành động thiếu văn hóa, coi thường công chúng |
Tuy nhiên, để hoạt động biểu diễn và tổ chức biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp đi vào nề nếp, trong đó ngăn chặn tận gốc hiện tượng hát nhép, cần có sự nghiêm túc và mạnh tay từ phía các cơ quan chức năng.
Theo quy chế hoạt động biểu diễn và tổ chức biểu diễn hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp (quy chế 47), một trong những điều nghiêm cấm là dùng các phương tiện kỹ thuật để thay thế giọng hát thật. Vậy mà trên thực tế chuyện hát nhép xảy ra khá thường xuyên. Có người đã gọi hiện tượng hát nhép là “u nhọt” của làng ca nhạc Việt, nếu không triệt tận gốc thì hết cái “u” này sẽ mọc lên cái khác.
Ông Võ Văn Huệ, Trưởng đoàn Ca múa kịch tỉnh Đồng Nai, bày tỏ: “Không chỉ riêng Đồng Nai mà cả nước đều xảy ra chuyện hát nhép. Chúng tôi cũng bức xúc trước vấn đề này."
Ông Huệ lý giải cho tình trạng hát nhép là do kinh tế thị trường. Nhờ công nghệ lăng-xê nên nhiều ca sỹ hát không hay nhưng vẫn đắt sô, cũng vì đắt sô nên có khi một đêm diễn họ phải hát tới chục bài, việc hát nhép là chuyện đương nhiên xảy ra. Nếu hát thật thì sao hát nổi được đến chục bài trong một đêm. Trong khi đó, với biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp, trong một đêm diễn Nhà nước chỉ trả 60.000 đồng cho nghệ sỹ nếu đi diễn ở vùng sâu vùng xa, còn nếu diễn tại thành phố chỉ được 40.000 đồng.
Tình trạng hát nhép diễn ra thường xuyên bởi nền kinh tế thị trường cộng với công nghệ lăng xê (Ảnh minh họa) |
Ông Huệ đưa ra dẫn chứng: “Một số chương trình của Đài truyền hình thành phố Hồ Chí Minh cũng có một số ca sỹ hát nhép nhưng không có ai bị xử lý. Với vai trò là một người làm nghệ thuật, tôi cảm thấy rất bức xúc. Những người đó theo tôi chỉ tầm ở xã, ấp thôi nhưng lại đưa lên hát trên truyền hình, lăng-xê lên một cách vô tội vạ. Tôi thấy như vậy là không được, vì giờ là cơ chế thị trường rồi.” – Ông Huệ bày tỏ quan điểm.
Ca sỹ Cao Thái Sơn sau sự việc lộ hát nhép trong chương trình “Quà tặng tháng sáu”, đã bị phạt hành chính 4,5 triệu đồng. Việc phạt ca sỹ Cao Thái Sơn là đúng đắn nhưng có lẽ chưa đủ sức răn đe cho các nghệ sỹ khác.
NSND Lê Ngọc Cường, nguyên Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn nêu ý kiến: “Tôi cho rằng chúng ta phạt ca sỹ là không chuẩn. Không có ca sỹ nào đủ sức làm một sô diễn cả. Phạt chủ yếu là nhà tổ chức và nhà tổ chức mà không mời được ca sỹ thì cũng ‘chết cháy’. Ca sỹ phải dựa vào nhà tổ chức. Ta phạt nhà tổ chức thì lần sau họ sẽ không dám mời ca sỹ đó nữa.”
Theo nhạc sỹ Phó Đức Phương, để hạn chế tình trạng hát nhép, cần quy định rạch ròi chương trình nào được hát nhép, chương trình nào không. Ngoài ra, những chương trình biểu diễn nghệ thuật vì lý do nào đó phải hát nhép thì đơn vị biểu diễn phải công khai thông báo việc hát nhép cho khán giả.
Nhạc sỹ Phó Đức Phương nói: “Tôi cho rằng có thể có những trường hợp phải hát nhép vì sự an toàn. Ví dụ một chương trình có liên quan đến tầm quốc tế, quốc gia chẳng hạn, mà lúc đấy ca sỹ đột xuất bị mệt, lại có đến hàng trăm triệu người đón nghe. Đúng thời điểm quan trọng mà chương trình đổ vỡ thì gay go, cho nên có thể được chọn một giải pháp an toàn nhất. Tóm lại là trong trường hợp mang tính chất nghiêm túc, nghiêm trọng thì cho phép hát nhép, nhưng phải quy định rõ những trường hợp nào được quyền hát nhép. Còn tất cả các buổi biểu diễn thông thường không được hát nhép.”
Tùy theo tính chất của mỗi chương trình biểu diễn nghệ thuật, để đưa ra các quy định riêng về việc được phép hát nhép hay không được phép (Ảnh minh họa) |
Trong khi nhiều ca sỹ không tôn trọng khán giả thì việc xử phạt còn quá nhẹ. Hơn nữa, việc kiểm tra, xử lý của cơ quan chức năng còn yếu kém cũng là nguyên nhân để việc hát nhép thường xuyên xảy ra. Sự bao biện của một số Đài truyền hình rằng nếu không hát nhép có thể xảy ra sự cố, lý lẽ đó rất khó thuyết phục khi trên thế giới nhiều sự kiện lớn được truyền hình trực tiếp, ca sỹ hát bằng giọng thật đã lôi cuốn đông đảo tầng lớp khán giả. Quan trọng là người tổ chức biểu diễn phải chuyên nghiệp trong cách làm việc và tuân thủ các quy định đã được đặt ra.
Ông Nguyễn Hữu Chiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Du lịch Đà Nẵng, cho biết: "Trước đây, chúng tôi mới chỉ ràng buộc nghệ sỹ hát nhép, là cô Phương Dung. Lúc đầu chúng tôi đã bất ngờ khi cô bắt đầu hát khiến khán giả vỗ tay nhiệt liệt, nhưng sau lần đó chúng tôi phát hiện ra cô hát nhép. Như vậy, cô đã sai phạm, trực tiếp làm mất cảm tình của khán giả."
Theo ông Nguyễn Hữu Chiến, để hạn chế tình trạng hát nhép, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Đà Nẵng đã thực hiện nghiêm ngặt việc thẩm định chương trình, gặp gỡ bầu sô và nghệ sỹ trước mỗi chương trình biểu diễn. Do đó, Đà Nẵng là một trong những địa phương thực hiện tốt quy định 47.
“Chúng tôi đã gặp gỡ bầu sô, gặp gỡ nghệ sỹ và thẩm định chương trình kỹ trước khi biểu diễn, chính vì vậy không xảy ra những điều phản cảm. Chúng tôi cũng đề nghị bầu sô không tiếp tục đưa nghệ sỹ đã sai phạm về Đà Nẵng diễn. Nếu còn đưa về, chúng tôi dứt khoát không cấp phép. Giải pháp này cũng là một trong những nhân tố đáp ứng được yêu cầu.” - ông Chiến cho biết.
Thiết nghĩ, để có các chương trình biểu diễn thực sự chuyên nghiệp, cần nâng chế tài xử phạt các hành vi vi phạm trong biểu diễn cùng với việc giáo dục, đạo đức nghề nghiệp của nghệ sỹ để họ có ý thức bảo vệ hình ảnh trước công chúng./.