Kiên quyết không cấp phép tổ chức lễ hội tràn lan
VOV.VN - Không ít tiêu cực đã nảy sinh trong lễ hội cần phải khắc phục để những tinh hoa của lễ hội cổ truyền được phát huy, hạn chế dần mặt tiêu cực.
Thời gian qua, nhiều lễ hội truyền thống được phục hồi và tổ chức, làm phong phú hơn đời sống văn hóa của người dân Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực thì cũng không ít tiêu cực đã nảy sinh cần phải khắc phục để những tinh hoa của lễ hội cổ truyền được phát huy, hạn chế dần mặt tiêu cực. Trước thềm mùa lễ hội 2017, phóng viên Đài TNVN phỏng vấn ông Phạm Xuân Phúc, Phó Chánh thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về vấn đề này.
PV: Thưa ông, ông có thể cho độc giả VOV biết công tác thanh tra, kiểm tra cũng như quản lý lễ hội năm 2017 đang được triển khai đến đâu?
Ông Phạm Xuân Phúc: Năm 2017 với tinh thần Bộ quán triệt chỉ đạo, các địa phương, Ban quản lý di tích, Ban Tổ chức các lễ hội tiếp tục thực hiện tốt chỉ thị 41 của Ban Bí thư ngày 05/2/2015 và công điện số 229 của Thủ tướng chính phủ ngày 12/02/2015, các văn bản chỉ đạo của Bộ. Thanh tra Bộ tiến hành thanh tra kiểm tra công tác chuẩn bị lễ hội năm 2017.
Chúng tôi có 2 đoàn thanh tra trên địa bàn các tỉnh thành phố như là Hà Nội, Nam Định, Thái Bình và Hà Nam… để kiểm tra các địa phương có lễ hội lớn, dài ngày công tác chuẩn bị lễ hội như thế nào. Sau Tết khi các lễ hội diễn ra chúng tôi cũng thành lập các đoàn để kiểm tra công tác quản lý và tổ chức lễ hội, phát hiện ra mặt còn tồn tại, hướng dẫn chỉ đạo các địa phương có biện pháp khắc phục kịp thời, làm sao đảm bảo được lễ hội diễn ra an toàn, tiếp kiệm, vui vẻ và đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân trong dịp đầu xuân.
"Hỗn chiến" cướp hoa tre ở Hội Gióng (Ảnh: Tuổi trẻ). |
PV: Thời gian gầy đây, nhiều địa phương “đua nhau” tổ chức lễ hội chọi trâu, đâm trâu, đập đầu trâu với những hình ảnh phản cảm cũng như có hành vi trục lợi gây bức xúc trong dư luận, thời gian tới chúng ta sẽ làm gì để giải quyết vấn đề này?
Ông Phạm Xuân Phúc: Việc tổ chức lễ hội có hành vi trục lợi năm 2016 đã giảm, tuy nhiên ở một số địa phương vẫn rất mong muốn tổ chức. Bộ đã có rất nhiều văn bản yêu cầu. Ví dụ chọi trâu phải liên quan đến nguồn gốc lễ hội đó, ý nghĩa của lễ hội đó, như lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn, Hải Phòng đã có từ rất lâu đời, tổ chức văn hóa. Nhưng ở một số nơi thì không có nguồn gốc rõ ràng. Trâu còn đang chọi trong sân ở dọc đường hàng cây số đã có hàng trăm quán thịt trâu bày ra bán, và nói đây là thịt trâu chọi. Thực ra là của một số người kinh doanh trục lợi, họ chuẩn bị trâu bò khi mà lễ hội chọi trâu ấy diễn ra người ta đã chuẩn bị sẵn để kiếm lợi.
Với những lễ hội chọi trâu mà không có lịch sử truyền thống từ trước đến nay, bây giờ mới tạo dựng lên thì chúng tôi đề nghị địa phương kiên quyết không tổ chức lễ hội đó.
Hàng trăm trai tráng vùng Hiền Quan (Tam Nông, Phú Thọ) đã hò hét, giẫm đạp lên nhau nhằm tranh quả phết may mắn. Ảnh: Quang Trung. |
PV: Với những lễ hội mới, chúng ta có thể không cấp phép tổ chức nhưng với các lễ hội truyền thống lâu đời như Hội Gióng tại Hà Nội, lễ hội cướp phết Hiền Quan, Phú Thọ, Lễ khai ấn Đền Trần, Nam Định… tại những lễ hội này nhiều năm qua vẫn diễn ra tình trạng mất an ninh trật tự, bạo lực, phản cảm… vậy trong mùa lễ hội 2017, chúng ta sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào?
Ông Phạm Xuân Phúc: Với các lễ hội có hành vi phản cảm, bạo lực, thanh tra Bộ trong năm 2016 đã phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức các buổi tọa đàm, trao đổi với nhân dân địa phương bàn, chọn một hình thức tổ chức như thế nào để khắc phục được các hình ảnh phản cảm, bạo lực.
Tôi ví dụ như là lễ hội “Đả cầu cướp phết”, chúng tôi đã làm việc, trao đổi với nhân dân, nếu không có gì thay đổi thì nhân dân ở các địa phương Phú Thọ và Vĩnh Phúc sẽ thay đổi cách tổ chức. Các thôn, các làng sẽ thành lập ra các tổ và may trang phục đặc trưng của tổ đó để các tổ này tiến hành cướp phết, coi như một trò chơi, chứ không để cướp tự do. Hoặc là chúng tôi làm việc với Ban quản lý và Ban tổ chức lễ hội đền Sóc Sơn. Đền Sóc Sơn năm ngoái cũng có tình trạng nhân dân cướp lộc hoa tre, cướp lộc trầu cau, cướp tự do dẫn đến người bảo vệ lễ chống lại người cướp, xô đẩy, hình ảnh không được đẹp. Chúng tôi làm việc để xem năm nay Ban Tổ chức làm với hình thức nào để hạn chế điều đó. Lễ hội chém lợn ở đình Thượng, thành phố Bắc Ninh, từ năm ngoái nhân dân đã tổ chức hình thức khác. Lễ hội vẫn diễn ra như truyền thống nhưng hình ảnh phản cảm không còn công khai như trước.
Đó là những điều rất là tốt và chúng tôi hi vọng, năm 2017 các lễ hội phản cảm, bảo lực sẽ giảm đi thậm chí là không còn.
PV: Vâng xin cảm ơn ông!./.
Khắc phục những hạn chế, yếu kém trong quản lý lễ hội