Kỷ niệm làm phim "Trường Sơn Những dấu chân huyền thoại"

“Trường Sơn - Những dấu chân huyền thoại” là bộ phim tài liệu đầu tiên của VOVTV thực hiện. 4 tập phim với thời lượng 100 phút, có sự góp mặt của 50 nhân chứng là các tướng lĩnh và cựu bộ đội Trường Sơn, đã phản ánh khái quát về một con đường huyền thoại.

Bộ phim được phát sóng nhân kỷ niệm 50 năm đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh, ngay lập tức nhận được lời khen ngợi từ đông đảo khán giả… Nhưng còn nhiều câu chuyện cảm động phía sau bộ phim mà bây giờ nhà báo Vĩnh Quyên - tác giả kịch bản và đạo diễn bộ phim này - mới tiết lộ.

Nghệ sỹ suýt thành… tử sỹ

Khi đi vào Quảng Trị theo đường Hồ Chí Minh, đến đoạn đèo Đá Đẽo, tất cả đều rất thích vì khung cảnh ở đây rất hoang sơ. Đang vừa ngồi trên xe vừa ngắm phong cảnh của Trường Sơn, đột nhiên NSƯT Phùng Biển (cố vấn cho VOVTV) hỏi: “Lần trước vào đây, chúng mày đã quay chỗ này chưa?” - Chưa bố ạ -  cậu quay phim nhanh nhảu. - Thế thì dừng ở đây quay một ít đi.

Xe dừng lại. Tất cả nhảy ra khỏi xe. Cụ Biển và hai cậu đạo diễn, quay phim nhảy ra trước tìm chỗ đặt máy. Mặc bộ kaki, đầu đội mũ tai bèo trông rất phong độ, cụ Phùng Biển chép miệng: “Chỗ này đẹp quá chúng mày ạ”.

Cậu quay phim loay hoay tìm chỗ đặt máy. Cụ Biển vừa nhìn trời, nhìn đất, đi lại nghênh ngang, vừa hát véo von: “Trường Sơn ơi, trên đường ta qua không một dấu chân người...”. Đúng lúc ấy, tôi nghe thấy "roạt" một tiếng và như trong phim hành động của Mỹ, cụ Biển bước hụt ra đằng sau, lộn một vòng… Cậu đạo diễn đứng gần đó vứt vội chân máy lao theo và cũng mất hút. Tất cả chỉ diễn ra trong vòng vài tích tắc. Tôi không nhớ lúc đó có hét lên không mà chỉ nhớ cảm giác đau thắt cả ngực khi vứt cả giày chạy vào đến nơi và nhìn thấy vực sâu hun hút ở dưới. Tuy nhiên, dưới bụi cây cách mép vực khoảng 5m, ông Phùng Biển và cậu đạo diễn thật may mắn khi rơi xuống thì bị vướng vào đó. Không ai dám nói to vì sợ quá. Chỉ lăn sang phải nửa mét nữa thì hai bác cháu xuống vực rồi. Từng tý, từng tý một, hai người bám vào những cây leo nhích dần và cuối cùng thoát hiểm. Ông Phùng Biển được kéo lên đến nơi mặt xanh như tàu lá. Kiểm tra thì không thấy chảy máu, gãy chân gãy tay gì. Ông Biển bảo đau nhất là hông, thế là cả bọn xúm vào lấy dầu xoa vào chỗ đau. Bây giờ nghĩ lại thấy tức cười vì lúc ấy cả bọn cởi thắt lưng, kéo cả nội y của cụ xuống để xoa dầu vào… mông. Vết u trên đầu cụ Biển hơi rớm máu, sưng bằng quả ổi con. Chẳng còn hồn vía nào mà quay tiếp cạnh mép vực, tôi vội hô mọi người lên xe, chạy một mạch về Bệnh viện Đông Hà. Sau khi chụp X.quang, làm scan thấy đầu cụ không có vấn đề gì, cả nhóm mới thở phào. Thoát nạn. Cả đoàn lại nhao nhao:

- Bọn con cứ tưởng sẽ phải cử nhạc Hồn tử sỹ đấy. Lần sau bố cứ đứng ở bên trong cho chúng con nhờ. Mà sao lúc ấy bố lại có thể rơi xuống vực được nhỉ?

- Tao cũng không biết tại sao? Rõ ràng mình biết dưới đấy là vực rồi mà tự dưng mình lại cứ đi ra đấy. Tao xông pha quay phim khắp nơi, kể cả hồi chiến tranh nhưng chưa bao giờ bị một cú sợ như thế này. Nghĩ lại bây giờ vẫn còn kinh!...

Sau chuyến đi làm phim đấy, cụ Phùng Biển có thêm một biệt danh “ông Trường Sơn ơi” để nhớ về cú ngã khủng khiếp ở đèo Đá Đẽo.

 

 Phỏng vấn nhân chứng lịch sử - Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn bên dòng Thạch Hãn (Quảng Trị)

Khe Hó - chiến lợi phẩm “vĩ đại”

Chúng tôi đến Khe Hó - địa điểm khi xưa đội công tác đặc biệt do ông Võ Bẩm dẫn đầu vạch tuyến, mở đường 559. Người dẫn đường là ông Thanh - một cựu chiến binh Quảng Trị. Khi xe còn cách Khe Hó khoảng 8km thì gặp một cái ngầm. Ông Thanh thì bảo xe qua tốt, không vấn đề gì. Rút kinh nghiệm vụ đèo Đá Đẽo, một ông quay phim xắn quần lò dò lội ra xem thử nước sâu đến đâu. Đúng lúc ấy có một thanh niên địa phương đi qua. Chúng tôi hỏi:

- Anh ơi, nước ngầm có sâu không?

- Không sâu đâu, đến cổ thôi.

Nghe mà rụng rời chân tay. Lái xe hết hồn. Cả nhóm quyết định hội ý nên đi tiếp hay quay ra. Nếu đi tiếp thì phải bỏ xe, lội bộ khoảng 7 cây  số nữa mới vào đến nơi. Chẳng lẽ vào tận đây rồi mà phải chịu quay ra. Tất cả hô quyết tâm ba lần rồi vác máy lên đường. Càng đi vào trong càng khiếp, nắng trên đầu thì ong ong, đất dưới chân là những đám bùn đỏ nhão nhoét do mưa lũ mấy ngày qua. Ông Thanh phải đi trước, những người đi sau cứ giẫm lên chỗ ông vừa đi thì mới tránh bị thụt chân xuống bùn. Càng đi càng mệt, thở cả ra đằng tai. ở Hà Nội quanh năm có mấy khi đi bộ. 7km nhưng đi mãi mà ông Thanh vẫn bảo là còn 5 cây. Vừa tức vừa buồn cười. Đang đi, nghe thấy kêu ối một cái, hoá ra ông quay phim bước thụt một chân xuống bùn. Vừa rút được chân này lên thì chân kia lại thụt xuống. Ông Thanh phải bảo đứng im, thò cái cây ra để bám vào rồi kéo lên từ từ. Khi rút được chân ra, ôi thôi, đôi giày đã ở lại dưới bùn rồi. Mỗi đứa chống một cây “gậy Trường Sơn” dò dẫm bước, lần mãi rồi cũng đến nơi. Máu nghề nghiệp nổi lên, quên hết mệt mỏi, xuyên rừng vào quay những di tích còn sót lại của Khe Hó năm xưa. Chưa kịp bảo cẩn thận, biết đâu còn bom bi sót lại thì ông quay phim đã nhảy phịch xuống một cái hầm tránh bom cũ. Người bê bết bùn, giơ lên một cái bát vỡ cũng bùn bê bết: “Cả nhà xem này, đây là bát bộ đội mình ăn cơm hồi xưa đấy. Ông đạo diễn vội vơ ngay nắm lá để lau bùn, khi những vệt đất lau sạch thì thành bát hiện ra chữ… Chinbull kèm theo những dòng chữ Trung Quốc. Tất cả bò lăn ra cười. Đây đích thị là bát của người dân, thậm chí là của lâm tặc ăn rồi vứt đấy chứ khi xưa bộ đội của ta nào có được ăn cái bát đẹp như thế. Ông quay phim chống chế: Đấy, nếu không cất công vào tận đây thì làm sao mình phát hiện ra điều này chứ!!! Quả thật là những hình ảnh chúng tôi quay được ở Khe Hó rất thuyết phục. Ông Thanh tấm tắc, đợt này mưa nhiều, các đoàn vào tham quan đều đến đây là quay ra, chỉ có duy nhất đoàn của VOV là lặn lội vào được tận nơi.

Những giọt nước mắt ở Nghĩa trang Trường Sơn

Chúng tôi có mặt tại Nghĩa trang Trường Sơn đúng hôm Binh đoàn Trường Sơn tổ chức Lễ dâng hương các anh hùng liệt sĩ đã nằm lại ở tuyến đường này. Gần 1.000 cựu chiến binh từ khắp mọi miền Tổ quốc đã về đây thăm lại chiến trường xưa. Những cái bắt tay, những cái ôm chầm, xiết chặt, nói nói cười cười, khóc đấy cười đấy. Quay phim tả xung hữu đột để ghi hình.

Nghĩa trang Trường Sơn hôm ấy đông đặc người, khói hương nghi ngút. Bỗng dưng tôi nghe thấy có tiếng đàn ắc-coóc-đê-ông và tiếng người hát. Lạ thật, sao lại có tiếng đàn, tiếng hát giữa nghĩa trang? Tôi rời đám đông ở trung tâm, lần theo tiếng hát. Và tôi đã vô tình được chứng kiến một cảnh tượng vô cùng xúc động. Một nhóm các cựu chiến binh đang vừa đàn vừa hát trước mộ của đồng đội. Các anh, các chị vừa hát các bài hát về Trường Sơn, vừa khóc, vừa gọi tên đồng đội. Nhìn lại, quay phim đã lẫn vào bao người. May sao nghĩ ra cách gọi điện thoại. Vừa gọi vừa sợ tuột mất cảnh này. Thật may là quay phim đến kịp. Chúng tôi đã ghi được những khuôn hình chân thực, giản dị nhưng vô cùng xúc động. Những câu hát thổn thức “Dốc miếu, Gio Linh đấy trăm mến ngàn thương… tình em gửi trọn con đường...”, những giọt nước mắt lăn dài, xen giữa tiếng hát là tiếng nức nở gọi đồng đội. Chúng tôi đứng quay mà không cầm được nước mắt. Khi bộ phim hoàn thành, đây là một trong những trường đoạn thành công nhất của bộ phim. Lúc duyệt trước khi phát sóng, đến đoạn này, nhà thơ Trần Đăng Khoa đã dừng máy, ngồi lặng đi, đôi mắt đỏ hoe, anh nói: “Xúc động quá em ạ”.

Khi bộ phim: “Trường Sơn - Những dấu chân huyền thoại” phát sóng, chúng tôi đã nhận được lời khen ngợi từ rất nhiều khán giả, các cán bộ, chiến sĩ Trường Sơn năm xưa. Trong đó, những lời tâm đắc nhất đều dành cho cảnh hát ở Nghĩa trang Trường Sơn mà tôi vừa nhắc đến ở trên./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên