Ký ức những ngày làm phim về Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh

VOV.VN - Bộ phim đã làm cách đây 10 năm, nhưng những kí ức về Lưu Quang Vũ – Xuân Quỳnh chưa bao giờ phai nhạt trong trái tim những người làm phim chúng tôi.

Khoảng năm 1985 – 1986, đạo diễn, nhà văn Lâm Quang Ngọc đưa tôi tới gặp anh Lưu Quang Vũ – chị Xuân Quỳnh. Anh chị muốn nhờ tôi hướng dẫn cho con trai anh là Lưu Minh Vũ (ở nhà thường gọi là Kít) chụp ảnh và những kĩ năng cần thiết để thi vào quay phim của Trường Sân khấu và Điện ảnh.

Tôi và Hoàng Tấn Phát đã xúm vào giúp Kít. Kít đỗ đầu và được đi học ở Đức. Từ đó, chúng tôi trở thành những người bạn rất thân của gia đình Quỳnh, Vũ. Anh chị coi tôi với Phát như những người em, có chuyện gì buồn vui chị Quỳnh cũng lóc cóc cái xe đạp ghé Phát hoặc tôi tâm sự…Thỉnh thoảng bọn tôi cũng đi chơi với anh Vũ khi anh đi dựng vở ở đâu đó...

Đạo diễn, NSND Nguyễn Thước và đạo diễn, NSND Đào Trọng Khánh

Cuối năm 2007, tức 19 năm sau, Lưu Quang Định (em trai Lưu Quang Vũ) tìm tôi và muốn làm bộ phim tài liệu nhân 20 năm ngày mất của anh chị Vũ - Quỳnh và cháu Quỳnh Thơ… Tôi nhận lời ngay cùng với đạo diễn Bùi Tuấn và nhà quay phim Hoàng Tấn Phát. Kịch bản đã được NSND, đạo diễn Đào Trọng Khánh viết mang tên Ngọn lửa trong gương… (Khi phim hoàn thành đã được đổi tên là Lưu Quang Vũ – Xuân Quỳnh gửi lại…).

Anh Khánh và anh Vũ là bạn bè với nhau từ rất lâu khi anh Vũ bắt đầu làm thơ và hay xuống Hải Phòng với các bạn thơ dưới đó. Trong một hồi kí, anh Vũ có nhắc đến một người bạn thơ với bút danh Đào Nguyễn rất tài hoa ở dưới Hải Phòng và nhắc đến những câu thơ Đào Nguyễn:

                                   Tôi không có làng quê

                                   Biết tìm đâu tuổi nhỏ

                                   Tôi như con cò lửa

                                   Bay trong chiều hoang sơ

                                   Bay trong lòng hoang vu

                                   Bóng cò tha ráng lửa

                                   Chân trời không cánh cửa

                                   Cho tôi quên đường về...

Trong hồi kí ấy, anh Vũ đã rất tiếc sao Đào Nguyễn không làm thơ nữa, lại rẽ ngang để làm một việc “vớ vẩn” là làm đạo diễn phim tài liệu… Và thật trớ trêu, hôm nay người bạn ấy lại viết kịch bản nhân 20 năm ngày mất của bạn mình… Người bạn của Lưu Quang Vũ ấy là Đào Trọng Khánh.

Phim được quay bắt đầu từ những vùng đất trung du ở Phú Thọ, nơi Vũ chào đời; ngôi nhà 96 Phố Huế, nơi Lưu Quang Vũ sống trong một căn phòng rất nhỏ hẹp với những thăng trầm của cuộc đời; những hồi ức của Đỗ Chu, Bằng Việt, Nguyễn Khắc Phục, Vương Trí Nhàn, Đào Trọng Khánh… những bạn thơ đồng niên cùng thời, “cùng cay đắng và cùng bay bổng” với tuổi hoa niên của Lưu Quang Vũ; nhóm bạn bè thơ thân thiết ở Hải Phòng và Đoàn kịch Hải Phòng cùng chuyến đi định mệnh; những tình cảm của khán giả cũng như của những người nghệ sỹ, những đạo diễn, diễn viên trong thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hà Nội.

Bộ phim là bức chân dung về người nghệ sỹ tài hoa này bằng những cảm xúc của chúng tôi, những người làm phim, cũng là những người bạn thân của cả gia đình anh Lưu Quang Vũ lúc đó cũng như bây giờ. Phim cũng sẽ không thể không nói đến nhà thơ Xuân Quỳnh, người bạn đời và cũng là đôi cánh cho tài năng của Lưu Quang Vũ bay cao, bay xa.

Có nhiều điều thú vị, nhất là khi tôi được tiếp xúc với phần thơ của anh Lưu Quang Vũ cũng như qua những cuộc trao đổi với những nhà nghiên cứu. Có thể nói Lưu Quang Vũ đã mang đến cho nền thi ca của chúng ta ở những thập kỷ vừa qua một một giọng thơ riêng, những tâm tư, suy cảm rất riêng về cá nhân con người, về tình yêu, về thân phận đất nước…

Những năm thân với vợ chồng anh, tôi (và có lẽ hầu hết những khán giả cả nước lúc đó) chỉ biết nhiều về anh, yêu quí anh chủ yếu qua những vở kịch, những vở kịch đã bắt đúng mạch thở của đất nước đang trong cơn chuyển mình từ đêm trước đổi mới sang những ngày đau đớn vặn mình để phát triển. Phần thơ của anh lúc đó mọi người mới chỉ biết qua tập “Hương cây Bếp lửa" in chung với nhà thơ Bằng Việt và ở tập đó là  một sự "trình làng" với nhiều xao động, anh đã mang đến cho người đọc một hy vọng và sự chờ đợi ở anh có một hồn thơ lớn.

Anh đã trải qua một thời gian dài cùng sống, cùng băn khoăn, cùng suy nghĩ, cùng dằn vặt… Những năm tháng đó, chúng ta có Phạm Tiến Duật với những vần thơ hực hực ngọn lửa chiến trường. Thế nhưng ở cái phần tâm hồn con người Việt Nam, cái phần hậu phương này khi họ đang sống là những miền sâu thẳm  nhất, sống và yêu, hết lòng với nó.

Và Lưu Quang Vũ là nhà thơ mang những suy nghĩ của một lớp trẻ, là một trong ít người gọi chiến tranh là chiến tranh. Vũ đã sống được đầy đủ cái cảm giác của thời đại với tất cả nhiều chiều kích của đời sống xã hội, là nhà thơ của rất nhiều những con người Việt Nam đau đớn trong chiến tranh, có sự chia li, có sự mất mát, có sự tan vỡ… Lưu Quang Vũ còn là một nhà thơ tình, thơ tình với tất cả những người bạn, những người đàn bà… Vũ hết lòng với từng người một trong từng trường hợp cụ thể…

Nói như Nhà Nghiên cứu Vương Trí Nhàn: “Tôi tin rằng 50 năm nữa, 70 năm nữa, 100 năm nữa, khi người ta nghĩ lại về những năm đất nước có chiến tranh, người ta muốn biết về con người hồi đó sống như thế nào thì người ta phải đọc thơ Lưu Quang Vũ. Tất nhiên người ta phải đọc thơ Phạm Tiến Duật, đọc truyện ngắn Lê Minh Khuê, đọc Phan Tứ, đọc Nguyên Ngọc… nhưng người ta phải đọc Lưu Quang Vũ để thấy tất cả cái đa dạng của nó, cái nhiều vẻ của nó…”.

Khi anh Lưu Quang Định, người em trai của anh Lưu Quang Vũ, đưa chúng tôi ra quay phần mộ của vợ chồng anh Vũ – chị Quỳnh và cháu Quỳnh Thơ. Đang quay thì bất ngờ gặp 2 cậu sinh viên ra đặt hoa và thắp hương cho anh chị. Lưu Quang Định chuyện trò với 2 sinh viên ấy thì được biết năm nào các bạn ấy cũng ra thắp hương. Năm ngoái các bạn ấy còn mang ra cả một quả bưởi. Nghĩ đây chắc là những sinh viên về văn học, hỏi kĩ các bạn ấy lại là sinh viên Trường Đại học Xây dựng và sau đó đọc cho chúng tôi nghe rất nhiều thơ của chị Xuân Quỳnh… và bất ngờ hơn là còn đọc một vài bài thơ bạn ấy làm để tặng nhà thơ Xuân Quỳnh nữa… lúc ấy tôi mới để ‎ý kỹ thì thấy có rất nhiều những bó hoa đã khô nằm rải rác quanh mộ.

Có một điều rất bất ngờ và rất thú vị đối với riêng tôi. Tôi đã xem hầu hết các vở kịch của anh nhưng riêng vở chèo "Muối mặn đời em", tôi lại chưa xem. Cũng là một cái duyên, năm đó, anh trai tôi là nhà văn Nguyễn Văn Thọ đã viết truyện ngắn “Muối mặn”… Anh Vũ đọc truyện ngắn đó đã rất thích, anh có ngay ý định trong đầu là viết một kịch bản chèo trên nền truyện ngắn này. Anh Thọ đã mang thêm những tư liệu của câu chuyện này tới cho anh Vũ và vở chèo đã hình thành với cái tên “Muối mặn đời em”.

Khi quay lại những bản thảo của anh, tôi lặng người khi thấy trên bảng tên các nhân vật có một nhân vật chính tên là Thước, một nhân vật rất tốt… kịch của anh bao giờ cũng có những người rất tốt để anh gửi gắm những tình cảm của anh vào đó… Ngồi sau máy quay, tôi đã phải cố nén tình cảm của mình không để mọi người nhận ra, không để Lưu Minh Vũ, người con trai của anh nhận ra… Những ngày ấy, tôi biết anh rất quí tôi nhưng hình như chưa bao giờ tôi cảm nhận được hết tình cảm của anh dành cho tôi… 

Đạo diễn, NSND Nguyễn Thước và ekip làm phim

Tình yêu trong Lưu Quang Vũ hình như chưa bao giờ cạn. Có nhiều người đàn bà yêu anh, đến với anh. Trong một bài viết của Lưu Khánh Thơ, cô em gái rất yêu quí của Lưu Quang Vũ, Thơ đã viết rất hay và rất chính xác về những mối tình của anh: “Lưu Quang Vũ là một người đàn ông may mắn. Trong cuộc đời long đong, vất vả của anh, hầu như ở giai đoạn nào anh cũng gặp một tình yêu lớn. Cho dù cái mà tình cảm đó đem lại có thể là một vết thương, một nỗi đau suốt đời. Lưu Quang Vũ quan niệm rằng, sự đầy đủ của cuộc đời con người là ở chỗ tìm thấy tình yêu, mặc dù tình yêu ấy có thể không ở lại cùng ta suốt đời”.

Đoàn làm phim đã tiếp xúc với tất cả những người đã yêu anh hay nói cách khác là giữa anh và họ đã có những tình cảm với nhau. Chúng tôi đã không phải một chút nào quanh co cho ý định của mình trong phim và chúng tôi tin rằng, khi bộ phim được trình chiếu sẽ chẳng làm tổn thương đến ai, cả người sống và người đã mất, bởi trong những câu chuyện này, tình cảm giữa họ đẹp quá, hồn nhiên và trong veo… Cho dù rồi mọi chuyện không thành nhưng họ vẫn là bạn bè tốt cho đến lúc xa nhau mãi mãi…

Lưu Quang Vũ cũng là một con người có tính cách đặc biệt. Thơ cũng dữ dội và kịch cũng dữ dội nhưng tính cách, phong thái thì lại rất nhẹ nhàng, lúc nào cũng rủ rỉ rủ rỉ, chưa biết cáu giận với ai. Anh luôn sống bằng nội tâm. Anh luôn tránh những nơi ồn ào, tránh những đỉnh cao vinh quang để trở về với cuộc sống riêng của mình, cặm cụi lao động, cặm cụi cày xới…Họa sỹ Doãn Châu có viết về anh: “Vũ yêu quí đất nước này vô cùng, yêu từ thiên nhiên hùng vĩ với vị mặn của muối, vị đắng của măng rừng, từ con người Việt Nam quả cảm, nhân hậu cho tới những bờ cây bụi cỏ ven đường, cho tới mùi hương cây bếp lửa. Thậm chí có lần Vũ nói với tôi ngay cả “mùi phân bò” cũng làm Vũ rung động để nhớ thương một vùng quê nghèo đầy thương nhớ…”.

Đoàn làm phim đã dành những ngày quay cuối cùng cho những người em trai, em gái, những người em dâu của anh chị Lưu Quang Vũ – Xuân Quỳnh. Và đặc biệt có một buổi chiều với cái tổ ấm cuối cùng còn lại, đó là vợ chồng Lưu Minh Vũ bên 2 cậu con trai kháu khỉnh. Vượt lên trên tất cả những câu chuyện về anh chị ấy, hình như những kí ức còn lại trong họ đã trở thành hành trang bất biến không thể thiếu được đi theo suốt cuộc đời họ…

Khi còn nhỏ, Lưu Quang Vũ học vẽ từ họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ, Nguyễn Gia Nùng… Hồi nhỏ khi còn ở trong vùng kháng chiến Phú Thọ, mỗi khi bác Tỵ vẽ, Vũ rất thích ngồi bên cạnh xem, rồi cũng lấy que vạch ngang dọc trên mặt đất. Bác Tỵ vẫn nói đùa : “Sau này cho Vũ theo nghề của bác”… Trong hồi kí của mình, bà Vũ Thị Khánh, mẹ của Lưu Quang Vũ có viết: “Và ngày ấy, trong căn nhà lợp lá cọ ở một quả đồi vắng của vùng Phú Thọ, chồng tôi đã tin chắc rằng sau này lớn lên con trai mình sẽ trở thành thi sĩ”. Nhưng có lẽ người đã ảnh hưởng đến Vũ nhiều nhất cả về nghệ thuật và nhân cách sống là cha anh, nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Thuận. Ông đã dõi anh trong từng bước chân, theo anh trong từng suy nghĩ.

Có bốn câu thơ trong bài "Mây trắng của đời tôi" được làm lời tựa cho tập thơ cùng tên trên được in sau khi anh mất :

                    “Trên mái nhà, cao vút rừng cây

                      Trên rừng cây, những đám mây xô giạt

                      Trên ngày tháng, trên cả niềm cay đắng

                      Thơ tôi là mây trắng của đời tôi”                            

Đó cũng chính là tuyên ngôn nghệ thuật của anh…

Nhà lý luận phê bình Phan Trọng Thưởng đã nhận định về kịch của Lưu Quang Vũ: Sẽ đến một lúc, theo quy luật sàng lọc của thời gian, những vở kịch hay nhất bây giờ người ta sẽ thôi không biểu diễn trên sân khấu nữa. Nhưng không phải vì thế mà vở kịch không sống, không tồn tại. Bởi vì cái phần tinh túy nhất của nó đã chuyển thành một phần gia tài của cuộc sống, thành nhận thức, thành hành động, thành hành trang tinh thần, niềm khát khao ở mỗi con người, mỗi thế hệ trên lộ trình về tương lai”.

Trong thời gian làm phim, cái khó khăn nhất là tư liệu. Không có một hình ảnh nào về anh chị ấy ngoài những bản thảo thơ, văn và kịch, một số ảnh gia đình còn lưu giữ, một số vở kịch Đài truyền hình đã quay. Họ đã mải mê sống, mải mê làm việc, mải yêu thương mà quên mất việc lưu giữ hình ảnh của mình.

Trớ trêu thay duy nhất có 6 phút hình ảnh động mà chính tôi quay bằng phim nhựa đang lưu giữ tại Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương lại là những hình ảnh đám tang của gia đình anh… Có lẽ cái quí nhất và cũng phong phú nhất là anh chị có rất nhiều bạn bè và ở họ còn đầy ắp những kí ức về đôi vợ chồng tài hoa này.

Bộ phim đã làm cách đây 10 năm, nhưng những kí ức về Lưu Quang Vũ – Xuân Quỳnh chưa bao giờ phai nhạt trong trái tim những người làm phim chúng tôi./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Đêm kịch kỷ niệm 30 năm ngày mất của Lưu Quang Vũ
Đêm kịch kỷ niệm 30 năm ngày mất của Lưu Quang Vũ

VOV.VN - Đêm kịch Khoa Văn mở rộng lần thứ X với chủ đề: "Chân dung và khoảnh khắc" - Kỷ niệm 30 năm ngày mất của kịch tác gia Lưu Quang Vũ.

Đêm kịch kỷ niệm 30 năm ngày mất của Lưu Quang Vũ

Đêm kịch kỷ niệm 30 năm ngày mất của Lưu Quang Vũ

VOV.VN - Đêm kịch Khoa Văn mở rộng lần thứ X với chủ đề: "Chân dung và khoảnh khắc" - Kỷ niệm 30 năm ngày mất của kịch tác gia Lưu Quang Vũ.

Đêm thơ nhạc kịch kỷ niệm 30 năm ngày mất của Lưu Quang Vũ-Xuân Quỳnh
Đêm thơ nhạc kịch kỷ niệm 30 năm ngày mất của Lưu Quang Vũ-Xuân Quỳnh

VOV.VN - Chương trình sẽ diễn ra một đêm duy nhất với mong muốn đem lại những ký ức đẹp nhất về hai nghệ sĩ tài năng trong lòng bạn bè, khán giả.

Đêm thơ nhạc kịch kỷ niệm 30 năm ngày mất của Lưu Quang Vũ-Xuân Quỳnh

Đêm thơ nhạc kịch kỷ niệm 30 năm ngày mất của Lưu Quang Vũ-Xuân Quỳnh

VOV.VN - Chương trình sẽ diễn ra một đêm duy nhất với mong muốn đem lại những ký ức đẹp nhất về hai nghệ sĩ tài năng trong lòng bạn bè, khán giả.

“Ông trùm” Hoàng Dũng làm đạo diễn cho kịch Lưu Quang Vũ
“Ông trùm” Hoàng Dũng làm đạo diễn cho kịch Lưu Quang Vũ

VOV.VN - “Nguồn sáng trong đời” kể về cuộc đời của Lê Chí - một họa sĩ mù bị thương bởi chiến tranh.

“Ông trùm” Hoàng Dũng làm đạo diễn cho kịch Lưu Quang Vũ

“Ông trùm” Hoàng Dũng làm đạo diễn cho kịch Lưu Quang Vũ

VOV.VN - “Nguồn sáng trong đời” kể về cuộc đời của Lê Chí - một họa sĩ mù bị thương bởi chiến tranh.