Lát đá các tuyến phố cổ Hà Nội sẽ bất tiện cho dân
VOV.VN - Nhiều người dân bày tỏ lo lắng khi các tuyến phố cổ Hà Nội được lát đá tự nhiên sẽ gây bất tiện.
Theo đề xuất của quận Hoàn Kiếm, những tuyến phố sẽ được lát đá mặt đường gồm: Tạ Hiện (một phần phố này đã được lát trong dự án thí điểm, nay đề xuất lát phần còn lại), Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường, Đồng Xuân, Hàng Giấy, Hàng Buồm, Mã Mây, Lương Ngọc Quyến, Hàng Giầy và Đào Duy Từ. “Các tuyến phố này sẽ được đổ bê tông nền đường, mặt đường lát bằng đá tự nhiên”, UBND quận Hoàn Kiếm đề nghị.
Nhiều xe máy đi lại trên phố Tạ Hiển. |
Trong danh sách các tuyến phố mà quận Hoàn Kiếm đề xuất thấy có hai nhóm. Nhóm những phố sát với đoạn phố thí điểm Tạ Hiện như Đào Duy Từ, Lương Ngọc Quyến... Nhóm thứ hai là trục phố từ bờ hồ Hoàn Kiếm kéo lên thẳng chợ Đồng Xuân rồi lên tiếp Quán Thánh như Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Đường, Đồng Xuân...
Bà Lưu Ngọc Trân ở số 9 Tạ Hiện cho biết: “Từ ngày làm con đường này có đẹp hơn nhưng trơn lắm, những hôm trời mưa ngày nào cũng có 3 đến 4 vụ xe máy bị ngã. Mặc dù là phố đi bộ, nhưng người dân song trong khu phố vẫn phải đi lại thường xuyên bằng xe máy. Nhiều hôm trời mưa 1 chiếc xe máy ngã chỉ cần chảy 1 ít dầu máy thôi thì y như rằng chỗ ấy rất nhiều người sẽ bị ngã theo, dầu chảy trên đá sẽ rất trơn làm trượt bánh xe. Thậm chí hai xe máy tránh nhau, đi không thẳng tay lái là bánh xe sẽ trượt. Ngay cả đi bộ gặp lúc đường ướt thì cũng rất dễ bị ngã”.
Sẽ rất trơn khi trời mưa trên con đường Tạ Hiện. |
Khi được hỏi về dự kiến thành phố sẽ lát đá lòng đường các tuyến phố cổ, ông Đặng Ngọc Phúc ở 76 Hàng Bạc cho rằng: “Như phố Hàng Bạc nếu lát đá xanh thì việc kinh doanh của cửa hàng tôi sẽ không thuận lợi như hiện nay, vì khi lát đá vào những ngày thời tiết mưa phùn hay nồm trời đường ướt thì các phương tiên tham gia giao thông sẽ không đi vào phố này. Theo tôi nên để lòng đường như hiện nay”.
Anh Lê Khắc Nghĩa ở 25 Lương Ngọc khuyến chia sẽ: “Nếu lát nhiều lòng đường giống như tuyến phố Tạ Hiện thì khổ người dân lắm. Lát đá các tuyến phố cổ sẽ bất tiện. Ngay cả vỉa hè nhà tôi được lát đá thôi, mỗi khi dắt xe máy lên xuống đã rất khó khăn rồi, hôm nào mưa gờ lên xuống rất trơn”.
Đường đi bộ trong khu phố cổ đang được sử dụng hỗn hợp đi bộ có giờ, các phương tiện giao thông khác vẫn sử dụng đường ngoài giờ cấm. |
Theo các chuyên gia thì đường phố Hà Nội từ trước đến nay chưa bao giờ lát đá cả.
Bà Mã Thanh Cao, nguyên Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM trao đổi với báo Thanh niên: “Tôi thấy không nên tạo ra cái không có thật của di tích, vô nghĩa và tốn kém”.
Đường đi bộ trong khu phố cổ đang được sử dụng hỗn hợp đi bộ có giờ, các phương tiện giao thông khác vẫn sử dụng đường ngoài giờ cấm (để đi bộ). Vậy nếu lát đá cần cân nhắc đến mặt lợi ít của người dân cũng như tác động của công trình liên quan hệ thông điện, nước, thoát nước thải, chịu tải của đường…
Một lãnh đạo Sở Giao thông Hà Nội cho biết: "Các tuyến phố cổ trong đó có Tạ Hiện đang sử dụng là đường giao thông, đề xuất này từ phía quận nên còn phải nghiên cứu, đánh giá nhiều", vị này trao đổi với báo Thanh niên.
Lý giải về đề xuất, UBND quận Hoàn Kiếm cho biết từ năm 2011, một dự án cải tạo thí điểm phố Tạ Hiện được thực hiện. Mặt đứng một đoạn phố đã cải tạo, đường đoạn đó cũng được đổ bê tông lót rồi lát đá tự nhiên. Nắp hố ga, rãnh thoát nước, bó vỉa, vỉa hè cũng được thay bằng đá tự nhiên. Sau cải tạo, đoạn phố điểm đó trở thành điểm thu hút khách đến với phố cổ Hà Nội. Lát đá mở rộng, quận Hoàn Kiếm muốn đồng bộ hạ tầng, thúc đẩy thương mại, dịch vụ và du lịch. Điều này cũng hướng tới bảo tồn không gian kiến trúc truyền thống và mở rộng tuyến phố đi bộ trong khu phố cổ Hà Nội. Nếu được, việc lát đá sẽ được thực hiện từ 2015 -2016, bằng ngân sách quận./.