Lê Hoàng viết thư ngỏ "Kính gửi số đông"
Đạo diễn Lê Hoàng bộc bạch: “Nói thật nếu chúa trời có thi mà hát dở tôi cũng cho điểm 6”.
- Trấn Thành - Đoan Trang đăng quang “Cặp đôi hoàn hảo”
- Tuấn Khanh: Game show mỗi lúc một trẻ con và lộ liễu
Trong cuộc giao lưu trực tuyến với độc giả VietNamNet sáng nay về chủ đề “Giám khảo và sự nghiệt ngã của dư luận”, đạo diễn Lê Hoàng vẫn giữ nguyên cách nói chuyện bộc trực, hóm hỉnh và đương nhiên có cả nét “ngoa ngoắt” đặc trưng khi trả lời các câu hỏi của độc giả.
Liên quan đến một vấn đề gây xôn xao dư luận thời gian qua, đó là nghi án dàn xếp kết quả “Cặp đôi hoàn hảo”, đạo diễn Lê Hoàng cho rằng đó là “sản phẩm của sự suy diễn và tâm trạng suy diễn này đã hình thành bao nhiêu năm nay do nhiều cuộc thi hoặc nhiều sự kiện trong cuộc sống”.
"Tôi lấy tư cách cá nhân để khẳng định điều này. Sự dàn xếp đó tôi chưa bao giờ nhìn thấy"- đạo diễn Lê Hoàng nói.
Đánh giá về những tác động của dư luận đối với cách cho điểm và nhận xét của mình, vị đạo diễn sở hữu phát ngôn “không sợ bị ghét, chỉ sợ bị coi là hèn” tiếp tục khẳng định bản lĩnh của một người không chịu “đẽo cày giữa đường” khi thẳng thắn nêu quan điểm:
“Nếu bạn quan tâm đến dư luận quá nhiều thì tốt nhất bạn nên ở nhà và thậm chí bạn không nên chấm điểm cá nhân mình chứ đừng nói đến ai. Tôi tôn trọng dư luận nhưng tôi không bơi ở trong ấy và không đội dư luận như đội một cái mũ”.
Khá hóm hỉnh nhưng không kém phần thâm thúy, đạo diễn Lê Hoàng còn soạn một bức thư nhắn nhủ tới số đông công chúng với nội dung như sau:
Kính gửi số đông,
Nếu như người kinh doanh có câu khách hàng bao giờ cũng đúng và lấy nó làm tiêu chí để tồn tại, thì tôi cũng không bao giờ phản đối. Nhưng may quá, tôi lại không phải người bán hàng. Hay đúng hơn, tôi là người bán một thứ hơi đặc biệt đó là tâm hồn mình.
Cho nên tôi nghĩ rằng số đông cũng thiếu gì lúc sai. Tôi cho rằng, một trong những nguyên tắc sai lầm của nền giáo dục chúng ta là dạy dỗ một đứa bé từ lớp một luôn luôn phải tôn trọng tập thể. Những đứa bé của chúng ta lúc nào cũng bị nhắc nhở là làm việc này việc nọ có được chung quanh chấp nhận hay không. Đáng ra chúng ta phải giáo dục trẻ em một điều là những hành động của nó, những suy nghĩ của nó có khác biệt hay không.
"Khác biệt hay là chết". Câu nói đấy không phải là một khẩu hiệu, cũng không phải là một lời nói cho oai. Đấy là một sự thực. Đừng sợ những hậu quả mà sự khác biệt gây ra. Nếu có, nó cũng nhỏ hơn hậu quả mà sự giống nhau gây ra rất nhiều.