Lễ khai ấn đền Trần phải thay đổi cách tổ chức
(VOV) - Đây là một trong những trăn trở để tổ chức tốt hàng nghìn lễ hội văn hóa truyền thống của dân tộc.
Năm 2012 được đánh giá là một năm thành công trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Các lễ hội lớn, nhỏ trên khắp cả nước đã diễn ra ổn định, có nề nếp, trật tự, chu đáo, có nhiều ưu điểm, tiến bộ rõ rệt so với các năm trước. Đây cũng là những nội dung nổi bật trong Hội nghị Tổng kết công tác quản lý, tổ chức lễ hội năm 2012 do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức ngày 18/1.
Với những lễ hội lớn, mang tầm Quốc gia có ảnh hưởng sâu rộng tới đời sống văn hoá, tinh thần của người dân đã có những bước chuyển biến tích cực, khẳng định sự vào cuộc nghiêm túc của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc tuyên truyền, xây dựng kịch bản tổ chức lễ hội. Tại Hội nghị tổng kết công tác tổ chức, quản lý lễ hội, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái đánh giá cao những kết quả trong công tác tổ chức Lễ hội đền Trần Nam Định, đồng thời đề nghị Cục Di sản lập đề cương hướng dẫn Ban quản lý Di tích, lễ hội các địa phương trong công tác quản lý, tổ chức lễ hội.
Lễ hội Đền Trần Nam Định năm 2012 đã xoá được hình ảnh chen lấn, xô đẩy, hỗn loạn trong đêm phát Ấn. Người dân đã hiểu ý nghĩa của lá ấn Đền Trần để không phải giành giật, tranh cướp bằng được lá ấn trong đêm khai ấn nữa, đây cũng là thành công bước đầu mang dấu ấn của Viện Văn hoá Nghệ thuật Việt Nam, đơn vị đã xây dựng Đề án tổ chức lễ khai ấn Đền Trần - Nam Định.
Lễ Khai ấn năm Tân Mão 2011 từng phải huy động rất nhiều công an đến giữ trật tự (ảnh: TTXVN) |
Ông Nguyễn Chí Bền, Viện trưởng Viện Văn hoá Nghệ thuật Việt Nam chia sẻ: Lễ khai ấn đền Trần đứng trước một thách thức là phải thay đổi mô hình tổ chức quản lý chứ nếu chúng ta vẫn giữ mô hình cũ từ 2011 trở về trước thì không có cách gì đáp ứng được. Vì vậy nghiên cứu thay đổi mô hình đó sao cho đảm bảo phù hợp với đời sống hiện nay của chúng ta, đấy là điều mà chúng tôi muốn khẳng định. Kinh nghiệm đó là phải tôn trọng quyền tín ngưỡng của người dân.
Hiện các mô hình tổ chức quản lý lễ hội rất đa dạng, được thành lập từ Trung ương đến địa phương. Một số tỉnh, thành phố nhấn mạnh vai trò của Ban quản lý trực thuộc cấp huyện, một số lại đánh giá cao vai trò của Ban quản lý trực thuộc uỷ ban nhân dân xã… Do vậy rất khó để đưa ra được một “quy chuẩn chung” cho các hoạt động lễ hội hiện nay.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Cục trưởng Cục Di sản, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho rằng: Một số mô hình trong thời gian vừa qua làm tốt như Ban quản lý Di tích Cố đô Huế, rồi Ban quản lý di tích trực thuộc cấp Sở như Di tích Côn Sơn Kiếp Bạc, hoặc một số di tích của Hà Nội; các ban quản lý cấp huyện như ở Quảng Ninh có Di tích Yên Tử, ở cấp xã thì có mô hình quản lý di tích ở Cửa Ông thì họ cũng quản lý rất tốt.
Tuy nhiên, trong hoạt động lễ hội cũng phải có những quy định chung để đảm bảo người dân đi lễ hội được sống trong không gian văn hoá, an toàn, trật tự, tránh những biểu hiện tiêu cực, mê tín dị đoan. Đây sẽ là nhiệm vụ trọng tâm của các đơn vị quản lý văn hoá từ Trung ương tới địa phương, cũng như trách nhiệm của Ban quản lý Di tích các địa phương.
Ông Nguyễn Xuân Phúc, Phó Chánh Thanh tra Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch kiến nghị: Chúng tôi đề nghị các địa phương quy hoạch tổng thể các khu di tích, nơi tổ chức lễ hội, cắm mốc phân vùng bảo vệ của các di tích, đồng thời quy hoạch sắp xếp hàng quán dịch vụ, vì hiện nay như kiểm tra cuối năm 2011 đầu 2012 có những di tích thuộc hạng Quốc gia đặc biệt vẫn có hàng quán bán trong sân, bán trong khu vực bảo vệ 1. Và chúng tôi cũng đề nghị các địa phương tăng cường tuyên truyền về lễ hội, hoàn thiện các hệ thống bảng biển để hướng dẫn cho du khách. Các hòm công đức cũng nên nghiên cứu làm đảm bảo tính thẩm mỹ, không nên làm bằng kính trong suốt…
Theo số liệu thống kê của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, hiện nay cả nước có gần 8.000 lễ hội, trong đó lễ hội dân gian là 7.000 lễ hội, lễ hội lịch sử cách mạng là 332 lễ hội, lễ hội tôn giáo có 544 lễ hội, còn lại là các lễ hội khác. Hoạt động của những lễ hội này đã góp phần làm phong phú đời sống văn hoá, tinh thần của người dân cả nước, đồng thời đáp ứng nhu cầu tâm linh, một nét văn hoá truyền thống của người Việt Nam. Có thể nói, với những thành công bước đầu trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2012 là tín hiệu vui cho những năm tiếp theo./.