Liên hoan xiếc toàn quốc: Vì sao 12 năm mới lại được tổ chức?
VOV.VN - Trong khi đó, các loại hình nghệ thuật, giải trí khác luôn hoạt động thường xuyên, sôi nổi và được công chúng quan tâm.
Đã 12 năm trôi qua kể từ Liên hoan xiếc toàn quốc được tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên - Huế năm 2006, và phải đến nay, các nghệ sĩ xiếc trong nước mới có dịp được hội ngộ tại Cuộc thi tài năng diễn viên xiếc toàn quốc 2018 từ ngày 4-10/12 tại Thủ đô Hà Nội.
Trong khi đó, các loại hình nghệ thuật, giải trí khác luôn hoạt động thường xuyên, sôi nổi và được công chúng quan tâm. Cùng với sự bùng nổ của các phương tiện truyền thông, nghe nhìn, internet, thì không gian dành cho xiếc đang dần bị thu hẹp. Làm thế nào để nghệ thuật xiếc có hướng phát triển trong xu thế hội nhập của đất nước nói chung và ngành xiếc nói riêng là câu hỏi mà những ai tâm huyết với loại hình nghệ thuật này luôn trăn trở, suy tư.
Trong buổi tọa đàm “Nghệ thuật xiếc Việt Nam trong xu thế hội nhập” tại Liên đoàn xiếc Việt Nam diễn ra vào sáng 8/12, lãnh đạo các đơn vị xiếc, các nhà chuyên môn cùng các nghệ sĩ đã có cơ hội được trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm nhằm tìm hướng đi bền vững cho nghệ thuật xiếc.
Tọa đàm “Nghệ thuật xiếc Việt Nam trong xu thế hội nhập”. |
Theo NSND Tạ Duy Ánh, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, điều hấp dẫn ở nghệ thuật xiếc đó là vừa mang yếu tố truyền thống, vừa kết hợp với tính hiện đại nên không cần thuyết minh, phiên dịch mà người xem vẫn dễ dàng tiếp nhận. Người ta yêu xiếc ở tính chân thật của nó, nơi nghệ sĩ không thể giấu mình ở bất ỳ góc khuất nào, với bất kỳ khiếm khuyết nào, mà phơi bày tất cả sức khỏe, độ dẻo dai, sự khéo léo trước muôn vàn cặp mắt của khán giả.
Trong nghệ thuật xiếc, yếu tố con người luôn là chìa khóa quyết định thành công, bao tâm huyết mồ hôi công sức của cán bộ nghệ sĩ, diễn viên các thế hệ nối tiếp nhau đã chung sức, chung lòng, đồng cam cộng khổ mới có được các thành tích và duy trì sự phát triển như ngày hôm nay. Thế nhưng, với đặc thù “nghề mạo hiểm”, khó khăn lớn nhất hiện nay của xiếc Việt chính là thiếu đội ngũ kế cận.
Trong nghệ thuật xiếc, yếu tố con người luôn là chìa khóa quyết định thành công. |
NSƯT Phi Vũ, Phó Giám đốc Nhà hát nghệ thuật Phương Nam chia sẻ: “Lớp nghệ sĩ của nhà hát Phương Nam hầu hết đều trên 30 tuổi. Có những nghệ sĩ ngoài 50 vẫn phải lên sân khấu biểu diễn. Xiếc là môn nghệ thuật đòi hỏi sức trẻ, sự dẻo dai, bền bỉ của cơ thể. Chúng tôi mở nhiều lớp đào tạo tại chỗ nhưng không có người trẻ theo. Trong khi đó, tuổi nghề của diễn viên xiếc rất ngắn ngủi, hoạt động trong nghề 10 – 20 năm đã là nhiều rồi. Nếu không có đội ngũ kế cận thì việc phát triển rất khó khăn”.
Theo NSƯT Phi Vũ, lý do người trẻ không muốn dấn thân vào nghề xiếc là bởi chế độ đãi ngộ thấp. Lương nghệ sĩ xiếc trẻ chỉ hơn 2 triệu đồng, sống không nổi, chẳng may gặp tai nạn thì tiền lương không đủ để bồi dưỡng. Mặc dù vậy, các em vẫn phải miệt mài tập luyện những tiết mục hay, khó để phục vụ công chúng.
Nghệ sĩ xiếc phải cống hiến từ khi tuổi chỉ lên 9, lên 10, nhưng không phải ai cũng đón nhận được vinh quang do nghề nghiệp mang lại.
NSND Tạ Duy Ánh cho rằng, làm nghệ thuật phải có lòng đam mê và năng khiếu. Do đó, cần phát huy khả năng của từng cá nhân, động viên đúng lúc, kịp thời bằng cả tinh thần và vật chất sẽ là động lực thúc đẩy mạnh mẽ để họ đem hết khả năng của mình cống hiến cho sự nghiệp.
Chúng ta đang mong muốn sân khấu xiếc có thể tồn tại và phát triển trong quá trình hội nhập với thế giới thì ngoài đội ngũ kế cận, theo NSND Tạ Duy Ánh, một trong những yêu cầu quan trọng chính là chất lượng nghệ thuật. Thực tế cho thấy, tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao không đồng nghĩa với mức độ hoành tráng về dàn dựng cũng như mức đầu tư kinh phí. Nó cũng không hoàn toàn đồng nghĩa với thẩm mỹ của số đông khán giả và lượng kinh phí thu được. Tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao, trước tiên là tác phẩm đẹp về nội dung, hình thức, đảm bảo yêu cầu thể loại và đáp ứng nhu cầu giải trí. Đặc biệt, tác phẩm đó phải mang hơi thở của thời đại và bản sắc dân tộc.
"Với nghệ thuật xiếc Việt Nam cần nhất là phải được các cấp lãnh đạo quan tâm đề ra các chính sách đào tạo dài hơi với đặc thù của nghệ thuật xiếc như: chính sách phát hiện tài năng nghệ thuật, chính sách đào tạo, bồi dưỡng tài năng nghệ thuật, chính sách sử dụng và đãi ngộ tài năng nghệ thuật để đào tạo đội ngũ diễn viên có trình độ - xây dựng được những tiết mục xiếc đỉnh cao, ngang tầm thế giới", NSND Tạ Duy Ánh chia sẻ./.