LUALA Concert: Mang âm hưởng làng quê ra phố
(VOV) - Lần đầu tiên dàn nhạc dân tộc “Làng Tôi” trình làng trên phố với những âm hưởng hùng vĩ của núi rừng; mộc mạc, êm đềm của đồng quê.
Những tác phẩm, nhạc phẩm trong chương trình phục vụ khán, thính giả thủ đô lần thứ 4 của Luala Concert Xuân Hè 2013 chiều 28/4 phần lớn được trích từ âm nhạc của chương trình xiếc "Làng Tôi" do dàn nhạc cùng tên trình diễn. Đây là một chương trình xiếc mới, nhằm tái hiện cuộc sống nông thôn Việt Nam qua các tiết mục nhào lộn, biểu diễn vũ điệu xiếc, và ngôn ngữ âm nhạc. Vì thế, phần âm nhạc cũng mang âm hưởng làng quê, tuy mộc mạc nhưng đầy sâu lắng, trữ tình, cũng không kém phần sôi nổi, hào hứng.
“Làng Tôi” là dàn nhạc dân tộc mới gồm 5 nghệ sĩ chơi được rất nhiều nhạc cụ dân tộc. Không những thế, họ còn là những ca sĩ “đồng quê” thật tuyệt vời. Với những làn điệu chầu văn, chèo cổ, then, xẩm và cả ca khúc mới, “Làng tôi” đã cống hiến cho khán giả một buổi diễn thật tuyệt vời, đưa khán giả trở về một không gian làng quê điển hình, rất mới lạ mà rất quen thuộc.
Với nhiều người, nhất là các bạn trẻ, các em nhỏ lần đầu tiên được tận mắt trông thấy những nhạc cụ thật thú vị: cồng, chiêng, rồi trống, đàn nhị, đàn tính, nào khèn, tù và, tiêu, sáo, phách, trống cơm... Có nhiều nhạc cụ với hình thù trông khá lạ mắt: chiêng dây, các loại đàn môi, kipá, khèn Thái, đàn hồ… nhưng dưới đôi tay điêu luyện của các nghệ sĩ hoặc khi họ đặt lên môi biểu diễn thì biến thành những âm thanh thật kỳ diệu.
Ở phần đầu của chương trình, bên cạnh phần biểu diễn solo với các nhạc cụ tiêu, sáo, khèn, kipá đặc trưng của các dân tộc, trong bản “Vượt đèo”, người nghe được thưởng thức những giai điệu huyền bí trong hòa tấu âm thanh của đàn môi, tiêu, chiêng dây. Rồi một không gian kỳ ảo hiện ra trong tâm tưởng của người xem trong tiếng sáo mèo, tiếng trống và nhịp sáo tiết tấu hơi nhanh.
Đặc biệt, khi tất cả các nhạc cụ: cồng chiêng Mường, sáo mèo, cồng Ê Đê, tiếng trống, tiếng tù và trầm hùng, kèn sona, kipá cùng tấu lên trong bản nhạc “Bảo vệ làng” tạo nên một hòa âm từ yên ả, thiết tha ban đầu rồi dần dần bùng lên mạnh mẽ, hoang dại khiến người nghe hình dung được cảnh bản làng khi có biến.
Nghệ sĩ ưu tú Minh Chí cho biết: “Bản nhạc “Bảo vệ làng” mô tả không gian yên tĩnh của bản làng thì có biến động. Đó là khi thú dữ hay voi rừng về. Và sau này là giặc giã tới xâm chiếm. Cả dàn âm thanh từ cồng chiêng, tù và, sáo… cùng hòa lên 1 âm hưởng hùng tráng, sôi động kêu gọi mọi người đứng lên bảo vệ làng. Đây là 1 tác phẩm nằm trong âm nhạc của đoàn xiếc Làng Tôi.”
Trong phần hai của chương trình biểu diễn, các nhạc công kiêm ca sĩ của dàn nhạc Làng tôi tặng cho khán giả những bài hát then, hát văn, những điệu chèo cổ, xẩm thật trữ tình, đằm thắm và không kém phần ngọt ngào. Ngoài ra, khán giả còn được nghe những ca khúc mới được sáng tác theo giai điệu dân gian như “Tiếng Việt” thật mạnh mẽ, sôi nổi hay bài chầu văn “Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa” man mác buồn.
Buổi diễn càng lúc càng thu hút khán giả. Lúc đầu khán giả là những khuôn mặt quen thuộc của Luala Concert các mùa diễn trước và một số người qua đường do tò mò dừng lại. Tò mò là bởi ở một góc đường mà lại có dàn cồng chiêng, trống, những nhạc cụ dân tộc. Và trên chiếu là những nhạc sĩ kiêm ca sĩ đang ngồi say sưa trên chiếu biểu diễn. Nhưng rồi chính những âm hưởng từ những nhạc cụ là lạ, những giọng chưa thật điêu luyện nhưng được hát bằng cả trái tim và nhưng không kém phần nồng nàn đã thu hút đông người. Ban đầu thì đứng, rồi nhiều khán giả không ai bảo ai đều “bệt” ngay trên hè một cách thoải mái để say sưa nghe các nhạc sĩ trình diễn.
Cứ vào chiểu thứ Bảy và Chủ nhật hằng tuần, từ 20/4 đến 5/5, Luala Xuân Hè 2013 lại đưa những yếu tố mới lạ mang tính thử nghiệm đến với công chúng qua những buổi diễn. Buổi diễn nào cũng thu hút đông đảo khán giả. Có cả những bà bầu mang "em bé" cùng đến xem. |
Thời tiết oi nóng khiến áo của cả khán giả và nghệ sĩ đều ướt vì mồ hôi. Nhưng điều đó không giảm đi lòng nhiệt tình của tất cả mọi người. Các nghệ sĩ cống hiến hết mình, còn khán giả say sưa theo dõi, cuốn hút vào những giai điệu dân gian nồng nàn, say đắm.
Những tưởng buổi diễn sẽ bị phá sản bởi thời tiết giở chứng, đang từ oi nắng trời sầm sập mưa như trút nước. Mưa thì mặc mưa, đã có dù che. Mưa không làm khán giả bỏ sân chơi mà trái lại khoảng cách giữa khán giải và những nhạc sĩ được thu hẹp và trở nên gần gũi hơn. Vòng người vây quanh ban nhạc Làng tôi vẫn không giảm bớt. Lúc này, tác phẩm “Giông tố” với âm hưởng mạnh mẽ hòa quyện từ các nhạc cụ tre đã cất lên trong tiếng vỗ tay vang dội của mọi người. Trời vẫn mưa nhưng càng về cuối chương trình, bầu không khí càng nóng hơn bởi tiếng hò reo cổ vũ, tiếng vỗ tay không ngớt của khán giả muốn tiếp tục kéo dài buổi diễn.
Anh Đỗ Quốc Dũng làm ở ViettinBank ngay sau buổi diễn đã bày tỏ trên trang Facebook của Luala Concert như sau: “Luala Concert chiều nay hay quá. Cám ơn những tác phẩm gần gũi của ban nhạc Làng Tôi. Cám ơn cơn mưa chiều muộn làm mọi người xích lại gần nhau hơn. Nhớ nhất hình ảnh người nhặt phế liệu dừng chân đứng lại khi lắng nghe những giai điệu thân quen của làng quê Việt Nam. Có lẽ nếu không có cơn mưa chiều thì khoảng cách đó cũng không được xóa nhòa. Một lần nữa cám ơn vì mọi thứ”.
Với tiêu chí tạo ra sự đột phá, mùa biểu diễn của Luala Xuân Hè 2013 thực sự là một sân chơi mở cho các dòng nhạc mang tính chất thể nghiệm, ngẫu hứng đến với công chúng,. Như chia sẻ của Đỗ Ngọc Minh - ông chủ “Luala”, mong muốn của nhà tổ chức và các nghệ sĩ tham gia trong chương trình lần này là tìm tòi sự mới lạ, quảng bá vẻ đẹp ngôn ngữ âm nhạc dân tộc Việt Nam qua các phương thức biểu hiện của những thể loại âm nhạc chính thống, dù là cổ điển hay hiện đại để khán giả dễ đón nhận hơn.“Âm nhạc truyền thống là sản phẩm của chúng ta nhưng cuộc sống hiện đại đòi hỏi cách tiếp cận âm nhạc cũng khác. Vì thế, làm mới âm nhạc dân gian với tinh thần hiện đại, hơi thở hiện đại để khán giả cảm thấy dễ nghe, hào hứng là việc cần làm đầu tiên của chương trình" - ông Minh nói.
Tuy còn 2 buổi diễn nữa mới kết thúc Luala Xuân Hè 2013 nhưng với tinh thần làm nghệ thuật cống hiến cho công chúng, có thể nói, lại một mùa biểu diễn nữa của Luala Concert thật thành công!.
Trước đó, trong buổi diễn đầu tiên của tuần thứ 2 của Luala Concert Xuân Hè 2013, chiều 27/4, Lê Cát Trọng Lý đã xuống đường, phiêu với các tác phẩm du ca mang sắc âm bản địa trong sự hâm mộ nhiệt liệt. Buổi diễn có phần thu hút đông đảo khán giả hơn cả ngày khai mạc (20/4).
Ban nhạc dân tộc "Làng Tôi" xuống phố chiều 28/4 đã cống hiến cho khán giả một buổi diễn thật tuyệt vời! |
Các nhạc sĩ kiêm ca sĩ chơi được rất nhiều nhạc cụ dân tộc. |
Nghệ sĩ Đức Minh biểu diễn khèn tre |
Nhiều khán giả chọn cách ngồi bệt xuống đường cho thoải mái khi thưởng thức âm nhạc đường phố! |
Phút ngẫu hứng thăng hoa cùng dàn nhạc của một khán giả. |
Các nghệ sĩ biểu diễn được rất nhiều nhạc cụ dân tộc |
Xem các nghệ sĩ biểu diễn mới thấy hết thế nào là lao động nghệ thuật! |
Nghệ sĩ Hồng Quang (trái) đang chơi chiêng dây. Drummer Lê Quốc Hưng của ban nhạc Phù Sa cũng hay sử dụng bộ chiêng dây này để giả tiếng mõ ca trù. Còn Hồng Quang thì dùng để gảy tiếng dây. |
Chiêng dây, sáng chế của Tạ Thâm |
Chương trình phải chậm ít phút để các nhân viên căng dù bởi trời trở nên âm u, báo hiệu một cơn mưa sắp tới.... |
Khi mưa ào ào trút nước, các nghệ sĩ vẫn say sưa biểu diễn trong vòng vây của khán giả. Những tiếng vỗ tay hòa nhịp, tán thưởng và cổ vũ của khán giả vang lên không dứt. |
Nghệ sĩ Ưu tú Văn Tý mang lại cho công chúng các làn điệu hát then, chầu văn. |
Tất cả khán giả nín thở khi thưởng tác phẩm "Bảo vệ làng" hoang dại, hùng dũng..., |
Nghệ sĩ ưu tú Minh Trí biểu diễn cồng chiêng |
Trong số khán giả tới xem dàn nhạc dân tộc "Làng tôi" trình diễn chiều 28/4 có khá nhiều người nước ngoài mang con nhỏ theo. |
Các em cũng rất chăm chú thưởng thức âm nhạc cùng cha mẹ. |
Sau hơn 2 giờ trình diễn, cả thời gian trình diễn "khuyến mại" các nghệ sĩ kiêm ca sĩ cũng phải chào tạm biệt khán giả thủ đô. |
Tuy nhiên, phải 4 năm sau, đến năm 2009 mới chính thức ra đời. Đến nay, Làng Tôi đã biểu diễn 7 nước ở châu Âu với hơn 219 buổi và được khán giả đón nhận nhiệt liệt. (Ảnh: nhạc sĩ Việt Kiều Nhất Lý)