Lực lượng sáng tác cho nghệ thuật Chèo đang ở đâu?
VOV.VN - Sự thiếu hụt lực lượng sáng tác cho nghệ thuật chèo đã là trăn trở của nhà quản lý cũng như các đơn vị nghệ thuật chèo.
Đúng như khẳng định của Ban tổ chức Cuộc thi Chèo chuyên nghiệp toàn quốc năm 2013, các vở diễn tham gia cuộc thi lần này không có những vở “kịch cắm lời ca” như ở các hội diễn, cuộc thi sân khấu trước đây. Điển hình như vở chèo “Ông vua hóa hổ” của đoàn chèo Hải Phòng, “Vương nữ Mê Linh” của Nhà hát Chèo Hà Nội... Các vở diễn đã có nhiều sáng tạo trong dàn dựng và biểu diễn. Tác phẩm mượn tích dân gian nhưng đề cập vấn đề thời đại.
Một cảnh trong vở "Vương nữ Mê Linh" của Nhà hát Chèo Hà Nội (Ảnh: B.L) |
Nếu “Ông vua hóa hổ” nói về sự vay mượn sức mạnh hay sự thỏa hiệp với cái xấu để đạt được mục đích cá nhân thì “Vương nữ Mê Linh” lại đề cao tính nhân dân trong chiến tranh cũng như ca ngợi vị nữ anh hùng Trưng Trắc và Trưng Nhị. Tuy nhiên, với 24 vở diễn tham dự Liên hoan, những điểm sáng như “Ông vua hóa hổ” hay “Vương nữ Mê Linh” không phải nhiều.
Có lẽ chính sự thận trọng quá mức trong sáng tạo của các đoàn chèo dẫn tới nhiều vở diễn nhạt nhòa, không có đột phá trong sáng tạo để có thể dấy lên những gây tranh cãi trong giới làm nghề. Nói như nhà viết kịch Nguyễn Đăng Chương, Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn, thành viên Ban tổ chức Cuộc thi sân khấu Chèo chuyên nghiệp toàn quốc năm 2013, sân khấu chèo đang thiếu kịch bản hay, thiếu những đạo diễn có tay nghề để tạo nên những tác phẩm nghệ thuật mang tính đột phá.
Bí kịch bản, nhiều đoàn còn dựng lại những kịch bản có cách đây hàng chục năm trời. Tại cuộc thi năm nay, khán giả dễ dàng nhận ra những cái tên quen thuộc như Tiến sĩ Trần Đình Ngôn, đạo diễn Bùi Đắc Sử, nhà viết kịch Nguyễn Đăng Chương, tác giả Trần Đình Văn… Tiến sĩ Trần Đình Ngôn có 5 tác phẩm, trong đó 3 tác phẩm mới dàn dựng, 2 tác phẩm được dựng lại do các nhà hát không thể tìm được kịch bản ưng ý, phải phục dựng lại.
Tác giả Trần Đình Văn có 4 tác phẩm. Đạo diễn Bùi Đắc Sử cũng chịu trách nghiệm dàn dựng vài vở. Trong khi lực lượng sáng tác kịch bản chèo còn nghèo nàn thì công tác chuyển thể các kịch bản kịch sang chèo là mảnh đất mầu mỡ để các nhà hát chèo khai thác. Ngay cả 2 điểm sáng trong Cuộc thi năm nay là “Ông vua hóa hổ” và “Vương nữ Mê Linh" cũng chuyển thể từ kịch bản của tác giả Lưu Quang Vũ và Nhật Linh. Hai tác phẩm “Nắng quái chiều hôm” và “Đường đua trong bóng tối” của nhà viết kịch Nguyễn Đăng Chương được 3 đoàn chuyển thể…Trong khi đội ngũ có khả năng chuyển thể có tay nghề hiện nay không nhiều.
Nhà viết kịch Nguyễn Đăng Chương chia sẻ: “Người chuyển thể hay nhóm nghiên cứu đang có tình trạng lười sáng tạo. Anh giữ nguyên xi các câu đối thoại của tác giả kịch nói sau đó thêm thắt bài hát, câu nói vào như thế không thể hay được.”
Lẩm nhẩm đếm trên đầu ngón tay những tác giả có khả năng viết chèo cũng như chuyển thể chèo hiện nay, nhà viết kịch Trần Đình Ngôn cho rằng sân khấu chèo hiện nay có xuất hiện một số cây bút trẻ, nhưng chưa có độ tin cậy. Trong khi đó, giải thưởng, huy chương tại các cuộc thi, kỳ liên hoan, hội diễn là thước đo để bình xét danh hiệu cho nghệ sĩ thì việc các đoàn nghệ thuật, nhà hát tập trung đặt hàng các thương hiệu đã được khẳng định là điều dễ hiểu. Bên cạnh đó ở đây còn xuất hiện câu chuyện về lợi ích nhóm. Các đơn vị không muốn chia sẽ lợi ích cho tác giả khác.
“Phải tìm được những người làm chèo để chuyển thể. Trên thực tế, khi chuyển thể một tác phẩm chèo, đơn vị sản xuất luôn đề tên người chuyển thể bên cạnh tên tác giả kịch bản. Tuy nhiên, tác phẩm đã thực sự được chuyển thể chưa hay chỉ mới dặm bài hát? Khắc phục điều này không dễ, đã thế, ở đây còn xuất hiện lợi ích nhóm.” - nhà viết kịch Trần Đình Ngôn cho hay.
Trước thực tế nghèo nàn của đội ngũ sáng tạo, cũng như mong muốn phát hiện những tài năng mới trong sân khấu chèo hiện nay, trong bức tâm thư tiến sĩ Trần Đình Ngôn gửi đến Cục Nghệ thuật Biểu diễn, đơn vị tổ chức Cuộc thi Chèo chuyên nghiệp 2013, trước khi cuộc thi diễn ra có ghi: “Tôi xin không dự xét thưởng về tác giả”.
Bức thư thể hiện trách nhiệm, tâm huyết của người cầm bút vẽ chèo duy nhất hiện nay vừa khiến người ta cảm động vừa khiến xót xa cho cả một ngành nghệ thuật truyền thống. Gánh nặng sáng tác trên vai tiến sĩ Trần Đình Ngôn sẽ được san sẻ nếu như có nhiều tác giả tham gia sáng tác cho chèo. Đã đến lúc các nhà quản lý cũng như đội ngũ làm nghề ngồi lại với nhau hoạch định một tương lai mới cho sân khấu chèo. Sân khấu chỉ sống được khi có lực lượng sáng tạo hùng hậu./.