Mộ và Khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu là Di tích quốc gia đặc biệt
VOV.VN - Mộ và Khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu được Bộ VH-TT&DL cấp Bằng công nhận Khu di tích văn hóa, lịch sử cấp Quốc gia đặc biệt.
Tối 1/7, tỉnh Bến Tre tổ chức kỷ niệm 195 năm Ngày sinh nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu (1/7/1822 – 1/7/2017), 25 năm Ngày hội truyền thống văn hóa tỉnh và đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt cho Di tích lịch sử Mộ và Khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu.
Nguyễn Đình Chiểu, còn gọi là cụ Đồ Chiểu (Sinh ngày 1/7/1822, tại làng Tân Thới, huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định) nay thuộc phường Cầu Kho, quận 1, TP.HCM.
Di tích lịch sử Mộ và Khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu tại xã An Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre được công nhận di tích văn hóa lịch sử cấp Quốc gia đặc biệt |
Ông thi đỗ tú tài năm 1843. Đến năm 1849 đang ở Huế chờ khoa thi Hội, được tin mẹ mất ông về chịu tang. Vì khóc thương mẹ nên 2 mắt bị mù. Sau đó ông mở trường dạy học, làm thuốc và sáng tác thơ văn.
Năm 1859 khi giặc Pháp chiếm thành Gia Định, Nguyễn Đình Chiểu về quê vợ ở Cần Giuộc, tỉnh Long An.
Nhiều áng thơ văn yêu nước của ông được sáng tác trong thời kỳ này rất độc đáo mà tiêu biểu là bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc. Sau khi Cần Giuộc bị Pháp chiếm, ông về sống tại huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre.
Tại đây trước mọi thủ đoạn mua chuộc ông vẫn cương quyết không hợp tác với giặc, tiếp tục dùng thơ văn làm vũ khí góp phần động viên cổ vũ nhân dân chống giặc.
Ông mất ngày 3/7/1888, để lại cho đời một tấm gương sáng ngời về lòng yêu nước, yêu quê hương.
Hiện lăng mộ của ông được xây dựng khang trang tại xã An Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre.
Năm 1990, khu lăng mộ của ông đã được nhà nước công nhận là khu di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
Đến nay, Khu di tích này tiếp tục được Bộ VH-TT&DL cấp Bằng công nhận Khu di tích văn hóa, lịch sử cấp Quốc gia đặc biệt.
Nhân dịp kỷ niệm 195 năm Ngày sinh nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu, từ 1-3/7 tại tỉnh Bến Tre diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, thể thao vui tươi, sôi nổi.
Đặc biệt tại Di tích lịch sử Mộ và Khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu có nhiều hoạt động như: Hóa trang Lục Vân Tiên - Kiều Nguyệt Nga, hội thi mâm cơm ngày giỗ, mâm xôi ngày hội, thi đấu cờ tướng, đẩy gậy, kéo co, nhảy bao bố…. thu hút hàng nghìn lượt người dân xa gần đến tham quan, thưởng lãm./.
Hà Nội: Khởi công dự án xây dựng tuyến phố Nguyễn Đình Chiểu kéo dài
Kỷ niệm 190 năm ngày sinh nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu