Một dấu ấn An Thuyên
Là một nhạc sỹ có nhiều cống hiến với nền âm nhạc nước nhà nhưng NS An Thuyên đã từng được đánh giá là không có năng khiếu âm nhạc.
Nghe cuộc trò chuyện với NS An Thuyên |
Dù bận rộn với nhiều công việc nhưng Thiếu tướng, nhạc sỹ An Thuyên, nguyên hiệu trưởng trường ĐH Văn hóa Nghệ thuật quân đội vẫn hăng say sáng tác, in dấu ấn âm nhạc của mình vào sâu trong lòng công chúng. Ông nổi tiếng với những ca khúc mang đậm chất liệu âm nhạc dân gian ngọt ngào, sâu lắng như: “Ca dao em và tôi”, “Em chọn lối này”, “Huế thương”, “Neo đậu bến quê”…
PV: Cảm hứng về âm nhạc dân gian đã đến với ông từ khi nào?
NS An Thuyên: Tôi sinh ra tại một miền quê ở Nghệ An. Đó là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa, truyền thống cách mạng, thấm đẫm tình đời, con người giản dị mộc mạc có lẽ là nguồn gốc sinh ra âm nhạc của tôi. Gia đình tôi lúc đó có lập một gánh hát cải lương. Bố, các anh các chị đều là người trong gánh hát khi hợp tác xã mới hình thành. Chính chiếc nôi văn hóa, nghệ thuật đó đã nuôi dưỡng tôi từ bé. 11 tuổi, tôi đã cùng gia đình đi biểu diễn khắp nơi. Những làn điệu của dân gian ăn sâu vào máu thịt, hun đúc ra nền âm nhạc dân gian như của tôi hiện nay.
PV: Con đường đến với âm nhạc chuyên nghiệp của ông đến từ khi nào?
NS An Thuyên: Lúc tôi 14 tuổi, trường Âm nhạc Việt Nam có một đoàn giáo viên về tuyển. Tôi cũng cầm sáo đi dự tuyển. Cũng vượt rất nhiều khó khăn để đến với đợt tuyển đó nhưng lại được đánh giá là không có năng khiếu âm nhạc. Phải đến năm 31 tuổi thì tôi mới quay lại được trường Âm nhạc Việt Nam, bây giờ là Học viện Âm nhạc Quốc gia. Sau đó tôi cũng rất may gặp được nhà thơ Trần Hữu Thu và nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong tìm thấy và đưa tôi về sở Văn hóa, được vào đoàn chèo của Nghệ An. Đó là bước đầu tiên được học nghề. 2 năm sau tôi đi biểu diễn với đoàn. Đó là con đường nghệ thuật rất tự nhiên.
PV: Có thể nói nhạc sỹ An Thuyên là một người rất khéo léo và tinh tế khi khai thác, vận dụng các chất liệu âm nhạc dân gian. Vậy, tác phẩm đầu tiên ông đưa chất liệu dân gian vào là tác phẩm nào?
NS An Thuyên: Người ta thường nghĩ bài hát “Em chọn lối này” là tác phẩm đầu tiên của tôi nhưng đó là bài hát đầu
Nghe bài hát Em chọn lối này. Thể hiện: Thu Hà |
PV: Bên cạnh mảng sáng tác ca khúc mang âm hưởng dân gian, thời gian gần đây công chúng thấy một An Thuyên mới lạ hơn, hiện đại hơn trong các ca khúc như “Phật bà nghìn mắt nghìn tay”, “Tình ca mặt trời”, “Biển lạnh”… Vậy đây có phải là một ngã rẽ mới trong chặng đường sáng tác của ông?
NS An Thuyên: Cho đến giờ, có thể điểm lại, âm nhạc của tôi có 3 giai đoạn. Đầu tiên là những bài hát mang đậm chất dân gian ở miền quê Nghệ Tĩnh của tôi. Đó là những bài như “Nối gót anh hùng”, “Em chọn lối này”, “Khi xe tăng qua miền quan họ”… một loạt bài hát xuất xứ từ Nghệ Tĩnh.
Giai đoạn thứ 2 là khi tôi ra Hà Nội, ra thành phố để kiếm con chữ, kiếm kiến thức. Đó là lúc văn hóa Nghệ Tĩnh hòa trộn với văn hóa Bắc Hà, cho ra những tác phẩm như “Neo đậu bến quê”, “Huế Thương”, “Ca dao em và tôi”, “Chú cuội chơi trăng”…
Nghe bài hát Tình ca mặt trời. Thể hiện: Tân Nhàn |
Tôi viết nhiều loại hình ca khúc nhưng nó vẫn thấm cái gì đó của văn hóa Việt Nam. Dù là phong cách nào, cách viết nào, bút pháp thế nào thì tôi nghĩ dấu ấn An Thuyên vẫn rất rõ trong các ca khúc của tôi.
PV: Ba giai đoạn trong sự nghiệp sáng tác của ông để lại một số lượng tác phẩm rất lớn và đa dạng về màu sắc. Nhìn lại quãng đường đã qua, có bao giờ ông cảm thấy ngạc nhiên về năng lực làm việc của mình khi vừa bận rộn với công tác quản lý mà vẫn có thể sáng tác đều đặn, gặt hái được nhiều thành công?
NS An Thuyên: Cho đến bây giờ thì cũng nhiều khi tôi nghĩ, làm sao mà mình lại làm được nhiều việc trong một thời kỳ như vậy. Những tác phẩm hay của tôi mà được công chúng biết đến thì phần lớn là được sáng tác trong thời gian quản lý. Làm song song 2 công việc nhưng tôi thậm chí còn sáng tác được 2 vở nhạc kịch khá thành công, rồi nhạc cho bale, rất nhiều tác phẩm âm nhạc múa, âm nhạc cho phim…
Nghe bài hát Neo đậu bến quê. Thể hiện: Vân Khanh |
PV: Trong nhiều năm trở lại đây, nhạc kịch dường như là mảnh đất bị quên lãng. Ít nhạc sỹ dám dũng cảm đầu tư đứa con tinh thần của mình vào mảnh đất này bởi nhạc kịch Việt Nam còn chưa có vị trí trên sân khấu âm nhạc. Hơn thế nữa, kinh phí dàn dựng lại rất tốn kém. Tuy nhiên, nhạc sỹ An Thuyên lại có một số lượng nhạc kịch rất là đáng kể. Phải chăng đó là những nỗ lực mà ông muốn thực hiện để đưa nhạc kịch trở về với đời sống âm nhạc của công chúng?
NS An Thuyên: Khi viết nhạc kịch thì đúng là lúc âm nhạc chuyên nghiệp Việt Nam gặp phải khó khăn vì sự xâm lấn của nhạc thị trường. Thực ra tôi cũng không phải muốn chứng minh điều gì, đó chỉ là nhu cầu cần phải làm. Trường Văn hóa Nghệ thuật Quân đội Việt Nam muốn vươn lên một đỉnh cao mới trong đào tạo thì trước tiên cần phải có thầy giỏi, nhưng cũng phải có dấu ấn gì đó trong xã hội để đạt được đến tầm cao. Chúng tôi đã bàn nhau và làm được vài vở bale, quyết tâm làm vài vở nhạc kịch để cho các em được học tập. Vì quá trình đào tạo là quá trình thực hành.
Thiếu tướng An Thuyên cùng gia đình |
PV: Làm thế nào để nhạc kịch Việt Nam có thể tìm được chỗ đứng trong đời sống âm nhạc của cộng đồng.
NS An Thuyên: Theo tôi, với nhạc kịch Việt Nam thì cần có 3 yêu cầu. Thứ nhất là học tập nghệ thuật bác học mà những thiên tài của thế giới đã để lại. Thứ 2 là học tập âm nhạc đương đại của thế giới đã tiếp xúc với Việt Nam. Thứ 3 là học tập truyền thống âm nhạc dân gian, các loại kịch hát của âm nhạc dân gian Việt Nam. Mục tiêu cuối cùng là làm thế nào để công chúng Việt Nam tiếp thu được nó và gần gũi với nó như với những loại âm nhạc đã rất thịnh hành.
PV: Nhạc sỹ có thể chia sẻ về dự định âm nhạc của mình trong thời gian sắp tới?
NS An Thuyên: Sắp tới, có thể tôi sẽ ra một album. Trong thời gian quản lý thì tôi không có thời gian để làm việc này. Những năm tới sẽ đi sâu vào những miền mà tôi chưa tới như Tây Nguyên, đồng bằng Nam bộ, Trung bộ. Những miền đất mới, có lẽ sẽ chắp cánh cho âm nhạc của mình bay cao hơn.
PV: Xin cám ơn nhạc sỹ./.