Một thế hệ họa sĩ trưởng thành từ Đổi mới
VOV.VN -Thời Đổi mới, các họa sĩ đã biết chắt lọc những gì tinh túy để tiếp nhận và phản ánh trong tác phẩm, tìm ra con đường xuyên suốt trong tư duy sáng tạo.
Có thể không giới thiệu một cách trọn vẹn những gương mặt họa sĩ có dấu ấn trong chặng đường 30 năm đất nước bước vào con đường đổi mới nhưng triển lãm "Mở cửa" đang diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã ghi nhận sự sáng tạo không ngừng của một thế hệ nghệ sĩ thời kỳ đổi mới. Bằng tác phẩm của mình, họ đã tạo nên một diện mạo mới cho mỹ thuật đương đại Việt Nam: đa dạng về xu hướng và phong cách sáng tác, thể hiện đậm nét dấu ấn cá nhân.
50 họa sĩ quy tụ trong triển lãm "Mở cửa". |
Không chờ đợi đến thời kì đổi mới bắt đầu từ năm 1986, không ít nghệ sĩ đã tự tìm đường đi cho mình, dám từ chối cách vẽ minh họa theo đề tài, ngay ngắn, cân đối về bố cục, màu sắc.....nặng tính tuyên truyền để chấp nhận làm một "tiếng nói khác" trong giới mỹ thuật. Từ những dấu hiệu manh nha cho sự thay đổi ở các họa sĩ tên tuổi như bộ tứ “Nghiêm – Liên – Sáng – Phái”, một số họa sĩ trẻ như Nguyễn Bảo Toàn, Nguyễn Tấn Cương, Đào Châu Hải... đã bắt đầu thể hiện tinh thần tìm tòi hướng sáng tạo mới cho tác phẩm của mình.
Họa sĩ Thành Chương kể lại, ông đã từng chấp nhận "bị kỉ luật", thậm chí bị đình chỉ học tập để trở thành người tiên phong tiếp nhận và phản ánh cuộc sống theo một hướng mới- trường phái trừu tượng. Tranh của ông là sự kết hợp giữa các tông màu, đường nét tương phản, hiện rõ dấu ấn cá nhân.
Họa sĩ Thành Chương.
Họa sĩ Thành Chương cho biết: "Thời nào cũng thế thôi, khó khăn thì muôn vàn. Tất nhiên cũng có những người hoạt động được trong thời kì đó nhưng con số là ít. Và nếu như không có sự mở cửa để rộng đường cho biết bao người cùng bung ra để làm việc, sáng tạo nghệ thuật thì chỉ có số ít cá nhân ấy nhỏ lẻ. Trong thời kì khó khăn ấy vẫn có những cá nhân lặng lẽ, vẫn không được chấp nhận và họ chấp nhận điều đó, trong đó có tôi. Tôi chưa bao giờ có triển lãm mỹ thuật. Chỉ đến khi đổi mới tôi mới được xuất hiện và công nhận".
Bức tranh sơn mài "Tuổi thơ tôi" của họa sĩ Thành Chương. |
Với các họa sĩ nói riêng, đất nước bước vào thời kì Đổi mới cũng là khi tất cả mọi thứ đều vận động, đều trăn trở, chuyển mình. Các triển lãm cá nhân, triển lãm nhóm độc lập ra đời, thừa nhận các yếu tố mới và du nhập các hình thức thể hiện mới của nghệ thuật. Nhờ đó mà có sự ra đời của các hội, nhóm sáng tạo. Nghệ sĩ được tự do và tin cậy hơn trong sáng tạo, không còn tâm lý e ngại trong việc bộc lộ cái tôi của mình. Họa sĩ Lê Thiết Cương nhớ lại: khi mới ra trường, anh và không ít họa sĩ cùng thế hệ đã tự tổ chức triển lãm cá nhân.
"Ngay trước giai đoạn đổi mới, giai đoạn hội họa Việt Nam thời chống Mỹ và thời hậu chiến chỉ có một phương pháp sáng tạo duy nhất được chấp nhận, đó là phương pháp sáng tạo hiện thực xã hội chủ nghĩa. Nhưng chỉ có từ 1986 trở đi, những khuynh hướng đa chiều, đa diện hơn được chấp nhận, bằng chứng là tôi được triển lãm. Triển lãm đầu tiên trong đời tôi là vào tháng 5 năm 1991. Mặc dù có rất nhiều triển lãm rồi nhưng tôi vẫn giữ một quan niệm sáng tác tối giản", họa sĩ Lê Thiết Cương nói.
Khi được bộc lộ cá nhân một cách mạnh mẽ nhất, các nghệ sĩ cũng đã mở lòng đón nhận những xu hướng sáng tạo mới của thế giới. Ví như giữa thập niên 90, họ được tiếp xúc với nghệ thuật sắp đặt, nghệ thuật trình diễn và cuối 90 bắt đầu thực hành với video art.
Không ít họa sĩ trẻ đã tìm đến nhiều con đường cách tân trong nghệ thuật. (Bức tranh "Nắng mùa xuân" của họa sĩ Đinh Thị Thắm Poong). |
Cả đời gắn bó với nghệ thuật gốm, từ năm 1994, họa sĩ Nguyễn Bảo Toàn đã có triển lãm sắp đặt “Đất qua lửa”. Ngoài gốm, ông còn thể hiện tác phẩm trên cát và rơm rạ - những nguyên vật liệu của đồng đất, gắn bó với cuộc sống của cư dân nông nghiệp. Tuy nhiên, lúc bấy giờ còn ít người quan tâm đến nghệ thuật sắp đặt. Vì vậy, khi được mời tham gia triển lãm "Mở cửa", Nguyễn Bảo Toàn có cảm giác như được chạm đến một cái gì đó trong quá khứ của mình. Ông mang đến triển lãm này tác phẩm sắp đặt mang tên "Cầu mưa". Lấy cảm hứng từ câu chuyện cổ tích Cóc kiện Trời, ông khéo léo kết hợp giữa gốm với nước, lửa, rơm và tre để nói lên ước vọng chinh phục thiên nhiên, bắt trời làm mưa. Tác phẩm còn là lời cảnh báo về thảm họa thiên nhiên với môi trường sống của con người.
Họa sĩ Nguyễn Bảo Toàn chia sẻ: "Cũng như nhiều người hỏi: anh làm nghệ thuật bằng cái gì? Tại sao anh lại làm nghệ thuật? Thì tôi bảo rằng: Tôi yêu nghệ thuật và tôi làm nghệ thuật bằng tất cả những gì mình có. Có nghĩa là nghệ thuật đa dạng lắm, nhất là nghệ thuật hiện đại bây giờ. Ngày xưa nói đến hội họa thì chỉ bó gọn trong những tác phẩm trên giá vẽ thôi nhưng nghệ thuật bây giờ được kết hợp nhiều ngôn ngữ- gọi là nghệ thuật đương đại. Tôi cũng thế, tôi cũng muốn kết hợp nhiều ngôn ngữ, chất liệu để tạo nên tác phẩm".
Cho đến bây giờ, nền mỹ thuật Việt Nam đã đa dạng về loại hình, phong cách và thêm nhiều thế hệ mới trưởng thành. Đó là những cái tên còn rất trẻ như: Phạm Bình Chương, Lý Trần Quỳnh Giang, Ly Hoàng Ly, Thái Nhật Minh... Họa sĩ Phạm Bình Chương, từng vẽ theo trường phái trừu tượng nhưng rồi anh lại dần dần chọn Hội họa hiện thực làm đích đến cho mình. Với anh, người thầy của Hội họa hiện thực chính là cuộc sống. Đến với Hội họa hiện thực anh như tìm lại được bản thân mình.
Họa sĩ Trần Trọng Vũ mang đến triển lãm tác phẩm cùng tên với triển lãm - "Mở cửa". Đây là tác phẩm sắp đặt vải nhựa được sáng tác năm 2016. |
Họa sĩ Phạm Bình Chương chia sẻ: "Tại Việt Nam giai đoạn đầu hiện thực mới dừng lại ở mức truyền thần, tức là vẽ làm sao cho giống ảnh, để thay thế những bức ảnh đã cũ. Còn hiện thực bây giờ có nhiệm vụ là "anh muốn nói cái gì đằng sau đó?". Cái mới là sự nhìn nhận của anh về đời sống đương đại bây giờ. Tôi muốn nhìn thực tại như nó đang xảy ra và nó sẽ đi đến đâu".
Lòng đam mê đã nuôi dưỡng con đường nghệ thuật để các họa sĩ đi tìm cho mình tiếng nói mới. Dù khó khăn, dù không ít trở ngại, nhưng đáng mừng là cùng với thành công của sự nghiệp Đổi mới đất nước, nền mỹ thuật nước nhà đã có một lớp họa sĩ dám thay đổi, dám làm những điều khác với cái cũ. Điều quan trọng là từ những cái khác biệt của cuộc sống muôn màu thời Đổi mới, các họa sĩ đã biết chắt lọc những gì là tinh túy để tiếp nhận và phản ánh trong tác phẩm, tìm ra con đường xuyên suốt trong tư duy sáng tạo và xây dựng được một lý thuyết nghệ thuật riêng./.
Chiêm ngưỡng những tác phẩm Mỹ thuật Việt Nam tiêu biểu thời “Mở cửa“