Mùa hoa gạo đơm bông
Hoa gạo rực rỡ làm cho cảnh làng quê ngày xuân thêm ám áp, hoa là màu của khát khao đoàn tụ, của ấm áp sum vầy, của hạnh phúc, sinh sôi.
Mùa xuân với muôn hoa đua sắc, mưa bụi vẫn bay trong lớp lớp thời gian. Bầu trời mênh mang với bảng lảng khói sương, đến cỏ cũng xanh non như mùa xuân thiếu nữ, xanh đến rạng ngời, hoa dại ven đường cũng rạng rỡ mong manh. Nhưng phải đến tháng ba thì mùa xuân quê tôi mới thực sự bắt đầu, bởi trong muôn ngàn sắc xuân ấy không thể thiếu cái màu đỏ diệu kỳ, mê hoặc của mùa hoa gạo đơm bông.
Quê tôi nằm uốn mình bên dòng sông đỏ bầm phù sa. Làng quê hiền hòa từ bao đời vẫn im lìm với những ruộng đồng bờ bãi. Bến sông cuối làng có cây gạo cổ thụ không biết từ bao giờ như người lính gác làng, như một chứng nhân đã đón đưa bao người đi kẻ ở. Làng tôi xưa có nhiều cây cổ thụ, cây đa đầu làng, cây si bên đình, cây gạo cuối làng. Nhưng có lẽ, cây gắn bó với tuổi thơ của tôi nhiều hơn cả là cây gạo cổ thụ bên sông. Bởi kỷ niệm của những ngày thơ ấu bao giờ cũng để lại những dấu ấn khó phai trong tâm trí mỗi người, cho dù đó có thể là những vui buồn, hạnh phúc. Tuổi thơ tôi gắn bó với cây gạo bên sông với bao nỗi nhọc nhằn khốn khó của thời bao cấp nhưng cũng đầy ắp tình yêu thương chở che.
Cây gạo tồn tại hàng trăm năm chứng kiến sự đổi thay của bao thế hệ |
Ngày ngày, khi trời còn sớm tinh sương, tôi đã cùng bà nội ra bến sông chờ đò, hai bà cháu ngồi dưới gốc cây gạo thủ thỉ chuyện trò, chờ đến chuyến để mang hàng qua sông sang bán ở chợ làng bên. Hàng hoá tuy chỉ là những cái rổ, xảo, thúng mủng, những đồ phục vụ cho mùa màng của nhà nông, nhưng đó là phần lớn trong thu nhập của cả gia đình tôi. Ngồi dưới gốc gạo mà tôi thấy ớn lạnh bởi những tối mờ trăng mọi người thường nói có rất nhiều ma trên cây gạo, song có bà bên cạnh, tôi thấy an tâm phần nào. Lâu rồi thành quen, tôi thấy chẳng có gì ngoài vẻ hiền hòa vốn có của nó, cây gạo vẫn trang nghiêm, trầm mặc che chở cho mỗi người dân trong làng.
Cây gạo cổ thụ quê tôi to đến năm người ôm không xuể, từ xa nhìn lại đã nhận ra ngay, thân cây thẳng tắp, tán xòe rộng, quanh gốc cây sù sì, lồi lõm như những vết hằn nhăn nhó của thời gian. Nếu như trên những tầng cao của cây gạo, những cành lá vươn mình mạnh mẽ hứng nắng mưa như chàng lực sĩ thì dưới gốc cây lại hang hốc lồi lõm, gồ ghề như một lão già từng trải. Một sự nối tiếp đến diệu kỳ!
Thú nhất là những kỳ nghỉ hè, lũ trẻ chúng tôi thường quây quần chơi đùa dưới tán lá xanh rợp của cây, ngắm những chùm quả lủng lẳng tròn đầy đu đưa theo gió, mơ màng trong tiếng ve ngân. Thoắt đấy mà đã sang thu, mùa cây thay lá, lại một mùa thu vàng bên bến sông quê, lá gạo rụng tơi bời như những lá thư của trời thả xuống đường quê, xuống bờ sông, bến bãi. Sang đông, cây gạo lại một mình đứng bơ vơ bên bến sông làm bạn với con đò đưa tiễn khách. Cây gạo như người vợ thủy chung bao năm vẫn ngóng đợi tin chồng. Những cành cây khẳng khiu, khô xác vẫn hiên ngang hứng chịu những cơn gió mùa đông bắc thổi về. Tất cả tưởng như khô kiệt, vậy mà khi những cơn mưa phùn nhẹ nhàng thấm qua từng thớ vỏ sù sì rắn đanh kia chợt bùng lên một một sức sống mãnh liệt. Cây gạo đẹp nhất vào mùa đơm bông, đẹp như thiếu nữ thôn quê đến tuổi dậy thì.
Từng đàn én chao nghiêng, chim chóc kéo về ríu ran trên cành hoa gạo. Những nụ hoa chúm chím môi hồng chợt bung ra muôn ngàn ánh lửa làm sáng bừng cả bầu trời quê. Hoa nở đỏ tươi, rạo rực làm cho mỗi bước chân trên mọi ngả đường cũng trở nên rộn rã, những cánh hoa mọng đỏ tràn trề như cánh môi hồng của những bé em trong tiết trời hanh. Hoa đỏ miên man giữa trời xuân, giữa nắng vàng và cỏ biếc. Những chùm hoa in hình xuống dòng sông thành một bức tranh quê tuyệt mĩ.
Không chỉ đẹp ở trên cao, hoa gạo còn đẹp hết mình khi đã về với đất, những đợt gió xuân đã chắp cánh cho những nàng tiên áo đỏ bay lượn một hồi rồi nhẹ nhàng nằm im trên thảm cỏ xanh. Nắng ấm mùa xuân đã lấp lánh tràn về xua đi cái lạnh lẽo của những ngày đông giá. Hoa gạo như một dấu hiệu đầu tiên của ấm áp, sinh sôi của gạch nối giữa mùa xuân sang hạ.
Thú nhất là sau những giờ tan lớp, lũ trẻ con chúng tôi thường tụ tập dưới gốc cây mà ngóng lên trời xanh ngắm nhìn hoa gạo, những đôi mắt trong veo cũng rung động trước vẻ đẹp hiền hòa mà ngất ngây, say đắm. Lũ con trai thì đánh đáo, đánh khăng, lũ con gái thi nhau nhặt hoa chơi bán hàng, chơi làm cỗ… Đôi bàn tay bé nhỏ nâng niu những đóa hoa đỏ rực xếp thành những gian hàng sặc sỡ. Hoa gạo thực sự có sức hút diệu kỳ, nhìn từ xa đã phải chú ý, đến gần phải chiêm ngưỡng, đi rồi còn muốn ngoảnh lại ngắm nhìn tiếc nuối và muốn quay lại lần sau. Hoa gạo rực rỡ hân hoan làm cho cảnh làng quê ngày xuân thêm ám áp, hoa không chỉ là màu đỏ chia ly mà còn là màu của khát khao đoàn tụ, của ấm áp sum vầy, của hạnh phúc, sinh sôi.
Hoa gạo tô điểm cho con đường làng uốn lượn |
Hoa gạo nở, rụng đỏ đường quê cũng là lúc quê tôi vào mùa mở hội. Những chị Đào, chị Liễu, anh Phong… nay đã hóa thân vào chiếu chèo hát đắm say, những người dân chân lấm tay bùn đã trở thành nghệ sĩ: họ đã trở thành những Thị Kính, Thị Màu, Thạch Sanh…
Hoa gạo tần ngần tắt lửa, trống hội chia tay trong niềm nhớ nhung nuối tiếc. Mỗi người lại trở về thực tại để bắt tay vào công việc mới. Thời gian vẫn chảy đều đều, hoa gạo vẫn đỏ rực trời và cháy lên những khát khao như bao mùa vẫn thế. Bên gốc gạo còn là nơi cha mẹ hẹn hò. Mối tình đầu đầy khát khao, mãnh liệt, vẫn còn vương những dại khờ, ngây ngô tuổi nhỏ. Dù không thành nhưng cũng đủ để mỗi khi nhớ về ta vẫn thấy như còn ấm nồng những thao thức tơ vương như những sợi tơ trời bay ra từ quả gạo.
Cùng đi qua những mùa hoa, tôi đã lớn lên, rảo bước nhanh hơn trên những nẻo đường và đem theo trong mình màu đỏ lung linh những mùa hoa kỷ niệm. Bà tôi bước đi ngày một chậm thêm qua những mùa hoa. Những vất vả năm xưa không còn nữa. Tôi và bà không còn ngồi chờ đò vào mỗi sớm mai, nhưng những lo âu không phải không còn.
Bến sông cuối làng, có cây gạo cổ thụ. Những đốm lửa đang rơi, những nàng tiên áo đỏ đang bay (ấy là ngày xưa chúng tôi thường gọi những bông hoa gạo rụng như vậy) đã báo hiệu một mùa xuân nữa sắp trôi qua nhường chỗ cho mùa hạ. Dù có đi qua bao nẻo đường, có gặp bao màu hoa mới lạ, hoa gạo trời quê vẫn mãi là khoảng trời ký ức bình yên đầy lấp lánh, dẫu đi xa vẫn muốn ngoái lại nhìn./.