Nét văn hóa Chăm ở Tháp Bà Ponagar
Trong không gian cổ kính của những tòa tháp sừng sững uy nghiêm thờ Thiên Y A Na Thánh Mẫu vẫn rộn rã những vũ điệu nhịp nhàng của các cô gái Chăm trong tiếng nhạc, tiếng trống…
Trong dịp Festival biển 2009, đến với Tháp bà Ponagar, khách du lịch không những được chiêm ngưỡng những nét kiến trúc đặc sắc của dân tộc Chăm từ thời xa xưa, mà còn được thưởng thức những nét văn hóa Chăm độc đáo, tại vùng đất Nha Trang – Khánh Hòa.
Tiếng trống rộn ràng dưới chân tháp |
Trong không gian cổ kính của những tòa tháp sừng sững uy nghiêm thờ Thiên Y A Na Thánh Mẫu, những vũ điệu nhịp nhàng của các cô gái Chăm trong tiếng nhạc, tiếng trống rộn rã đã níu được không ít bước chân du khách khi ghé thăm Tháp bà Ponagar.
Những vũ điệu khoan thai, nhẹ nhàng của những cô gái Chăm trong bộ trang phục truyền thống cùng xòe quạt, đội nước, hay những điệu múa Apsara mang đậm dấu ấn cung đình thời Chăm Pa cổ đã làm cho du khách phải ngạc nhiên.
Những tiết mục đặc sắc được các nghệ nhân biểu diễn phục vụ du khách |
Anh Rod Orlina, du khách Philippine chia sẻ: “Tôi nghĩ đây là một hoạt động quan trọng để giới thiệu những nét văn hóa truyền thống, để những du khách đến từ nước khác hiểu về văn hóa Việt Nam. Những điệu múa cổ truyền này quả là cách chuyển tải rất tốt. Ở đây tôi còn được xem cách làm đồ gốm, dệt thổ cẩm. Tôi thấy điều đó thật hay”.
Không chỉ trình diễn những tiết mục đậm nét văn hóa truyền thống đặc trưng, các thiếu nữ Chăm còn mời chào du khách cùng tham quan kỹ thuật làm gốm của làng Bàu Trúc nổi tiếng ở Ninh Thuận. Từng công đoạn làm đồ gốm, như nhào đất, tạo hình, phơi, rồi đưa vào nung theo phương pháp cổ truyền đơn giản được các nghệ nhân đến từ làng gốm Bàu Trúc, Ninh Thuận giới thiệu khá tỉ mỉ qua từng cử chỉ, động tác.
Các sản phẩm gốm được làm mà không dùng bàn xoay |
Điều khác biệt so với những cách làm gốm, các nghệ nhân Chăm không dùng bàn xoay nhưng những sản phẩm như bình, lu, nồi đất… vẫn rất tròn đều và đẹp.
Nghệ nhân Trương Thị Gạch (An Phước, Ninh Thuận) cho biết “nghề này mình đã làm lâu rồi, có quý khách nào muốn xem thì mình làm cho họ xem. Nghề này là cha truyền con nối”.
Cô gái Chăm miệt mài bên khung dệt |
Những cô gái Chăm trong trang phục truyền thống cặm cụi bên khung dệt thổ cẩm và những sản phẩm độc đáo được làm từ những khung dệt cần mẫn ấy cũng đã tạo nên một không gian văn hóa truyền thống đặc trưng của người Chăm ở nơi đây. Đến với Tháp Bà, du khách còn tìm hiểu được tục thờ cúng Mẫu ở các địa phương trong tỉnh Khánh Hòa thông qua những hiện vật được trưng bày tại đây.
Tất cả những hoạt động ấy đã giới thiệu một cách chi tiết bản sắc Chăm trên đất Khánh Hòa, giúp cho du khách hiểu hơn về giá trị văn hóa truyền thống của người dân miền biển./.