Ngày Thơ Việt Nam trong con mắt dịch giả quốc tế
Đây không chỉ là sân chơi của những nhà thơ Việt mà mở rộng tới nhiều đối tượng, thể hiện xu thế hội nhập của thơ văn Việt Nam
Ngày 26/2, Hội Nhà văn Việt Nam khai mạc Sân thơ Quốc tế tại Trung tâm Khoa học và Văn hoá Nga. Sân thơ mang tên “Hà Nội với bạn bè gần xa” đã thu hút đông đảo các nhà thơ, dịch giả trong nước và quốc tế.
Việc Ban tổ chức Ngày Thơ Việt Nam tổ chức sân thơ quốc tế chứng tỏ quyết tâm của các nhà văn Việt Nam đẩy mạnh giao lưu văn học với thế giới, đẩy mạnh việc học tập tinh hoa văn học của thế giới. Đồng thời khẳng định Ngày thơ Việt Nam 2010 không chỉ là sân chơi của những nhà thơ Việt mà đã mở rộng tới nhiều đối tượng, thể hiện xu thế hội nhập của thơ văn Việt Nam.
Nhà thơ, dịch giả người Mỹ, bà Fossenbell nói: “Đây là một sự kiện vô cùng có ý nghĩ vì thơ là ngôn ngữ của thế giới. Qua thơ các cộng đồng và dân tộc khác trên thế giới có thể hiểu nhau hơn. Đây cũng là cơ hội để những người làm thơ chia sẻ cảm xúc, tiếng nói của mình nhằm tạo lên một cộng đồng thơ ca”.
Ngày thơ Việt Nam đã dần trở thành một sinh hoạt văn hoá quen thuộc của những người làm thơ và yêu thơ Việt Nam. Do đó, việc tổ chức Sân thơ Quốc tế là một hoạt động văn hoá có ý nghĩa đặc biệt đối với các dịch giả - những người có công quảng bá thơ ca Việt Nam ra nước ngoài và ngược lại.
Dịch giả Phó Thiên Phóng, người đã dịch rất nhiều tác phẩm thơ ca Việt Nam ra tiếng Trung Quốc cho biết: “Việt Nam có những ca khúc, bài thơ tuyệt vời mà thế giới khó sánh kịp. Vì vậy, việc tổ chức này là một cuộc quảng bá lớn, rộng rãi và điều quan trọng nhất giúp người nước ngoài hiều về thơ ca Việt Nam”.
Sân thơ Quốc tế đã khép lại, nhưng dư âm của nó sẽ còn động mãi trong trái tim những người yêu thơ./.