Ngày văn hoá các dân tộc Việt Nam sẽ đậm đà bản sắc

Cộng đồng các dân tộc sinh sống trên đất nước Việt Nam sẽ có một ngày đánh dấu ngày đại đoàn kết các dân tộc - Ngày văn hoá các dân tộc Việt Nam lần đầu tiên 19/4.

Thủ tướng Chính phủ công bố quyết định lấy ngày 19/4 hằng năm là "Ngày văn hoá các dân tộc Việt Nam". Sự kiện này có ý nghĩa quan trọng. Phóng viên Đài TNVN phỏng vấn bà Triệu Thị Nái, Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội về ý nghĩa sự kiện.

** Thưa bà, việc Thủ tướng Chính phủ quyết định lấy ngày 19/4 hằng năm là "Ngày văn hoá các dân tộc Việt Nam" có ý nghĩa như thế nào trong việc củng cố, tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, cũng như tôn vinh bản sắc văn hoá các dân tộc?

Việc làm này cụ thể hoá và thể chế hoá các đường lối, chủ trương, Nghị quyết của Đảng, đặc biệt là NQ TW 5 khoá XIII về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Nghị quyết hội nghị lần thứ 7, BCH trung ương khoá 9 về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, vì mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ và văn minh, về công tác dân tộc và tôn giáo.

Việc tổ chức Ngày văn hoá các dân tộc Việt Nam nhằm mục đích giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc và góp phần vào việc tăng cường củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tôn vinh bản sắc văn hoá dân tộc.

Thông qua việc tổ chức ngày văn hoá này cũng làm cho các dân tộc trong cộng đồng các dân tộc VN tăng cường thêm sự hiểu biết lẫn nhau, đoàn kết giúp đỡ tương thân tương ái, cùng phát triển kinh tế, xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng. Đồng thời đây cũng là dịp tốt để chúng ta tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con các dân tộc trên khắp mọi miền đất nước để nâng cao dân trí, giữ gìn bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá tốt đẹp của dân tộc mình.

** Vậy Ngày văn hoá các dân tộc Việt Nam nên được tổ chức theo hình thức  như thế nào để tương xứng với vị trí, ý nghĩa của ngày này?

Tôi nghĩ rằng nên tổ chức tiết kiệm, tránh lãng phí nhưng phải đạt hiệu quả. Việc tổ chức phải đa dạng, phong phú độc đáo giàu bản sắc tinh hoa văn hoá của các dân tộc anh em.

Đồng thời các nội dung hoạt động cũng phải gắn với các chương trình phát triển phát triển kinh tế, xã hội của đồng bào dân tộc ở mọi miền trong cả nước.

Chúng ta phải tôn trọng phong tục, tập quán của các dân tộc  đặc biệt là các hoạt động xuất phát từ cơ sở. Việc tổ chức lần đầu tiên phải gây được tiếng vang lớn.

Đây là đợt sinh hoạt chính trị, 54 anh em dân tộc trên đất nước Việt Nam cùng tham gia ở một điểm. Phải làm thế nào cho nó thực sự thể hiện được văn hoá, sắc thái của các dân tộc trong một thể thống nhất.  

** Với việc công bố Ngày văn hoá các dân tộc Việt Nam, chúng ta sẽ có điều kiện quan tâm hơn nữa đến đời sống tinh thần cho người dân, đặc biệt là người dân vùng đồng bào dân tộc.  Vậy các cấp, các ngành, các địa phương cần làm gì để thực hiện tốt điều này?

Tôi cho rằng, toàn Đảng, toàn dân, các cấp, các ngành cần tiếp tục nâng cao ý thức và trách nhiệm của mình để tham gia vào sự nghiệp văn hóa nói chung, làm sao để văn hoá trở thành động lực góp phần vào việc thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hoá hiện đại hoá đất nước.

Cần đặc biệt chú ý đến vấn đề nghiên cứu xây dựng và bổ sung để hoàn thiện các hệ thống văn bản pháp luật, các cơ chế chính sách về quản lý và phát triển văn hoá. Có những chính sách để khuyến khích và động viên việc sáng tạo ra các tác phẩm có giá trị cũng như là những chính sách để động viên cá nhân, nghệ nhân, những ngưòi nắm giữ các loịa hình văn hoá dân gian góp phần bảo tồn và phát triển các giá trị văn hoá dân tộc thông qua việc trao chuyền cho thế hệ sau.

Trong thời gian tới chúng ta phải tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm vốn văn hoá vật thể cũng như phi vật thể đề làm sao phục vụ cho nhu cầu của toàn xã hội, nghiên cứu bảo tồn một số làng văn hóa tiêu biểu, lễ hội truyền thống, các làn điệu dân ca, dân vũ đặc sắc, nhất là của các dân tộc ít ngưòi.

Đẩy mạnh giao lưu văn hoá giữa các vùng miền, các dân tộc để tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, thắt chặt tình đoàn kết keo sơn.

Nhà nước cần quan tâm đầu tư, hỗ trợ trang thiết bị để phát triển văn hoá thông tin ở cơ sở, nhất là vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn, giảm bớt sự chênh lệch trong  việc hưởng thụ văn hoá giữa các khu vực.

Phải tăng cường đào tạo về bồi dưỡng, chuyên môn nghiệp vụ và quản lý  nhà nước đối với đội ngũ làm công tác văn hoá, nhất là ở huyện và cơ sở.

- Xin trân trọng cảm ơn bà!/.
Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên