Nghe Giang Trang hát Nhạc Trịnh
Một giọng hát lạ, trong trẻo; một phong cách giản dị, không màu mè… Không lặp lại con đường của những người hát nhạc Trịnh trước đó, Giang Trang cùng với những người bạn của mình thể hiện cảm nhận riêng của họ về nhạc Trịnh
Hai đêm nhạc (28-29/2) mang cái tên “Lênh đênh nhớ phố” tại L’Espace (Trung tâm văn hóa Pháp - Tràng Tiền, Hà Nội) cháy vé từ trước đêm diễn 10 ngày.
Giang Trang trong đêm nhạc “Lênh đênh nhớ phố” tại L’Espace. |
Giang Trang - cái tên dường như còn xa lạ trên sân khấu âm nhạc chuyên nghiệp, nhưng lại là cái tên quen thuộc với giới sinh viên: Kẻ hát nhạc Trịnh “amateur”. Thầm lặng đến với công chúng yêu nhạc Trịnh một cách tự nhiên, giản dị như chính âm nhạc Trịnh Công Sơn; nhưng phải sau 10 năm đứng trên sân khấu nhỏ tại quán Nhạc Tranh - Hà Nội và được các bạn trẻ ghi nhận, cô mới dè dặt cho ra mắt album đầu tiên.
Giang Trang chia sẻ: Trang đang ở độ tuổi đủ lớn để có những cảm nhận, chiêm nghiệm âm nhạc Trịnh Công Sơn một cách sâu sắc (Giang Trang sinh năm 1981 - PV). Được sự động viên của những người đã nghe Trang hát trong nhiều năm qua, album ra đời là một cách để Giang Trang chia sẻ với những người yêu nhạc Trịnh.
Nếu như người nghe luôn đòi hỏi một chất giọng, một kỹ thuật thanh nhạc chắc chắn và bài bản, có lẽ sẽ không được “thỏa mãn” khi nghe Giang Trang hát. Nhưng thật lạ, khi Trang cất tiếng hát trong trẻo: “Mẹ ngồi ru con đong đưa võng buồn đong đưa võng buồn/ Mẹ ngồi ru con mây qua đầu ghềnh lạy trời mưa tuôn…” (Ca dao mẹ), thì cả khán phòng tại L’Espace như lặng đi… Từng giọt nhạc Trịnh thánh thót gieo vào lòng người nghe…
- Để gió cuốn đi - Giang Trang (Lênh đênh nhớ phố)
- Diễm xưa - Giang Trang (Lênh đênh nhớ phố)
- Ru ta ngậm ngùi - Giang Trang (Lênh đênh nhớ phố)
Một giọng hát lạ, trong trẻo; một phong cách giản dị, không màu mè… Không lặp lại con đường của những người hát nhạc Trịnh đi trước, Giang Trang cùng với những người bạn của mình trong ban nhạc, đã tìm một hướng đi khác với cách phối khí theo cách cảm nhận riêng của họ về âm nhạc Trịnh Công Sơn.
Đó là sự gai góc trong ca khúc mang hơi hướng phản chiến “Góp lá mùa xuân”, là âm hưởng của dòng country/rock & roll thể hiện một tinh thần du ca trong “Đời cho ta thế”, là điệu Bossa Nova nhẹ nhàng trong “Mưa hồng”…, làm toát lên được tinh thần lạc quan trong âm nhạc Trịnh Công Sơn. Có lẽ, sự cuốn hút ở một người hát nhạc Trịnh như Giang Trang chính bởi cái sự lạ và không cầu kỳ ấy, đem lại cho người nghe cảm giác thanh thản và nhẹ nhõm.
Từ năm 13 tuổi, Giang Trang bắt đầu học ghi ta cổ điển với mong muốn theo học âm nhạc một cách chuyên nghiệp, nhưng con đường âm nhạc của Trang bị gián đoạn vì lý do riêng. Thi đỗ ĐH Ngoại thương, rồi 5 năm làm ở bộ phận tín dụng của một ngân hàng nước ngoài, 2 năm làm giám đốc đầu tư tại một công ty chứng khoán, đều là những công việc với mức lương cao, nhưng Trang vẫn luôn dành một sự ưu ái cho âm nhạc.
Giang Trang cho rằng, cuộc sống của mình sẽ mất đi sự bình yên nếu như thiếu âm nhạc. Từng từ chối công việc quản lý ở một ngân hàng với mức lương cao để dành thời gian nhiều hơn cho âm nhạc, mà với Trang, đó là sự lựa chọn chứ không phải là sự đánh đổi.
Nhạc Trịnh với Trang như một cuộc chơi, nhưng là một “cuộc chơi” đầy nghiêm túc. Cô đến với nhạc Trịnh một cách mặc nhiên và tình cờ như đến với một người bạn tri kỷ. Dần dần, thêm mỗi tuổi, Trang lại hiểu nhạc Trịnh một cách sâu sắc hơn mà cô coi đó như một sự nâng đỡ, sẻ chia rất lớn để cân bằng đời sống tinh thần, bên cạnh công việc kinh doanh theo đúng ngành học của Trang.
Lần đầu tiên Trang hát nhạc Trịnh tại Nhạc Tranh là năm 2001, tình cờ đúng dịp kỷ niệm 100 ngày nhạc sỹ qua đời. Thế rồi âm nhạc Trịnh Công Sơn ngày càng trở nên gắn bó vào mỗi tuần tại quán cà phê mang đậm không gian nhạc Trịnh ấy, và cho đến bây giờ…
Ra mắt album nhạc Trịnh đầu tay và tổ chức một musicshow do Trung tâm văn hóa Pháp hỗ trợ kinh phí, nhiều người cho đó là bước ngoặt để Trang dấn thân vào con đường ca hát chuyên nghiệp; nhưng với Giang Trang, đó là một cuộc chơi kỹ lưỡng để chia sẻ những gì mình đã có về nhạc Trịnh với những ai đồng cảm; để thấy được sự kỳ vọng và suy đoán của công chúng về mình một cách rõ ràng hơn.
Không thể nói trước có quyết định theo con đường âm nhạc chuyên nghiệp hay không, Giang Trang cho rằng, mình muốn chia sẻ với người nghe hơn nữa về những gì mình đã có với âm nhạc Trịnh Công Sơn mà cô coi đó mãi mãi là một cuộc chơi.
Cô tin vào các giá trị thật mà mình có được khi tìm đến với nhạc Trịnh bằng thái độ lao động nghệ thuật nghiêm túc. Thế là đủ! Và rất nhiều ca sỹ khi hát nhạc Trịnh, đều có những kỷ niệm liên quan tới Trịnh Công Sơn; nhưng với Giang Trang, mối nhân duyên với Trịnh Công Sơn đơn giản nhưng cũng quan trọng nhất là tìm thấy chính mình trong nhạc Trịnh.
Lần đầu tiên đứng trên sân khấu đòi hỏi tính chuyên nghiệp như L’Espace, Trang đã quên lời ca khúc “Vườn xưa” của Trịnh Công Sơn, trong thoáng chốc. Trang lúng túng xin lỗi khán giả và giải thích: "Vườn xưa" là câu chuyện mà nhiều người ở lứa tuổi 30 sẽ tìm thấy mình trong đó, khi chúng ta đã đi qua tuổi thanh xuân, một thời không son phấn, đã tay bế tay bồng…Có lúc nhớ lại quãng đường đã đi qua, hoài niệm lại, và nhận ra những cảm giác rất thanh bình, mộc mạc trong những kỷ niệm cũ... Và những kỷ niệm đẹp đó chợt ùa về khiến Trang bối rối.
Trở về nhà sau đêm nhạc, trong tôi luôn văng vẳng giọng Trang thánh thót: “Người lên tiếng hỏi người có không/ Người đi vắng về nơi bế bồng...”./.