Nghệ nhân Tuồng cung đình cuối cùng của triều Nguyễn

"Dù đã già nhưng tui vẫn muốn đem nghề nghiệp của mình truyền lại cho con cháu. Nhìn nghiệp tổ đang ngày bị mai một dần mà không mần chi được, tui  rất tủi " - nghệ nhân La Cháu tâm sự.

8 tuổi Nghệ nhân La Cháu vào Đại Nội học nghề Tuồng với thầy Quảng Phước và thầy Đội Em. Lúc đầu ông học các vai diễn "Kép con", và  đã rất thành công với vai diễn Trịnh Ấn con của Trịnh Ân trong vở Tuồng "Trịnh Ân". Chính niềm đam mê tuồng ông học được từ trong cung đình nên với gia đình của ông, Tuồng đã trở thành “cái nghiệp” truyền thống. "Không biết hát tuồng thì không phải là con tui", nghệ nhân La Cháu nhấn mạnh.

Trong gia đình ông nhiều người đã thành danh với nghiệp hát tuồng như: NSƯT La Cẩm Vân, nghệ nhân La Nguyên, Đạo diễn La Hùng và hiện nay một người cháu nội của ông là La Tuấn vẫn tiếp tục nối nghiệp.

Theo nghệ nhân La Cháu, để làm tốt công việc của một người diễn viên Tuồng trước hết phải có "Thanh, Sắc, Khí, Thục, Thần". Đây là điều kiện quyết định sự thành bại của một người nghệ sĩ khi dấn thân vào nghiệp diễn.

Nghệ nhân La Cháu và con gái (NSƯT La Cẩm Vân) trong ngày lễ công bố thành lập Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế.

 Nghiệp Tuồng đã để lại cho ông nhiều kỷ niệm vui, bây giờ gặp ai ông cũng kể. Ông nói rằng, những người hát tuồng như ông ngày xưa rất được các ông vua, bà chúa coi trọng, hàng tháng ông và những đồng nghiệp của mình luôn nhận được bổng lộc của triều đình. Hôm nào đoàn diễn tuồng tại Nhà hát Duyệt Thị Đường cho triều đình và các quần thần xem thì hôm đó ai cũng vui, vì chắc chắn hôm đó sẽ có thưởng, bởi vậy ai cũng cố gắng tạo cho mình có một ấn tượng thật tốt đối với những khán giả đặc biệt. Để được biểu diễn tại Nhà hát Duyệt Thị Đường, ngoài những buổi tập chung với đồng nghiệp mỗi diễn viên phải tự rèn luyện cho vai diễn của mình. Hàng ngày, buổi sáng trước khi tập vũ đạo, người diễn viên tự luyện giọng bằng cách chúi đầu vào một cái lu và hét, hát cho đến khi khản giọng mới thôi. Ông nói có hôm chui đầu vào lu và hét hăng quá, tối về nói chuyện với người yêu mà giọng cứ khản như vịt đực.

Sau này khi chế độ quân chủ sụp đổ, tuồng cung đình chuyển sang môi trường diễn xướng khác - phục vụ những khán giả bình dân, nên cách tiếp thị cũng rất đặc biệt như, buổi tối trước khi đoàn biểu diễn thì buổi chiều mỗi diễn viên tự kẻ mặt Tuồng (vai nhân vật mà mình đóng), ngồi trên những chiếc xe xích lô có trống, kèn chạy vòng vòng khắp các đường phố để quảng cáo, giới thiệu vở diễn.

Sau này có thời gian nghệ nhân La Cháu cộng tác giảng dạy tuồng và múa hát cung đình tại Trường Trung học Văn hóa Nghệ thuật Thừa Thiên Huế. Nhiều thế hệ học trò Tuồng của ông đã thành danh và khẳng định được mình như: NSƯT Bạch Hạc, NSƯT Chánh Huế, NS Thanh Long, Diệu Hy, Thu Vân...

Hiện nay, dù đã 98 tuổi nhưng ông vẫn thích diễn, mỗi khi có đài truyền hình muốn quay phim về ông thì ông rất vui, nhưng ông thường nói: "Tui thích đài quay tui biểu diễn hơn là quay tui nói chuyện". Còn nhớ, khi Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Huế quay phim ông diễn vai Phàn Định Công trong vở Tuồng "Sơn Hậu", nhưng phải nghỉ giải lao đến mấy lần. Ai cũng lo ông không diễn tiếp được, nhưng ông nói ông không mệt mà còn rất vui khi được các cháu quan tâm chăm sóc và hỏi nhiều về vai diễn mà ông đang thể hiện. Niềm say mê hát tuồng của ông đã được Nhà nước ghi nhận và phong tặng danh hiệu NSƯT năm 1997.

Khi nói về những gì mà nghệ nhân La Cháu đã đóng góp cho tuồng cung đình Huế, Đạo diễn Trương Tuấn Hải - Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế (người đã lớn lên trong gia đình có bốn đời sống với nghiệp hát tuồng) cho rằng, để bảo vệ và đưa nghệ thuật tuồng cung đình trở lại đỉnh cao là một điều rất khó, bởi môn nghệ thuật này đã chịu nhiều mất mát và phai nhạt từ sân khấu, diễn viên cho đến khán giả. Nhưng chúng ta cần tin tưởng vì chúng ta vẫn còn những “di sản sống” như nghệ nhân - NSƯT La Cháu. Nghệ nhân Tuồng cung đình cuối cùng của triều Nguyễn vẫn đang rất tâm huyết với nghiệp diễn./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên