Nghe phát thanh để “ngắm” pháo hoa đêm giao thừa
Việc thuật lại sinh động những màn trình diễn pháo hoa sẽ gợi lên được cảm xúc cho người nghe khiếm thị.
Hơn 300.000 người khiếm thị tại Australia sẽ được thưởng thức 2 màn trình diễn pháo hoa đẳng cấp thế giới rực rỡ sắc màu vào đêm giao thừa 31/12/2011. Chương trình do Đài NYE2011 – một Đài phát thanh kỹ thuật số đặc biệt của thành phố Sydney phối hợp với kênh FM 2Day thực hiện.
Theo bà Clover Moore, Thị trưởng thành phố Sydney, cứ 5 người tại bang New South Wales thì có một người bị khiếm thị. Trong khi đó, các hoạt động chào mừng năm mới diễn ra ở đây, đặc biệt là chương trình pháo hoa, luôn được coi là sự kiện lớn nhất tại Australia, thu hút 1,5 triệu người đến Cảng Sydney và 2,6 triệu người trên khắp đất nước theo dõi qua truyền hình. Vì thế, thành phố đã cố gắng tìm cách để tất cả mọi người đều có thể tiếp cận được sự kiện mang tầm cỡ thế giới này.
“Chúng tôi muốn đảm bảo rằng những người khiếm thị cũng có cơ hội thưởng thức những màn trình diễn tuyệt vời và hấp dẫn này. Đó là lý do tại sao chúng tôi thiết lập Đài phát thanh kỹ thuật số NYE2011” – Bà Moore nói.
Chương trình pháo hoa đêm giao thừa tại Sydney bao gồm 2 màn trình diễn “Màn pháo hoa gia đình lúc 9h tối”, kéo dài 8 phút; và “Pháo hoa giao thừa” kéo dài 12 phút được chính Tổng đạo diễn chương trình pháo hoa Fortunato Foti tường thuật.
Foti là một dòng họ giàu truyền thống về công nghệ làm pháo hoa, họ bắt đầu công việc pha trộn thuốc súng và hóa chất vào thế kỷ XVIII tại nước Ý. Hiện nay, họ đang cư trú tại Leppington, phía Tây Nam Sydney, và chịu trách nhiệm chương trình bắn pháo hoa đêm giao thừa trên cầu cảng Sydney từ năm 1997. Pháo hoa của họ được làm theo hình dáng các loài hoa, chẳng hạn như thược dược, mẫu đơn và hoa cúc và được chia ra làm 3 loại gam màu chính: màu sắc cổ điển, màu nhạt và các màu lấp lánh.
Tường thuật của Foti sẽ mô tả sinh động về tác động trực quan của pháo hoa khi nổ và kể những câu chuyện về gia đình nghệ nhân làm pháo hoa thuộc thế hệ thứ 7. Theo ông, việc thuật lại những màn trình diễn này gợi lên được cảm xúc, tâm trạng cho người nghe khiếm thị.
Theo điều tra dân số năm 2006, 300.000 người Australia bị khiếm thị và con số này dự kiến sẽ tăng gấp đôi vào năm 2020. Ý tưởng về kênh phát thanh chuyên biệt này đã đem lại niềm vui cho những số phận kém may mắn và là một món quà ý nghĩa cho họ nhân dịp năm mới./.