Nghệ thuật đương đại – gập ghềnh đường đến công chúng
(VOV) -Để nghệ thuật đương đại đến gần hơn cuộc sống người dân, những người làm nghệ thuật đang đi trên con đường nhiều gian khó.
Kết nối những không gian văn hóa khác biệt
Asia Art link là nhóm nghệ sỹ phi thương mại do 2 họa sỹ Trịnh Tuân (Việt Nam) và Ng Bee (Malaysia) khởi xướng. Từ năm 2008 tới nay, nhóm đã tổ chức thành công 4 workshop tại Malaysia, Đài Loan (Trung Quốc) và lần này là Việt Nam.
Không gian sáng tác của các nghệ sỹ mang nét đặc trưng của văn hóa Mường |
Những địa điểm để tổ chức workshop của Asia Art Link khác nhau về nhiều mặt. Như trước đây có lần workshop được đặt ở một làng chài, một trường tiểu học và lần này là tại một bảo tàng tư nhân: Bảo tàng không gian văn hóa Mường ở tỉnh Hòa Bình. Nhưng có một đặc điểm chung là những địa phương diễn ra sự kiện đều là những tỉnh lẻ, những nơi chưa hề được biết đến trên bản đồ nghệ thuật của quốc gia. Mục đích của những người làm sự kiện là tạo ra sự giao lưu văn hóa, nghệ thuật giữa các nghệ sỹ đến từ nhiều nơi trên thế giới, giữa văn hóa truyền thống bản địa và nghệ thuật đương đại. Qua đó giúp người dân địa phương phần nào tiếp xúc với nghệ thuật và công việc sáng tác của các nghệ sỹ.
Sở dĩ Asia Art Link mong muốn thúc đẩy hoạt động nghệ thuật ở các địa phương nhỏ lẻ bởi khoảng cách giữa các địa phương này với các thành phố lớn trong hoạt động sáng tác cũng như thụ hưởng nghệ thuật là rất lớn. Như ở Việt Nam, nghệ sỹ sống ở hai trung tâm lớn là Hà Nội và Sài Gòn vẽ tranh, làm điêu khắc, làm sắp đặt, video art, body art, nghệ thuật đa phương tiện, tham gia workshop trong nước và quốc tế rất dễ dàng. Họ có nhiều điều kiện để bắt nhịp với những trào lưu và hình thức sáng tác thịnh hành trên thế giới, hoạt động của họ có ít nhiều ảnh hưởng tích cực đến đời sống xã hội. Trong khi đó, nghệ sỹ ngoại tỉnh phần đông vẫn xoay quanh những lối sáng tác cũ, gặp nhiều khó khăn trong sự tiếp nhận cái mới cả về hình thức và tư tưởng.
Sự kiện Asia Art Link 4 với tên gọi “Nghệ thuật dưới mái nhà sàn” đã quy tụ được 67 nghệ sỹ đến từ 16 quốc gia và vùng lãnh thổ, không chỉ ở châu Á mà còn từ các nước châu Âu và Mỹ. Đây không phải lần đầu tiên một sự kiện nghệ thuật được tổ chức tại Bảo tàng không gian văn hóa Mường. Năm 2011, sự kiện Đất mường I được tổ chức tại đây với sự tham dự của hơn 30 nghệ sỹ. Những tác phẩm của họ sau đó được trưng bày tại bảo tàng, gây được ấn tượng với khách tham quan, phần nào đưa nghệ thuật đương đại tới gần với người dân các địa phương hơn. Đó là bước khởi đầu tốt đẹp để anh Vũ Đức Hiếu, giám đốc bảo tàng quyết định nhận “đăng cai” sự kiện Asia Art Link 4. Triển lãm trưng bày những tác phẩm sáng tác trong sự kiện sẽ diễn ra từ 26/10-4/11 tại Đại học Văn hóa (Hà Nội).
Làm sao để nghệ thuật đi vào đời sống?
Trong thời gian 10 ngày của workshop, các nghệ sỹ đã cùng ăn ở, sáng tác dưới những mái nhà truyền thống của đồng bào dân tộc Mường trong khuôn viên bảo tàng không gian văn hóa Mường. Các nghệ sỹ trao đổi, học hỏi nhau thông qua công việc hàng ngày và những buổi thảo luận, chiếu phim diễn ra mỗi tối. Trong thời gian này, bảo tàng mở cửa miễn phí cho khách tham quan, khuyến khích họ chiêm ngưỡng các tác phẩm đang trong quá trình hình thành và trao đổi với các nghệ sỹ về công việc sáng tạo của họ. Anh Vũ Đức Hiếu, giám đốc bảo tàng cho biết, với những mục tiêu của Asia Art Link đề ra thì sự kiện nghệ thuật “Nghệ thuật dưới mái nhà sàn” đã thành công khi tạo ra một môi trường giao lưu văn hóa nghệ thuật đa chiều.
Bức tượng cô gái Việt Nam bằng gỗ mít trong quá trình hoàn thiện |
Song để tổ chức được một sự kiện nghệ thuật mang tầm cỡ khu vực như thế những người tổ chức đã gặp không ít khó khăn. Anh Hiếu cho biết Asia Art Link là nhóm nghệ sỹ phi thương mại, những sự kiện tổ chức cũng phi lợi nhuận, chỉ hướng tới những giá trị cho cộng đồng và cả bản thân các nghệ sỹ. Các nghệ sỹ tham gia sự kiện đến từ nhiều nước và vùng lãnh thổ trên thế giới đều tự túc phương tiện di chuyển. Nơi đăng cai sự kiện lo ăn ở cho nghệ sỹ. Chỉ như vậy thôi nhưng cũng là gánh nặng kinh phí không nhỏ, là bài toán đau đầu cho người tổ chức.
Asia Art Link 4 quy tụ đông đảo các nghệ sỹ nhất trong các sự kiện tương tự từ trước tới giờ. Điều đó đồng nghĩa với chi phí cũng tăng cao. Ban tổ chức kêu gọi được một số nhà tài trợ song cũng chỉ như muối bỏ biển vì các sự kiện nghệ thuật đương đại còn ít được quan tâm ở Việt Nam. Mặt bằng hiểu biết và quan tâm của công chúng, người dân địa phương cũng chưa cao nên không chia sẻ được chút nào với ban tổ chức. Các nghệ sỹ từng tham gia những sự kiện trước của Asia Art Link cho biết họ thường được bố trí ở cùng nhà người dân. Những người dân chài ở làng Sasaran, bang Selangor (Malaysia) thường xuyên ủng hộ thực phẩm cho các nghệ sỹ, và khi ra đường họ được chào đón nhiệt tình. Điều này chưa có được ở Asia Art Link 4.
Để giải quyết gánh nặng kinh phí, các nghệ sỹ đã tự nguyện đóng góp phần nào. Họ vui vẻ với điều kiện ăn, ở tương đối đơn sơ. Sau mỗi bữa ăn buffet, mỗi người tự động rửa bát đĩa của mình, xếp vào nơi quy định. Trước khi diễn ra sự kiện, anh Vũ Đức Hiếu đã phải đi vay ngân hàng một số tiền khá lớn mà việc hoàn trả sau này chỉ phụ thuộc vào cá nhân.
Nhà điêu khắc người Tây Ban Nha Miguel Angel Gil thích thú với loại đất theo ông là rất thích hợp cho chế tạo đồ sứ |
Tổ chức ở một nơi khá xa trung tâm, ban tổ chức còn gặp khó khăn với việc cung cấp một số chất liệu, vật liệu sáng tác cho các nghệ sỹ. Mặc dù được đăng ký từ đầu để ban tổ chức chuẩn bị song quá trình sáng tác làm phát sinh nhiều yêu cầu mới. Tất cả những vật liệu này đều phải mua từ Hà Nội chuyển lên. Còn các nghệ sỹ thì gặp nhiều khó khăn với… muỗi và côn trùng vốn có nhiều ở khung cảnh núi rừng của Hòa Bình.
Dù sao thì Asia Art Link 4 cũng đã thành công, với sự hài lòng của ban tổ chức và những người tham gia. Cái khó lớn nhất vẫn còn tồn tại là làm sao để nghệ thuật đi được vào đời sống của đông đảo công chúng, nhất là những người dân ở cách xa trung tâm được thường xuyên hơn./.