Nghệ thuật đương đại Việt Nam khó tiếp cận di sản
(VOV) - Sáng 5/7, tại Đại học Mỹ thuật Hà Nội đã diễn ra Tọa đàm “Nghệ thuật đương đại tiếp cận di sản”.
Tọa đàm là hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án "Nghiên cứu, sưu tầm, quảng bá và phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của di sản đình làng vùng châu thổ Bắc Bộ" do trường Đại Học Mỹ thuật Việt Nam thực hiện trong năm 2012 – 2013. Đây là lần đầu tiên các nghệ sỹ với tư cách là người trong cuộc đã nói lên những suy nghĩ, quan điểm cũng như cách nhìn nhận của mình về nghệ thuật và di sản.
Quá trình toàn cầu hóa đã tạo ra nhiều cơ hội đối thoại giữa các cộng đồng nhưng cũng làm nảy sinh mối đe dọa về sự suy thoái, biến mất và hủy hoại các di sản văn hóa. Dưới tác động tiêu cực của mặt trái hiện tượng toàn cầu hóa, những tín ngưỡng, phong tục, kinh nghiệm, những ngành nghề thủ công, giá trị văn hóa truyền thống có nguy cơ bị mai một thì một trong những vấn đề được nghệ thuật đương đại thế giới quan tâm đề cập đến chính là di sản.
Toàn cảnh buổi tọa đàm "Nghệ thuật đương đại tiếp cận di sản" |
Tuy nhiên, tại buổi tọa đàm, đa phần các nghệ sỹ đều khẳng định rằng Di sản không phải là đề tài được Nghệ thuật đương đại Việt Nam quan tâm. Sự lên ngôi của những loại hình văn hóa nghệ thuật hiện đại khác như âm nhạc, điện ảnh,… đã khiến nghệ thuật đương đại và di sản bị “lép vế”.
Trong thời điểm xã hội Việt Nam có nhiều biến chuyển nhanh về nhiều mặt trong đời sống, mở ra nhiều sự lựa chọn cho nghệ sỹ thực hành nghệ thuật đương đại thì đương nhiên, những đề tài như chủ đề về bạo lực, quyền lực, thân phận, giới tính,…đã hấp dẫn họ hơn, đó là sự lựa chọn mang tính cá nhân của mỗi nghệ sỹ.
Bàn về vấn đề này, họa sỹ Nguyễn Thế Sơn cho biết: “Tôi có thể khẳng định rằng Di sản chưa phải là đề tài được các nghệ sỹ thực hành nghệ thuật thử nghiệm ở Việt Nam quan tâm, thường những vấn đề mang tính ‘đương thời’ của xã hội hiện đại, những mâu thuẫn nảy sinh về hệ giá trị trong thời đại mới sẽ thu hút các nghệ sỹ nhiều hơn”.
Đồng quan điểm đó, họa sỹ Vũ Đình Tuấn nhận định lĩnh vực âm nhạc, sân khấu, múa,… có quan tâm đến vấn đề di sản hơn lĩnh vực mỹ thuật. Tuy nhiên, có thể khẳng định rằng di sản không phải là đề tài được nghệ thuật đương đại Việt Nam quan tâm vì đa phần các nghệ sỹ Việt Nam không thấy rõ giá trị đích thực của di sản trong đời sống tinh thần đương đại. Di sản chỉ được tiếp cận phần bên ngoài – tức là nhìn nhận về mặt “Vật thể” chứ không thấy giá trị “Phi vật thể”.
“Hiện nay, số ít lĩnh vực nghệ thuật đương đại quan tâm đến vấn đề di sản cũng chủ yếu dừng ở khía cạnh bảo tồn, giữ gìn chứ hoàn toàn chưa có sự phát huy, tiếp nối” – Họa sỹ Vũ Đình Tuấn khẳng định.
Sắp đặt video của Nguyễn Trần Nam |
Nhiều ý kiến của các đại biểu cũng khẳng định di sản là bệ đỡ cho sáng tạo nghệ thuật nhưng không có nghĩa là sáng tác nghệ thuật “bắt chước” về hình thức.
Trần Văn Phong – Sinh viên Đại học Mỹ thuật Hà Nội cho rằng: “Vấn đề di sản, những giá trị cũ chưa thực sự thu hút và quan tâm của nghệ thuật đương đại mới. Hoạt động nghệ thuật vẫn mang tính đơn lẻ, bộc phát. Họ quan tâm nhiều hơn đến các đề tài mang tính thời địa, bắt chước vì mục đích thương mại, nhiều nghệ sỹ nóng vội, đôý cháy giai đoạn, bảo thủ, cực đoan và quá trung thành với hội họa giá vẽ, ít chịu tìm tòi, thực nghiệm với các loại hình nghệ thuật mới như Video Art, Sound Art,... hay nói đúng hơn là ngại va chạm”.
Đồng quan điểm này, họa sỹ Vũ Đình Tuấn chia sẻ: “Tôi khẳng định vai trò của giáo dục là cực kỳ quan trọng trong việc đưa di sản và truyền thống vào “bên trong” tinh thần người Việt. Những gì chúng ta làm đơn thuần chỉ là vẻ ngoài mà thôi. Tôi quan niệm truyền thống là ở trong tinh thần chứ không là vẻ bề ngoài”./.