Ngọc Đại tự sự về “Đại - Lâm - Linh”

Tâm sự về nhóm làm việc của mình, nhạc sĩ Ngọc Đại nói: “Chúng tôi cùng nhau sáng tạo chứ không áp đặt sự sáng tạo”.  

Được sự tài trợ từ Quỹ hỗ trợ văn hoá của Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, ngày 18/4 tới, đêm nhạc “Đại - Lâm - Linh” (live-show đã diễn ra thành công trong khuôn khổ Liên hoan nghệ thuật Mùa xuân nước Pháp tháng 5/2008) sẽ diễn ra tại Nhà hát lớn Hà Nội, đồng thời phát hành CD Đại - Lâm - Linh. Ngọc Đại chia sẻ về live-show này cũng như việc ra CD cùng tên.

Chúng tôi cùng nhau sáng tạo

Tôi nói với các bạn (những người tham gia live-show là ca sỹ Thanh Lâm, Linh Dung, nhạc sỹ Nhất Lý, ca sỹ Thuý Hoà... - PV) hãy chơi nhạc với những gì chúng ta quan tâm, hãy chơi rất thật với âm nhạc của mình, với những điều mình mong muốn. Nhạc sỹ Nhất Lý, người quan tâm đến lĩnh vực sáng tạo sân khấu nghệ thuật Việt Nam, đã đưa ra những đóng góp rất thú vị cho âm nhạc của tôi. Tôi rất tin tưởng anh khi giao việc giới thiệu âm nhạc của tôi tới bạn bè thế giới. Tôi muốn những nghệ sỹ tự khám phá, hoàn thiện, đưa những cái buồn, vui của đời vào âm nhạc...

Chúng tôi cùng nhau sáng tạo chứ không áp đặt sự sáng tạo. Tôi luôn nói mục đích này rất rõ ràng, là chúng ta (Ngọc Đại, Thanh Lâm, Linh Dung và các cộng sự... - PV) làm cho chúng ta, có nghĩa không ai là “bầu” của ai cả. Chúng ta cùng chơi nhạc, cùng dâng hiến cho âm nhạc... Bên trong mỗi con người đôi khi có những điều không phải lúc nào cũng muốn nói ra và cũng không phải lúc nào cũng nói được. Tôi không quan tâm nhiều đến hình thức của âm nhạc mà quan tâm đến cái bên trong của âm nhạc, từ ý thức đến vô thức, cái đau đớn nhất ở bên trong con người, những cái mạnh mẽ nhất, điên dại nhất phải được chia sẻ...; những cái mà chúng ta lâu nay muốn giấu đi, giống như một cái kho rác mà lâu nay chúng ta không vứt đi được, thì phải được xả ra...

Ngọc Đại tự nhận mình là một người điên, kẻ vớ vẩn, nhưng lại khẳng định “Tôi không phải là Đại điên của ngày xưa”, và cũng dễ trở nên xúc động khi ai đó “đụng chạm” đến âm nhạc của mình... Âu cũng là điều dễ hiểu đối với một Ngọc Đại, nhạc sỹ luôn yêu và sáng tác âm nhạc một cách “mê muội” và “điên dại”...

Âm nhạc sẽ không có ý nghĩa nếu không có sự tiếp giáp với con người

Thời đại nào cũng có yếu tố âm nhạc của thời đại đó. Chúng ta không thể so sánh âm nhạc của thời đại này với âm nhạc của thời đại khác, để nói nó hay hay nó dở. Nó đều hay cả nếu ở đó, yếu tố con người được bộc lộ rõ, cảm giác của con người được bộc lộ rõ. Những nhạc sỹ, ca sỹ chơi nhạc ở đây không phải làm cho âm nhạc hay tuyệt mỹ ở phương diện nhạc pop hay nhạc rock..., mà là phương tiện truyền tải cảm giác sống của con người trong đời sống, chứ không thuần tuý chỉ là chuyện hát hay. Ở câu chuyện hát “Đại - Lâm - Linh” người nghe dễ bị vướng ở thói quen nghe nhạc lâu nay là chỉ quan tâm đến hình thức. Âm nhạc chả có ý nghĩa gì nếu không tiếp giáp với con người, không có sự đụng chạm tới con người. Lối biểu cảm ở “Đại - Lâm - Linh” rất phức tạp và đa dạng, biến dạng như thời tiết vậy.

Tôi chưa bao giờ sáng tác…

Tôi đang cố gắng đưa tiếng nói của chúng tôi vào âm nhạc với sự trân trọng truyền thống. Nếu không tôn trọng nhạc truyền thống thì tôi không thể làm âm nhạc được. Tôi chưa bao giờ sáng tác, mà dựa trên âm nhạc dân tộc để làm âm nhạc của mình. Tôi chả nghĩ mình làm âm nhạc để đi ra “nước ngoài nước trong”, mà công chúng trong nước là quan trọng nhất. Giới trẻ rất nhạy cảm. Sau chương trình này, tôi sẽ quan tâm đến giới trẻ thích những gì, chứ tôi không muốn áp đặt hay giáo dục họ bằng âm nhạc của mình...

Tôi vừa lo lắng vừa hy vọng về đêm nhạc vào ngày 18/4 tới. Giá vé 200.000 đồng, 500.000 đồng hay 1 triệu đều không thể bù đắp được công sức chúng tôi bỏ ra trong suốt 3 năm qua. Và thực tế, mức giá so với tình hình kinh tế hiện nay cũng không cao. Có những người yêu âm nhạc của tôi còn thắc mắc sao giá vé thấp thế, tôi đã nói với họ: “Cậu mua hay không mua chả ảnh hưởng gì đến tôi cả, chỉ có... thiệt cho cậu, còn tôi chả vì điều đó mà không sống được”. Tác phẩm nào mới nhất của tôi cũng đã 12 năm. Mới nhất là phổ thơ Vi Thuỳ Linh năm 1998. Nhớ lại hồi làm “Nhật thực 1”, trong một đêm, được trời đất thương, tôi đã phổ nhạc xong 16 bài. Mới hôm trước, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo và nhà thơ Nguyễn Thuỵ Kha giao tập thơ cho tôi thì sáng hôm sau đã ngồi uống rượu khao tôi./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên