Ngọc Khuê với làng lúa, làng hoa

Nhạc sĩ Ngọc Khuê chính là tác giả của bài hát nổi tiếng được nhiều người yêu thích: “Mùa xuân làng lúa, làng hoa”.

Nghe trò chuyện với nhạc sĩ Ngọc Khuê

Ca khúc “Mùa xuân làng lúa, làng hoa” được vang lên vào mỗi dịp xuân về. Bài hát này cũng được Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn trao bằng công nhận và cúp trong lễ tôn vinh những tác phẩm viết về nông thôn hay nhất trong dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.

Bộ Thông tin và Truyền thông cũng chọn “Mùa xuân làng lúa, làng hoa” là một trong 10 bài hát tiêu biểu nhất viết về Hà Nội. Mới đây, nhạc sĩ Ngọc Khuê được vinh dự nhận giải thưởng Nhà nước về Văn học – Nghệ thuật 2012.

PV: Khi nhắc đến nhạc sĩ Ngọc Khuê, người ta nghĩ ngay đến ca khúc “Mùa xuân làng lúa làng hoa”. Theo nhạc sĩ, nhờ đâu mà tác phẩm có được sự thành công như vậy?

NS Ngọc Khuê: Đài TNVN là nơi đầu tiên phát ra những bài hát của tôi đến với quần chúng như bài “Mùa xuân làng lúa, làng hoa”. Ca khúc được thu vào năm 1981 và cũng ngay trong mùa xuân năm ấy, đã vang lên trên sóng của Đài TNVN với sự thể hiện của ca sĩ Thanh Hoa.

Nếu nói nhờ đâu mà ca khúc lại có sự thành công như vậy, thì tôi phải nói ngay rằng, đó là nhờ khán giả, thính giả, người yêu nhạc trên cả nước. Họ đã chắp cánh cho ca khúc được bay xa, vang xa và đọng lại trong lòng người nghe. Còn về phía tác giả, đó cũng là may mắn bởi tôi đã viết trúng, viết đúng được sự thật về tình yêu của tôi cũng như của rất nhiều người đối với Hà Nội, với Hồ Tây, với làng hoa, làng trồng lúa xung quanh Hồ Tây. Đó chính là niềm vui, sự đẹp đẽ và tình yêu của người Hà Nội.

NS Ngọc Khuê lúc sáng tác ca khúc "Mùa xuân làng lúa, làng hoa"

PV: Khi viết bài hát này, chắc hẳn nhạc sĩ đã có nhiều cảm xúc khiến cho ông trào dâng tình yêu với quê hương, đất nước?

NS Ngọc Khuê: Đúng vậy! Cảm xúc là cái quan trọng nhất. Nhiều khi, cảm xúc đến lúc nào và đến như thế nào thì không biết được. Có cảm xúc thì sẽ có giai điệu hay, lời ca đẹp, chắp cánh, tạo nên ca khúc mà mọi người chấp nhận được.

PV: Như nhạc sĩ đã chia sẻ, người thể hiện đầu tiên bài hát “Mùa xuân làng lúa, làng hoa” là NSND Thanh Hoa. Đây có phải là giọng hát nhạc sĩ cảm thấy tâm đắc nhất không?

NS Ngọc Khuê: Ca sĩ Thanh Hoa là giọng ca mà tôi rất yêu mến. Không chỉ riêng tôi, mọi khán thính giả đều yêu quý giọng ca Thanh Hoa. Qua một vài ca khúc mà chị thể hiện, tôi thấy giọng chị rất đẹp, mộc mạc, tự nhiên nhưng lại rất đằm thắm.

Khi gửi ca khúc này lên Đài TNVN để thu, tôi cũng hy vọng Thanh Hoa sẽ hát vì giọng chị rất hợp với giai điệu của ca khúc. Rất may, các biên tập viên âm nhạc chấp nhận đề nghị của tôi và ca sĩ Thanh Hoa là người đầu tiên hát bài này. Mặc dù sau đó có nhiều ca sĩ cũng hát ca khúc này nhưng người tạo dấu ấn đầu tiên vẫn là chị Thanh Hoa. Và nhắc đến “Mùa xuân làng lúa, làng hoa”, người ta cũng nghĩ ngay đến NSND Thanh Hoa.

PV: Bên cạnh “Mùa xuân làng lúa, làng hoa”, nhạc sĩ Ngọc Khuê cũng tham gia hưởng ứng một số cuộc vận động sáng tác ca khúc viết về đề tài “tam nông” và đã có những ca khúc được đánh giá cao như “Đất và mẹ”, “Gặp em trên rừng xuống biển”. Vậy, điều gì ở mảng đề tài này đã thu hút ông?

NS Ngọc Khuê: Đề tài nông nghiệp, nông thôn và người nông dân; không chỉ riêng tôi mà rất nhiều nhạc sĩ cũng quan tâm. Chính vì vậy, vừa rồi Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn đã tổ chức cuộc bình chọn tất cả những ca khúc viết về Nông nghiệp và nông thôn hay nhất, từ năm 1946 đến 2010, chọn ra 20 tác phẩm để tôn vinh. Tôi cũng có ca khúc được vinh dự đứng trong bảng bình chọn là “Mùa xuân làng lúa, làng hoa”. Đó là đề tài tôi rất yêu mến.

Nghe bài hát: Mùa xuân làng lúa, làng hoa

Sáng tác: Ngọc Khuê

Thể hiện: Thanh Hoa

PV: Vậy theo nhạc sĩ, cái khó khi viết về đề tài “tam nông” là gì?

NS Ngọc Khuê: Tôi nghĩ, khó là ở chỗ, làm sao cho nó gần gũi với người nghe. Người nghe ở đây là tầng lớp nông dân mộc mạc, giản dị, chân thành nhưng cực kỳ đằm thắm. Tình cảm của họ đối với quê hương, với ruộng đồng, với đất nước rất linh thiêng. Họ rất yêu quý mảnh đất nơi mình sinh ra, lớn lên và xây dựng.

PV: Ngoài mảng sáng tác ca khúc về nông thôn, nhạc sĩ Ngọc Khuê cũng viết về đề tài người lính. Cả cuộc đời nghệ thuật trong quân ngũ với hơn 40 năm khoác màu áo xanh của người lính; nhạc sĩ có nhận xét gì về mảng ca khúc sáng tác về đề tài quân đội hiện nay?

NS Ngọc Khuê: Những sáng tác về người lính thì rất nhiều. Trong kho tàng hơn 300 bài hát của tôi thì có thể nói, hầu hết là tác phẩm viết về người lính. Về đề tài quân đội hôm nay, những người chiến sĩ cách mạng và những chiến sĩ trẻ luôn luôn là đề tài được rất nhiều nhạc sĩ, đặc biệt là những nhạc sĩ trẻ viết. Tôi nghĩ, các nhạc sĩ trẻ cũng có nhiều tham vọng, khát khao và khả năng kỹ thuật… để trang bị, viết ca khúc hay về người lính. Ca khúc hay đó, chính là ca khúc dành cho lớp trẻ sôi nổi, hào hứng, khí thế. Bên cạnh đó, làm thế nào để giữ được nét riêng của những ca khúc truyền thống quân đội từ trước đến nay thì ngay bản thân chúng tôi và các nhạc sĩ trẻ cũng phải lưu tâm để tiếp nối được dòng nhạc truyền thống cách mạng.

PV: Mới đây, nhạc sĩ Ngọc Khuê được vinh dự nhận giải thưởng Nhà nước về Văn học – Nghệ thuật 2012. Ông có cảm nghĩ như thế nào khi Đảng và Nhà nước trao tặng cho ông giải thưởng cao quý này?

NS Ngọc Khuê: Khi được nhận giải thưởng Nhà nước về Văn học – Nghệ thuật năm nay, tôi rất vui mừng, hạnh phúc và cũng cảm thấy may mắn vì những tác phẩm của mình được nhân dân, nhà nước công nhận trong lĩnh vực sáng tác văn học nghệ thuật, đặc biệt là sáng tác âm nhạc. Xin cám ơn tất cả quý vị khán giả, thính giả của các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là Đài TNVN.

Nhưng đồng thời, tôi càng đặt nặng hơn trách nhiệm của người viết. Đó là trách nhiệm mãi mãi, và càng ham muốn sáng tác nhiều hơn nữa, viết hay hơn nữa, gần gũi hơn nữa, làm sao để nhiều khán giả yêu thích hơn nữa những ca khúc viết về đề tài quê hương đất nước nói chung và cho người chiến sĩ nói riêng.

Nhạc sĩ Ngọc Khuê

PV: Thưa nhạc sĩ Ngọc Khuê, cụm 3 tác phẩm đoạt giải thưởng Nhà nước gồm 3 ca khúc là “Mùa xuân làng lúa làng hoa”, “Hạt nắng hạt mưa”, “Tình yêu với người chiến sĩ”. Vậy, lý do gì nhạc sĩ đã chọn 3 tác phẩm này làm tác phẩm tiêu biểu của mình tham dự xét giải thưởng Nhà nước? Hẳn nhạc sĩ rất khó khăn khi lựa chọn 3 trên tổng số hơn 300 ca khúc của mình?

NS Ngọc Khuê: Tôi viết cũng nhiều, đặc biệt là những tác phẩm viết trong quân đội, viết cho bộ đội. Khi lựa chọn những tác phẩm gửi đi xét tặng giải thưởng Nhà nước, tôi đã chọn 3 trong số những tác phẩm tôi tâm đắc và yêu quý.

“Mùa xuân làng lúa, làng hoa” thì đã được rất nhiều người yêu mến. “Hạt nắng hạt mưa” là sự tâm niệm, chắt lọc và trải nghiệm qua những năm tháng nắng mưa, bom đạn, kháng chiến, đấu tranh và xây dựng của người chiến sĩ nói riêng và toàn dân ta nói chung. “Tình yêu với người chiến sĩ”, tôi viết năm 2004, cũng là ca khúc tôi rất tâm đắc bởi ca khúc này viết về bộ đội, người chiến sĩ - những người đã trải qua rất nhiều chiến tranh gian khổ khốc liệt. “Tình yêu với người chiến sĩ” là tình cảm của những người vợ, người con gái đối với những người chiến sĩ ấy. Cả 3 ca khúc đều là tâm huyết của tôi.

PV: Sau khi nhận giải thưởng Nhà nước, nhạc sĩ có dự định gì tiếp theo không?

NS Ngọc Khuê: Vừa qua, tôi cũng hoàn thành một vài tác phẩm viết về nông nghiệp và nông thôn. Sau khi nhận giải thưởng Nhà nước, tôi cũng có ý định tổ chức một đêm nhạc giới thiệu những tác phẩm của mình viết về nông nghiệp, nông thôn, về quê hương và người lính trên quê hương. Chương trình có thể mang tên: “Bài ca xây dựng nông thôn mới”. Đêm nhạc nhằm tri ân, giả nghĩa với quê hương và ca ngợi người nông dân trên chính mảnh đất quê hương của mình.

PV: Xin cảm ơn nhạc sĩ!./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên