Người đầu tiên dịch “Nhật ký trong tù” sang tiếng Pháp

Cách đây 2, 3 năm báo “Tiền phong” - một trong những tờ báo có số lượng phát hành lớn, đã đăng tải một bài báo có tít xếp chữ to, chạy kín bề ngang cả trang: Người tình nguyện vào ngục Bastille dịch “Nhật ký trong tù”(1).

Không hiểu mọi người thấy cái tít bài báo nghĩ thế nào, chứ riêng tôi thì lại “dị ứng” ngay và rất băn khoăn, suy nghĩ mãi. Tôi chưa được đến nước Pháp bao giờ, nhưng qua sách báo tôi cũng được nghe nói đến “Ngục Bastille” đã bị phá từ thời cách mạng dân chủ tư sản Pháp 1789. Còn chăng đây chỉ là di tích lịch sử, có lẽ cũng tựa như nhà tù Hỏa Lò ngày nay ở Hà Nội. Thì cứ nghĩ thế thôi, chứ mình đã được đặt chân đến đất Paris – “Ba lê hoa lệ” – bao giờ đâu.

Tình cờ giở lại cuốn Địa chí huyện Đức Thọ do nhà khoa học Thái Kim Đỉnh chủ biên, Nxb Lao động ấn hành trước bài báo “Tiền phong” hai năm, tôi cũng lại phát hiện ra một câu viết tương tự trong từ mục “Phan Nhuận” – “Đặc biệt, ông làm đơn xin chính phủ Pháp cho vào “ngồi tù” trong ngục Bastille để có thực tế và cảm hứng mà dịch tập thơ Ngục trung nhật ký của Hồ Chủ tịch sang tiếng Pháp…”(2).

Từ đó đến nay đã bao năm rồi cũng chẳng thấy có ai nói lại về những điều viết trên báo, trên sách như tôi đã nêu, vậy thế là ra sao nhỉ? Tôi nhớ là vào đầu những năm 60 thế kỷ qua, khi báo chí thông báo tác phẩm Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh được luật sư Phan Nhuận sống ở Pháp dịch sang tiếng Pháp vừa được nhà Pierre Serghers xuất bản ở Paris vào giữa năm 1963 và cũng thời gian này nhà xuất bản Ngoại văn in lại ở Hà Nội, thì mọi người cũng được đọc bản dịch hai bài viết bằng tiếng Pháp của chính dịch giả Phan Nhuận trong bài giới thiệu sách, “Bản dịch Nhật trung nhật ký xuất bản ở Pháp” của nhà thơ Nam Trân đăng trên tạp chí “Văn học”, trong đó có đoạn trích rõ ràng:

“… Tôi đã tự gợi lên những kỷ niệm thuở bé để tạo lại cái nền cho bối cảnh và để thực hiện những điều kiện tốt nhất về môi trường, tôi nghĩ rằng những tập thơ viết trong nhà tù nếu được đọc và dịch trong nhà tù thì có lợi hơn…”

Vì thế cho nên trong mùa đông 1960 – 1961, tôi đã dịch phần lớn những bài thơ của cụ Hồ Chí Minh trong nhà lao Xăng tê, là nơi mà vì công việc nghề nghiệp tôi thường lui tới. Tôi đã chọn những buổi chiều mưa hay sương mù che phủ hợp với thực trạng tâm lý hơn(3).

Như vậy, trong đoạn viết trên, chính luật sư Phan Nhuận – dịch giả Nhật ký trong tù đã nói rõ: 1. Ông dịch phần lớn những bài thơ của cụ Hồ Chí Minh trong nhà lao Xăng tê. Ở đây không hề nhắc gì đến ngục Bastille và hai cái tên Xăng tê (Sante) và Bastille không thể lẫn lộn làm một được; 2. Ông còn nói rõ: là nơi mà vì công việc nghề nghiệp tôi thường lui tới. Ông là luật sư – việc ông lui tới nhà tù là theo chức trách của mình. Việc gì phải làm đơn cho chính phủ Pháp.

Đi tìm tài liệu để dựng tiểu sử của Phan Nhuận đưa vào công trình Những người dịch nhật ký trong tù của mình, sau này, đã được Nxb Nghệ An xuất bản vào năm 2007, tôi đã tìm đọc Hồi ký của Giáo sư Đặng Thai Mai. Ở đây tôi đã tìm thấy một đoạn viết của giáo sư Đặng Thai Mai cho biết chi tiết hết sức cảm động về Phan Nhuận ngay từ hồi ông còn thơ bé:

“Nhớ lại một lá thư của anh Phan Nhuận gửi cho tôi từ Paris, sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công. Anh Phan Nhuận là người để lại mấy bản dịch tiếng Pháp một số bài thơ trong tập Nhật ký trong tù. Anh cũng đã mất ở Pháp mấy năm nay rồi. Nhưng anh và cậu Tư (4) có những quan hệ gia đình khá thân mật. Còn cuộc gặp gỡ giữa hai chúng tôi ngày bé hồi ấy thì đã được ghi lại trong một lá thư anh ấy gửi cho tôi vào đầu năm 1946, ngày tôi vừa được cử làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục trong chính phủ Liên hiệp nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Anh Nhuận hồi ấy sống ở Pháp và từ Paris, anh đã gửi cho tôi một số đề án cải cách giáo dục từ nền tiểu học đến trung học, đại học. Đó là nội dung chính của lá thư mào đầu với mấy câu sau này, mà giờ đây dường như tôi còn nhớ được từng chữ, từng chữ một:

“Cậu M. thân mến

Cậu còn nhớ tôi không? Phan Nhuận đây mà. Cách đây đã gần ba mươi năm, tôi còn là một thằng bé lên bẩy, lên tám. Anh Tư ngồi nơi ở nhà cậu. Thầy mẹ tôi đã gửi gạo cho tôi ở nhà cậu để ra Vinh học. Thế rồi anh Tư thì dạy cậu, ủy cho cậu công việc dạy tôi. Ngay từ giờ đầu cậu đã dạy cho tôi học verbe aimer là yêu. Nhưng cũng ngày hôm đó tôi đã trốn biệt về nhà với mẹ và thế là tôi học chửa xong verbe aimer là yêu. Mấy chục năm nay, tôi vẫn nghiệm ra rằng: Cái verbe ấy khó chia cậu ạ: aimer là yêu…”.

Chú bé Phan Nhuận thuộc “lớp thiếu nhi cả một thời đại, đã sống trong một môi trường đầy rẫy những cảnh tượng lo âu, sợ hãi, nạt nộ, roi vọt của người lớn, thái độ hống hách của bọn hào lý, bọn lính cu lít, bọn quan lại người Nam, người Tây!…” Quê chú ở Đức Lâm, Đức Thọ, Hà Tĩnh. Lớn hơn một chút Phan Nhuận sớm chịu ảnh hưởng của những người yêu nước nơi làng quê, cũng như chính cha chú trong gia đình mình, bản thân sớm giác ngộ, Phan Nhuận đã sớm tham gia phong trào chống thực dân Pháp, rồi gia nhập đảng Tân Việt. Bị chính quyền thực dân đàn áp, Phan Nhuận phải ra nước ngoài. Nhờ người anh trợ cấp Phan Nhuận đã đến Paris theo học và năm 1938 đã có bằng cử nhân luật, đồng thời có thêm bằng cử nhân văn chương và sử học. Sau khi Tuyên thệ luật sư Phan Nhuận được nhận vào Đoàn luật sư Paris ngày 30/11/1938. Sống ở Paris nhưng ông luôn hướng về Tổ Quốc, tham gia tích cực vào phong trào yêu nước của Việt Kiều. Trên cương vị một luật sư Phan Nhuận luôn luôn bênh vực đồng bào mình, với những người lính, thợ thuyền nghèo khó người Việt bị oan ức Phan Nhuận thường đứng ra bào chữa không lấy tiền. Là một luật sư danh tiếng nhưng Phan Nhuận sống một cuộc sống bình dị, không xe hơi nhà lầu xênh xang như nhiều trí thức cao cấp khác.

Sau Cách mạng tháng Tám, năm 1945 luật sư Phan Nhuận đã lên diễn đàn kêu gọi Pháp - Việt đoàn kết, ủng hộ chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong chuyến thăm Pháp của Hồ Chủ tịch, ông đã tham gia tổ chức đồng bào Việt kiều đón tiếp, giúp đỡ phái đoàn chính phủ ta. Bản thân ông đã làm người phiên dịch cho Chủ tịch Hồ Chí Minh trong một số lần cần thiết theo nghi thức ngoại giao. Trong buổi kỷ niệm đầu tiên quốc khánh nước ta, 2/9/1946, được Việt kiều tổ chức tại Paris, có mặt Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông đã thay mặt bà con phát biểu ca ngợi thành công của Cách mạng tháng Tám, sự ra đời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, bày tỏ sự tín nhiệm và lòng trung thành đối với sự nghiệp của dân tộc, với chính phủ, với Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Sau thời gian ngắn ngủi được gần Hồ Chủ tịch, luật sư Phan Nhuận càng tích cực tham gia công tác của phong trào Việt kiều yêu nước. Ông viết nhiều bài giới thiệu Việt Nam, tuyên truyền cho nước Việt Nam mới trên báo chí Pháp, viết nhiều về Chủ tịch Hồ Chí Minh, những bài như Hồ Chí Minh, nhà khổng học hay nhà mácxít, tham gia cả việc dịch và giới thiệu văn học Việt Nam cho bạn bè Pháp và các nước khác. Như trong hồi ký của giáo sư Đặng Thai Mai, Phan Nhuận còn gửi thư từ liên lạc với giới trí thức trong nước, đem những hiểu biết của mình đóng góp vào các chương trình xây dựng đất nước như dự án “Cải cách giáo dục từ cấp một, cấp hai, bậc đại học”. Ông gửi thư cho nhà thơ Nguyễn Đình Thi, khi đó là Tổng thư ký Hội Văn hóa cứu quốc, để đặt mối liên hệ tham gia công cuộc xây dựng nền văn hóa mới của dân tộc, đang được triển khai lúc bấy giờ.

Sau này, khi ở Việt Nam vào cuối những năm 50, phát hiện được bản thảo Nhật ký trong tù của tác giả Hồ Chí Minh, công bố thành sách vào dịp kỷ niệm 70 năm sinh của Hồ Chủ tịch, thì ở Paris, luật sư Phan Nhuận cũng bắt tay vào dịch tác phẩm này sang tiếng Pháp. Là một người từng được học Hán học khi ở trong nước, ở Paris ngoài chuyên môn ngành luật, còn tốt nghiệp bằng cử nhân văn chương và sử học, Phan Nhuận mạnh dạn bắt tay vào nghiên cứu tác phẩm của Hồ Chủ tịch rồi khởi công việc dịch.

Bản dịch sang tiếng Pháp của Phan Nhuận tác phẩm Nhật ký trong tù của Hồ Chủ tịch được thế giới cũng đánh giá cao, qua việc nó đã lập tức được lấy làm căn cứ để một lần nữa nhiều dịch giả ở các nước khác nhau dịch sang tiếng của dân tộc mình. Chẳng hạn, bản dịch của nữ dịch giả Ý Joyce Lussu (1912 – 1998) sang tiếng Ý xuất bản tại Tindalo năm 1967, in lại ở Milan năm 1972, bản dịch sang tiếng Mông Cổ của nhà ngoại giao Mông Cổ Namxrai, lúc đó đang có mặt ở Paris, đưa về nước xuất bản ở Ulan-Bato vào đầu những năm 1960…

Ngoài bản dịch Nhật ký trong tù, Phan Nhuận còn dịch một số tác phẩm thơ dân gian Việt Nam và bắt tay vào dịch cả Truyện Kiều của Nguyễn Du sang tiếng Pháp. Để tiến tới kỷ niệm 200 năm sinh của thi hào Nguyễn Du (1767 – 1967) theo quyết định của UNESCO tôn vinh thi hào vào hàng danh nhân văn hóa thế giới, nhà văn hóa Nguyễn Khắc Viện trong Ban tổ chức Quốc gia đã đề nghị Phan Nhuận dịch lại Truyện Kiều, để có một bản dịch mới sang tiếng Pháp chuẩn hơn ra vào dịp này tặng bạn bè thế giới. Phan Nhuận đã bắt tay ngay vào công việc. Nhưng ông chỉ kịp dịch chừng 100 câu thì căn bệnh hiểm nghèo cắt ngang cuộc đời. Ông ra đi để lại công việc dở dang cho người bạn, người đồng chí của ông – bác sĩ Nguyễn Khắc Viện (1913 – 1997). Và bản dịch do Nguyễn Khắc Viện hoàn tất sau này cũng đã được đánh giá cao.

Như vậy đó, có cần đâu phải gán cho những chi tiết này nọ, riêng cuộc đời lao động bình dị, cuộc sống sôi nổi, nhân hậu và thể hiện tài năng như thế của luật sư Phan Nhuận, có thể còn chưa được biết thật đầy đủ cũng đã đủ cho đời sau ghi nhớ./.
-------------------------------
(1) Báo “Tiền phong”, số 189+190-192, năm 2006
(2) Địa chí huyện Đức Thọ, NXB Lao động, 2004, trang 371-372
(3) Tạp chí “Văn học”, cơ quan lý luận, phê bình nghiên cứu và giới thiệu văn học của Viện Văn học, Ủy ban Khoa học xã hội nhà nước, số 5 năm 1964.
(4) Ở đoạn trên giáo sư Đặng Thai Mai nhắc đến một ông thầy dạy tiếng Pháp của mình thời kỳ giáo sư còn là học sinh ra trọ học ở Vinh./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên