Người nông dân “thổi hồn” vào gỗ

Trong nhà ông Hoàng Văn Tế, ở bất cứ chỗ nào, trên gác, bàn thờ, góc nhà và cả trên giường ngủ, người ta đều thấy những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc.                  

Người ta gọi ông là người “thổi hồn” vào gỗ, bởi ông biết nhặt nhạnh từ gốc tre, nhánh hóp, thanh gỗ để tạo thành con chim, cây đa, sân đình và nhiều tác phẩm điêu khắc mang tính nghệ thuật cao làm đẹp cho đời. Ông chính là lão nông Hoàng Văn Tế, hiện đang sinh sống tại xóm 7, xã Quỳnh Mỹ, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.

Nghệ nhân Hoàng Văn Tế bên những bức tượng

Nghệ nhân “làng”

Chưa từng học qua một khóa đào tạo nào về nghệ thuật điêu khắc, cũng không xuất phát từ bí quyết “gia truyền” của ông cha để lại nhưng những tác phẩm nghệ thuật của ông Hoàng Văn Tế được nhân dân huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An biết đến với hàng trăm bức tượng “biết nói”, phản ánh sinh động đời sống xã hội. Đặc biệt, ông còn có hàng chục tác phẩm đậm tính nhân văn, phản ánh hai cuộc chiến tranh vĩ đại của dân tộc.

Cách đây hàng chục năm, người vợ quá cố của ông ra đi để lại ba đứa con thơ. Ngày đêm thương nhớ vợ và những kí ức hiện tại cứ thôi thúc ông sáng tạo nên một tác phẩm về người vợ quá cố. Và rồi, một bức tượng người phụ nữ tay cầm nón, tay kia bế con thơ với những giọt nước mắt lăn dài trên má ra đời đã khiến nhiều người không cầm được nước mắt khi xem bức tượng.

Để khắc tượng bà mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thứ khi nghe tin người mẹ có 9 người con, cả con trai và con rể hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, ông đã miệt mài ngày đêm hình dung ra nét khắc khổ hằn sâu, nhăn nheo trên đôi má của mẹ để “gửi” vào hồn vào tượng. Tuy nhiên, điều băn khoăn nhất đối với ông Tế là làm thế nào để bức tượng có thể vừa khắc lên sức chịu đựng, đau khổ mà vẫn toát lên được tính bất khuất, kiên cường của bà mẹ Việt Nam. Thế là chỉ ba tháng sau quá trình tự mày mò sáng tác, ông Tế đã cho ra đời tác phẩm với 9 dải khăn tang hòa trong nước mắt, chiếc ngắn, chiếc dài thể hiện cho từng lượt hy sinh của con trai và con rể.

Tượng Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ

Tượng “Nạn nhân đòi công lý” được ông Hoàng Văn Tế thể hiện một cách tinh xảo với những đường nét mà nhìn vào ai cũng biết được đó là bà mẹ sinh ra những đứa con thiếu bộ phận cơ thể như tay, chân do di chứng của chất độc da cam nhưng ánh mắt kiên cường, rắn rỏi nhìn lên bầu trời cao kêu gọi “công lý ở đâu?”.

Phần nhiều tác phẩm điêu khắc được ông Hoàng Văn Tế thể hiện bằng chất liệu gỗ mít, nhưng cũng không ít tác phẩm ông đúc bằng xi măng, thậm chí có bức sử dụng chất liệu đá trắng và gỗ lim.

Ông Hoàng Văn Tế cho biết: “Với tác phẩm bà mẹ Việt Nam Anh hùng, tôi phải dồn tâm huyết cả hàng chục năm trời đẽo, gọt, tìm chất liệu. Có tác phẩm điêu khắc ròng rã 3 năm trời khi quên ăn, lúc quên ngủ và thường ăn cơm nguội, nhưng khi đã ngồi vào khắc thì khó mà đứng dậy được. Đặc biệt, bức tượng “10 cô gái ngã ba Đồng Lộc”, tôi sưu tầm cả những mảnh gốm, gỗ xà cừ thiết kế riêng một tủ chè với hai cánh tủ tự động đóng mở kết hợp lực cơ học để có hình ảnh người con gái Việt Nam mời trầu, đón và tiễn khách…”.

Mong được làm từ thiện

Một lần vị cha xứ nhà thờ công giáo nghe tin ông Hoàng Văn Tế tạc tượng “Đức mẹ đồng trinh” y như thật nên cất công tìm đến tận nhà để chiêm ngưỡng thì mới hay bức tượng của ông mang tính nghệ thuật còn nhiều hơn lời đồn đại. Nhìn vào tượng “Đức mẹ đồng trinh”, vị cha xứ không tin nghệ nhân là người không theo đạo.

Tượng "Nạn nhân đòi công lý"

Ánh mắt sâu thẳm trong veo hiền dịu của Đức mẹ đã khiến cho cha xứ không thể bỏ qua được và tỉ tê ông Tế suốt một ngày trời, xin mua bằng được bức tượng để đặt trong nhà thờ xứ. Còn những vị khách ở tận Hà Nội, Hải Phòng, Đồng Nai cũng tìm đến đặt hàng với số lượng lớn, nhưng ông trả lời: “Những bức tượng tôi tạc đều mang một dấu ấn tâm linh kết hợp lịch sử qua từng giai đoạn nên nó không thể sáng tạo thêm và cũng không thể mang bán để tính tiền kiếm kế sinh nhai”. Tuy nhiên, cũng có người được ông biếu những tác phẩm khi “đọc” được “hồn” của nó.

Người dân đến nhà ông Hoàng Văn Tế chiêm ngưỡng tượng tạc rất đông. Khi khách đến, mặc dù đang bận túi bụi với công việc đẽo, gọt nhưng ông vẫn dừng tay để “thuyết minh” chi tiết từng sản phẩm của mình, mong tìm được một ý nghĩ, một lời bình đúng với “phần hồn” của ông gửi qua bức tượng.

Không chỉ giỏi về điêu khắc mà ngay cả những máy móc, vật dụng phục vụ việc cày bừa, gieo cấy như máy gặt, máy gieo cấy, máy bơm thuốc trừ sâu… cũng được ông Tế, cải tiến làm lợi sức lao động cả hàng trăm ngày công.

Nay đã bước sang tuổi 70, các con đã trưởng thành nhưng ông Hoàng Văn Tế luôn có một ước muốn là tác phẩm về nạn nhân chất độc da cam/dioxin sẽ được các nhà hảo tâm, tổ chức, cá nhân đấu giá để có một khoản tiền ủng hộ cho những mảnh đời bất hạnh./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên