Người sưu tầm sách cũ viết về Hà Nội

Chỉ còn vài ngày nữa Hà Nội sẽ kỷ niệm Thành phố 1000 năm tuổi. Trong cái hối hả của cuộc sống thường nhật, có 1 người con của Hà Nội vẫn đang lặng lẽ gìn giữ, cống hiến tình yêu cho Hà Nội theo cách riêng của  mình : Sưu tầm sách cũ

Kho tri thức trong lòng phố cổ

Ở số 5 phố Bát Đàn, Hà Nội người ta vẫn nhìn thấy ngôi nhà 4 tầng có biển hiệu “Nhà sách cũ”,  đó là Trung tâm lưu trữ của ông Phan Trác Cảnh, người đã có hơn 20 năm sưu tầm sách cũ, sách viết về Hà Nội. Sách hiện diện khắp mọi nơi trong nhà. Tầng 3, nơi làm việc của ông 4 phía là sách.

Ông Cảnh mở hiệu sách cũ từ khi rời trường ĐH Tổng hợp (nay là ĐH KHXH&NV) về nghỉ hưu từ năm 1983. Ngôi nhà cấp 4 cũ đã được xây lên 4 tầng, nhưng không phải để kinh doanh mà làm nơi lưu giữ tri thức. Ông kể rằng, ngày còn đi làm ông đã từng tiếp xúc nhiều với giới trí thức, vậy khi về nghỉ hưu, việc sưu tầm tri thức để phục vụ giới trí thức là một việc đáng làm, ông chọn công việc này cũng vì tâm huyết đó.

Sách hiện diện khắp mọi nơi trong ngôi nhà 4 tầng của ông Cảnh

Nói về quá trình sưu tập sách cũ với niềm tự hào cùng 1 chút suy tư, ông kể thời kỳ đầu tiên là những tháng ngày ông lang thang khắp mọi ngõ ngách của Hà Nội cũng như các tỉnh lân cận. Sách cũ có giá trị ngày đó còn nhiều, việc tìm kiếm có phần dễ dàng hơn.

Cuốn “Nghiên cứu Giáo dục Việt Nam” được ông tìm thấy trong 1 cửa hàng sách cũ khi nó đã từng bị rơi xuống nước, hoen ố nhiều phần nhưng đó là cuốn sách vô cùng giá trị mà sau này nhiều nhà nghiên cứu giáo dục tìm đến tra cứu. Rồi đến những cuốn sách bị mất vài phần ruột, mất bìa… ông đều đưa về lưu giữ để nhiều năm sau mới tìm được phần còn lại; Có cuốn sách 1 nửa số trang là bản in, nửa còn lại là bản photocopy, tuy không đẹp về hình thức nhưng giá trị tư liệu, lịch sử của nó thì không thể kể được.

Trong nhà ông Cảnh còn có cuốn sách viết bằng tiếng Pháp được xuất bản cách đây 140 năm (1867) đó là cuốn “Kỷ niệm về Huế” của Parchichel. Đây được ông xem như 1 “báu vật quý” trong quá trình sưu tầm sách cũ của mình.

Bà Đào Thị Mão, người bạn đời của ông Cảnh luôn bên ông trong công việc hàng ngày

Nhiều người cho rằng việc ông làm là thiếu thực tế, viển vông khi không hiểu hết được giá trị đích thực của sách. Nhưng bên cạnh ông Cảnh vẫn có những người "nghiện" sách khoa học xã hội, đặc biệt là sách địa chí, lịch sử các dân tộc Việt Nam, đều đã không ít lần gõ cửa Nhà sách cũ của ông. Vợ ông, bà Đào Thị Mão, năm nay 76 tuổi, trước đây từng làm cán bộ Ngân hàng khi về hưu lại cùng chồng ngày đêm sưu tầm và lưu giữ sách. Bà chính là người đã hết lòng động viên và ủng hộ ông trong công việc này, đã cùng ông đi qua những tháng ngày gian khó khi nhiều tài sản, tiền bạc đều được huy động để có được những cuốn sách quý.

Tình yêu Hà Nội trong hàng trăm cuốn sách

Hơn 20 năm làm công tác sưu tầm sách cũ, hiện nay ông Cảnh đã có trong tay hàng vạn đầu sách. Theo ông nói, số lượng sách hiện nay phải được tính bằng khối lượng, bảo ông thống kê số lượng thì thật là 1 điều không tưởng.

Tuy nhiên, ông lại có thống kê khá chi tiết về những đầu sách, báo, tạp chí viết về Hà Nội với con số hơn 400 cuốn từ xưa tới nay. Trong số này có cuốn “Chỉ Nam Hà Nội” của Nguyễn Bá Chính, xuất bản năm 1923 là cuốn sách  xưa nhất viết về Hà Nội mà ông có. Ông Cảnh rất quý cuốn sách này bởi nó không chỉ xưa mà còn gần gũi. Nó chỉ dẫn tên phố, tên đường, xen lẫn những tờ quảng cáo xanh, đỏ giới thiệu các hiệu sách, quán ăn, điểm vui chơi, giải trí... Sách tuy mỏng nhưng với ông nó chứa đựng cả một thế giới văn hóa, tính cách của người Hà Nội xưa.

Cầm cuốn “Chuyện Hà Nội” của Vũ Ngọc Phan xuất bản năm 1941, Ông Cảnh giới thiệu cuốn sách này được ông đọc nhiều lần, Vũ Ngọc Phan đã nói đến rất nhiều vấn đề của Hà Nội với những góc khuất sau vẻ phồn hoa của nó.

Ông Cảnh bên giá sách viết về Hà Nội

Kỳ công nhất là trọn bộ “Văn hóa tùng biên”, xuất bản tại Hà Nội trong 3 năm liền từ 1951 - 1954 mà ông phải dành trọn 5 năm tập hợp mới đầy đủ. Ông Cảnh đặc biệt mê thích cuốn sách ảnh chụp Hà Nội hồi năm 1947 - 1954, đã từng có nhiều độc giả trong và ngoài nước săn đón.

Đặc biệt tại giữa phòng làm việc của mình, ông treo trang trọng  tấm Bản đồ Thành phố Hà Nội của Sở địa chính phát hành năm 1958. Ông cho biết, ông còn có 1 tấm bản đồ cổ hơn, phát hành năm 1867, sẽ treo nó trong dịp Đại lễ Hà Nội 1000 năm.

Ông Cảnh tâm sự: “Sách quý trước hết phải có giá trị về nội dung, hơn nữa đó phải là bản in thứ nhất, thậm chí có chữ ký của tác giả  hay số lượng in càng ít càng tốt. Sách cũng có hồn,  sách biết tìm đến người đáng kính hoặc người đáng kính sẽ tìm đến sách”.

 Bản đồ Thành phố Hà Nội của Sở địa chính phát hành năm 1958 được ông Cảnh treo trang trọng giữa phòng
Hà Nội đang bước vào những ngày cận kề đại lễ 1000 năm. Hằng ngày, ngoài đón những người bạn yêu sách thông thường, ông Cảnh còn đón những người nghiên cứu về Hà Nội. Họ tìm, đọc sách, rồi lấy tư liệu để nghiên cứu về Hà Nội 1000 năm. Ông Cảnh tận tình giúp đỡ tìm kiếm và trò chuyện, nêu ý kiến của mình về vấn đề mà họ quan tâm.

Dự định cho tương lai

Khi được hỏi về tiêu chí khi sưu tầm sách báo cũ, ông Cảnh cho biết ông sưu tập theo chủ đề Việt Nam học với các sách báo nghiên cứu về văn hoá, nghệ thuật, giáo dục… Ông đã có bộ sưu tập sách nghiên cứu về văn hoá, tín ngưỡng và phong tục của 63 tỉnh thành trong cả nước, nghiên cứu 54 dân tộc anh em sinh sống trên toàn quốc.

Hướng sắp tới của ông Cảnh sẽ là sưu tầm để hoàn thiện các bộ sưu tập sách nói về các làng nghề với những nghề thủ công truyền thống, những loại hình văn hoá nghệ thuật dân gian…Trong đó ông sẽ chú trọng sưu tầm và lưu giữ không chỉ có sách mà còn tìm kiếm thêm nguồn tạp chí. Theo ông, Tạp chí trước nay không được chú trọng và bị bỏ sót nhưng trong đó lại chứa đựng nhiều thông tin, bài viết, tài liệu nghiên cứu rất có giá trị.

Chia tay ông Cảnh, tiễn tôi là những trăn trở còn vương trên nét mặt ông. Nhiều dự định trong việc sưu tầm gìn giữ sách ông chưa làm được. Hà Nội 1000 năm, thành phố ông yêu quý đã được mở rộng và như thế, việc ông sưu tập sách cho Hà Nội sẽ nhiều thêm lên, ông sẽ còn phải bỏ nhiều thời gian công sức để làm được điều đó./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên