"Người trở về" - Bộ phim chân thực và xúc động
VOV.VN - Phim nhựa "Người trở về" đã gây xúc động lớn, lôi cuốn người xem, khán giả phải ngồi kín lối đi, bệt xuống sàn, sát cả màn ảnh.
Văn học Việt Nam những năm gần đây, khi mọi cuộc chiến đủ độ lùi, bên cạnh tiếp tục khai thác tính anh hùng ca của người lính, đã không né tránh, xới lên những vấn đề nhức nhối thuộc hậu chiến, đòi hỏi Người lính trở về phải tiếp tục vượt lên, không chiến bại. Và, một trong nhiều truyện ngắn giầu tính nhân văn, thuộc dòng văn học chiến tranh của nhà văn Sương Nguyệt Minh: Người về bến sông Châu, lọt vào tầm ngắm của các nhà làm phim quân đội.
Hình ảnh trong phim. |
"Người trở về" công chiếu hơn tuần lễ ở Hà Nội, hai buổi chiếu cuối cùng, khán giả phải ngồi kín lối đi, bệt xuống sàn, sát cả màn ảnh. Đã lâu, lại có phim nhựa, nhà nước đầu tư không quá nhiều (trên 10 tỉ đồng) ở một thể tài gắn với chiến tranh dễ công thức, xáo cũ, lại gây xúc động lớn, lôi cuốn người xem nô nức đến thế! Tại sao lại có hiện tượng điện ảnh như vậy?
Kịch bản phim khá vững, sáng tạo
Chuyện bắt đầu bằng đám cưới của San. Oái oăm sao đúng lúc ấy Mây, người yêu cũ của San, đã báo tử, từ chiến trường bất ngờ trở về. Từ đấy, bao nhiêu điều oái oăm đã xảy ra trong cái làng nhỏ. Quá khứ và hiện tại được đồng hiện, làm rõ câu chuyện tình rất đẹp của đôi trai gái năm xưa, nay thành bi kịch, buộc từng con người tìm cách hóa giải những nỗi niềm. Câu chuyện tình yêu với bao nhiêu quan hệ ở cái làng nhỏ mà văn hóa tập tục thói quen tạo thêm sự oái oăm cho con người được gắn kết, nhắc nhớ một thời kì lịch sử: cuộc chiến chống Mỹ, dài gần hết tuổi thanh xuân...
Kịch bản phim đã có nhiều sự thay đổi so với văn bản văn học. Vài nhân vật mới, nhiều chi tiết mới được thêm thắt và nhấn nhá, để câu chuyện xung đột nhiều chiều. Các nhà làm phim đã có một kịch bản dồn nén các xung đột tới cực điểm, khi không ai khác, chính Mây, người lính trở về đau khổ nhất trong chuyện tình, phải tự chiến thắng bản năng, tình cảm bình thường của con người, bất chấp tất cả dư luận, cả hệ lụy cũ kĩ trong gia đình, văn hóa vốn xưa cũ làng xã Việt, những điều tiếng ..., giữa đêm mưa gió, đến đỡ đẻ cho Thanh, vợ của San mẹ tròn con vuông.
Không xơ cứng bám văn bản văn học, Đặng Thái Huyền và Nguyễn Thu Dung, trên đặc thù của ngôn ngữ điện ảnh tạo ra một kịch bản phim đầy hơn, chuỗi những oái oăm của nhiều mối quan hệ quanh Mây và San, làm truyện rất hấp dẫn. Sự đắp thêm da thịt như vậy, cấu trúc lại khá logich, đã đẩy tới cùng mâu thuẫn, giầu kịch tính, sáng tỏ rõ hơn thông điệp nhà văn đã đưa ra.
Ở ngôn ngữ văn học, cho phép đặt tên truyện ngắn cụ thể, đạt sự gợi vẫn khái quát; ở điện ảnh, tựa đề Người trở về cô đọng, trực tiếp cho phép liên tưởng thẳng đến sự khái quát rộng rãi về cả lớp người trở về khi mà ở nội dung phim, các khuôn hình chật bóng một cái làng ven con sông tên Châu.
Đạo diễn xử lí tinh tế, truyền được cảm xúc lớn
Đồng tác giả kịch bản, là một lợi thế không nhỏ để đạo diễn Đặng Thái Huyền hoàn thành xuất sắc vai trò của mình. Việc chọn diễn viên, phục trang, chọn cảnh và những khuôn hình thể hiện đến kết hợp am thanh và âm nhạc trong phim đạo diễn Đặng Thái Huyền đã dâng hiến một bộ phim rất thành công, chân thực và cảm động, lôi cuốn khán giả từ đầu đến thước phim cuối cùng.
Đã trực tiếp cầm súng, từng chứng kiến nhiều oái oăm hậu chiến, Người trở về làm những người lính như chúng tôi cảm thấy “đúng là mình“ có mặt trong phim. Những trường đoạn nô nức tòng quân, những khốc liệt trong chiến tranh, những tình huống, tâm lí nhân vật ở cái làng Châu trước và sau chiến tranh, đều là kí ức thân thuộc, khá sát với thực tế tôi và bao đồng đội của tôi đã trải qua.
Phim không né tránh những tiêu cực một thời đã có, sự khôn lỏi của một thiểu số trong cuộc chiến một mất một còn... Tất cả những điều ấy đều được dùng với một liều lượng đủ thuyết phục được khán giả tin vào một câu chuyện “như thật“ đã xảy ra. Đây là một điểm rất đáng chú ý, bởi có những bộ phim nhiều kinh phí, nhưng thất bại, khi dựng lại sự thật vẫn nhiều sự giả. Sự giả vì ẩu trong phục trang, đạo cụ, sơ sài chọn, dựng cảnh, nhất là nằm trong tư duy nghệ thuật của biên kịch và đạo diễn cố gắng thi vị hóa không đúng chỗ cuộc chiến đã làm hỏng bản anh hùng ca từng có thật ở cuộc kháng chiến chống Pháp hay đánh Mỹ mà cả dân tộc từng là chứng nhân một thời.
Phim có bốn đoạn nhắc lại chiến tranh, không có hay ít lời thoại của Đặng Thái Huyền, rõ bốn trạng thái tâm lí của Mây, là những trường đoạn không tồi. Sự xử lí của đạo diễn khi chi tiết được nhấn nhá cũng thật bài bản và tinh tế. Ví dụ như nhân vật ông chú không có con trai nối dõi được mở ra trong trường đoạn đầu phim, lại được nhắc lại trong cảnh cuối ở bến đò, khi mâu thuẫn phim đến điểm đỉnh, làm tăng thêm sức nặng của cái kết, lúc đứa trẻ sắp sinh ra. Sự thêm vào nhân vật cô gái điên, cận cảnh cô đốt những hình nộm của người chồng đã hy sinh, đều là những nốt nhấn hình đầy ấn tượng.
Sự xử lí của đạo diễn Đặng Thái Huyền như dẫn, nhiều chủ đích mà không khiên cưỡng, làm mạch phim rất tự nhiên, vừa có tính ước lệ khái quát những vấn đề của một thời kì lịch sử đã qua, tâm lí và trạng thái nhiều mẫu người ở cái làng nhỏ trong phim, cả những tồn dư văn hóa Việt, vừa làm rõ ra cái cao đẹp, đầy trách nhiệm và nhân ái của người lính trở về, tập trung vào nhân vật Mây, khi gần kết phim, hóa giải mọi xung đột, mâu thuẫn khá hợp lí./.