Nhà báo Việt Văn: "Nghệ thuật nhiếp ảnh là nơi tôi trú ẩn"
(VOV) - "Tôi không tin có người lúc nào cũng sung sướng hoan hỉ. Người nào cũng cần một nơi trú ẩn. Và nơi trú ẩn của tôi là nghệ thuật".
Chẳng ai đi thi mà không nghĩ đến giải thưởng
P.V: Có lẽ phải hơn 10 năm rồi, năm nào cũng thấy Trần Việt Văn là chủ nhân của nhiều giải thưởng ảnh hay bằng danh dự của các giải thưởng quốc tế, còn với các cuộc thi trong nước thì có vẻ ít? Vì anh không thích đứng chung sân với các nhiếp ảnh gia trong nước, vì tác phẩm của anh không phù hợp với tiêu chí cuộc thi trong nước hay vì anh thi mà không được giải hay vì....?
Trần Việt Văn: Trước đây, tôi cũng có tham dự một số cuộc thi trong nước và có giải thưởng, gần nhất là năm 2011 với tác phẩm "Báu vật nhân văn sống" đoạt giải nhất cuộc thi và triển lãm ảnh nghệ thuật các di sản thế giới của Việt Nam do Cục Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; Cục Di sản văn hóa; Tổng cục Du lịch, Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam phối hợp tổ chức.
Nhưng quả thực tôi cũng rất hiếm khi dự thi các giải trong nước. Vì nhiều lý do, hoặc không thấy phù hợp, hoặc không thích, có khi vì khó tìm thấy sự công tâm khi nhìn vào thành phần Ban giám khảo, dù tôi cũng nhiều lần tham gia các Ban giám khảo chấm cuộc thi ảnh ý tưởng toàn quốc, chấm “Khoảnh khắc vàng” - Thông tấn xã Việt Nam, tham gia hội đồng chấm sơ khảo giải báo chí quốc gia 3 năm liên tiếp.
Khi tham gia các cuộc thi quốc tế, tôi cảm giác được nhìn nhận, đánh giá khách quan hơn và đa dạng hơn.
Nhà báo - nhà nhiếp ảnh Trần Việt Văn. |
P.V: Chứ không phải vì anh "không thèm đếm xỉa" đến "ao làng"?
Trần Việt Văn: Tôi nghĩ khi đi thi, ai chả mong thắng giải, sau mới là để nhìn lại mình. Chứ nói rằng đi thi để cọ sát thì tôi chả tin. Nếu thấy 2 tiêu chí trên không thể đạt được tốt nhất không nên thi làm gì cả. Nhìn lại nhiều bức ảnh đoạt giải ở các cuộc thi trong nước, cho dù khác nhau về đề tài thì đa phần vẫn thấy có điều gì đó giống nhau, ở cùng một dòng chảy chung: phong cảnh đất nước, con người, xử lý photoshop nhiều, nặng về màu sắc, phô trương mà thiếu nội dung bên trong.
P.V: Để thành công, anh đặt ra cho mỗi tác phẩm của mình phải đạt được những tiêu chí gì?
Trần Việt Văn: Bạn phải kể được một câu chuyện, khơi gợi được cảm xúc của người xem. Và có những "câu chuyện" khiến tôi phải đeo đuổi suốt mấy năm trời, chẳng hạn như "Ký ức", “Đạo và Đời”....
P.V: Có người cho rằng "một bức ảnh đáng giá hơn hàng ngàn lời nói", trở thành nhà báo trước khi trở thành một nhà nhiếp ảnh, anh thấy quan niệm này có đúng không?
Trần Việt Văn: Mỗi công việc đều có cái khó riêng. Có những bức ảnh nổi lên nhờ text và trở nên vô nghĩa nếu không có text. Ví dụ một bức ảnh đăng báo hình một thanh niên dắt con trâu đi chống rét kèm theo chú thích: “Giàng A Páo dắt con trâu cuối cùng đi chống rét” thì rõ ràng nó đánh vào xúc cảm người xem hơn nhiều nhờ vào hai chữ “cuối cùng”. Nếu bức ảnh không có chú thích nhiều khi bij giảm giá trị, còn với ảnh báo chí thì bắt buộc phải có chú thích đầy đủ.
Đừng nói với tôi 2 từ "Đam mê"
P.V: Nhìn vào danh sách những giải thưởng ảnh trong nước và quốc tế mà Trần Việt Văn giành được, hẳn anh phải đam mê...?
Trần Việt Văn: Trong nghệ thuật, tôi rất ghét hai từ này vì "đam mê” thì vô cùng lắm. Có người bạn tôi còn bán cả nhà cửa, xe cộ vì nghệ thuật thì thử hỏi cái đam mê của mình là cái gì mà nói.
P.V: Tài năng thì thường rơi vào trạng thái cô đơn, anh thì sao?
Trần Việt Văn: Nhiều người nói rằng làm nghệ thuật phải cô đơn, nhưng không ai muốn sự cô đơn, hay đi “tiếp thị” sự cô đơn của mình cả. Bản thân suy nghĩ của anh khi khác mọi người đã là cô đơn rồi, một sự riêng tư khó chia sẻ được thì đó là sự cô đơn.
"Câu chuyện cát số 9" của nhà báo - nhà nhiếp ảnh Trần Việt Văn. |
Khác biệt, nhưng phải có điểm chung, để chia sẻ được với công chúng, chứ đừng dị biệt. Nhưng cũng có người thích đi vào sự dị biệt và có thành công. Nhưng cô đơn hay không cô đơn thì nghệ thuật cần phải có yếu tố lãng mạn, nhiều màu sắc và xúc cảm.
Sự đắn đo đôi khi giết chết cảm xúc
P.V: Xem ra, ở tuổi 42, với kinh nghiệm và giải thưởng, nhiếp ảnh gia - nhà báo Trần Việt Văn đang ở độ chín của cảm xúc lẫn tay nghề...?
Trần Việt Văn: Không hẳn vậy đâu. Có những bài viết tôi đọc lại không hiểu sao ngày xưa mình lại viết hay đến thế (so với tôi), nhưng giờ thì khó để viết được như vậy. Khi trẻ có thể kỹ thuật chụp ảnh còn non nhưng lại có sự hồn nhiên và táo bạo. Ít ra tuổi trẻ và sức khỏe cho phép mình có thể... nhảy lên cành cây chĩa ống kính xuống, giờ thì còn phải đắn đo đấy! Sự đắn đo đôi khi giết chết cảm xúc.
P.V: Điều gì khiến anh lo sợ nhất?
Trần Việt Văn: Tôi sợ mình bị rơi vào trạng thái trống rỗng, mất cảm hứng.
P.V: Tuổi 42, cảm xúc của anh giờ tập trung vào điều gì?
Trần Việt Văn: Điều tôi quan tâm nhiều bây giờ là thời gian, sự chuyển động về thời gian. Thời gian giúp mình nhiều và lấy đi của mình nhiều. Nhiều khi nghĩ lại, giá như mình còn trẻ, mình sẽ làm thế này, thế khác... Nhưng ông trời cho mình có thế, nếu mình không vượt được thì phải chấp nhận.
P.V: Trời cho...?
Trần Việt Văn: Tôi tin vào yếu tố trời cho. Dù có học hát khổ luyện đến mấy tôi cũng không bằng... Tùng Dương được. Trời không cho thì cũng đừng cố làm gì. Tôi là người có nhiều nhược điểm, nhưng đừng để ý đến những nhược điểm đó làm gì vì không còn thời gian để sửa chữa mà hãy để đầu óc làm việc khác hiệu quả hơn. Tôi tâm đắc với điều Phật dạy: Hãy biết sống trọn vẹn trong phút giây hiện tại!
P.V: Trong nghệ thuật có 3 đề tài thú vị là chính trị, tôn giáo và sex thì Trần Việt Văn đều có giải lớn ở cả ba. Anh theo đuổi những đề tài này vì nghĩ rằng nó dễ chiếm được tình cảm của công chúng hay vì chính anh bị hấp dẫn?
Trần Việt Văn: Tôi làm trước hết vì nó hấp dẫn chính bản thân mình chứ tôi không quan tâm đến việc nó có hấp dẫn hay không đối với người xem. Đã làm nghệ thuật phải có sự ích kỷ. Làm nghệ thuật đừng bao giờ nghĩ vì đám đông dù ai cũng thích được đám đông chia sẻ, ca ngợi.
P.V: Khách quan nhìn lại, trong số rất nhiều giải thưởng ảnh quốc tế Trần Việt Văn đạt được, có sự may mắn nào không?
Trần Việt Văn: Trong nhiếp ảnh đương đại, những bộ ảnh lớn hơn là những dự án ảnh thường được chú ý đề cao hơn ảnh đơn. Ảnh đơn đôi khi sự may mắn đóng vai trò quyết định. Một dự án ảnh là cả một quá trình khảo sát và thực hiện chứ không có sự may mắn. Phải có ý tưởng, kiên nhẫn, công phu thực hiện và có lúc phải sắp xếp, dàn dựng, và nhiều khi ta tìm được khoảnh khắc trong lúc dàn dựng. Sự may mắn có nhưng không mang tính quyết định.
P.V: Là thành viên BGK cuộc thi ảnh báo chí quốc gia và nhiều cuộc thi ảnh trong nước, anh thường đánh giá cao yếu tố gì trong mỗi tác phẩm?
Trần Việt Văn: Đối với một tác phẩm ảnh nghệ thuật thì phải có tư tưởng. Nhiều người hay bị ngộ nhận giữa ảnh du lịch và ảnh nghệ thuật. Một bức ảnh nếu chỉ đẹp hơn thuần mà không kể được gì, nói được gì với người xem, đem lại sự khác biệt, riêng tư thì chỉ là sự hào nhoáng, phô trương khiến người xem chóng quên.
Ảnh nghệ thuật lại khác, có thể nó không đem lại sự hào nhoáng về mặt thị giác, nhưng đủ sức lưu vào trí nhớ người xem ở sự độc đáo, thú vị, ở việc tạo ra một cuộc đối thoại giữa nghệ sĩ và người xem.
P.V: Trong các cuộc thi ảnh hiện nay, việc sử dụng kỹ thuật photoshop đang bị lạm dụng. Anh nhìn nhận vấn đề này thế nào?
Trần Việt Văn: Đối với dòng ảnh báo chí và ảnh tư liệu rõ ràng không thể lạm dụng photoshop để chỉnh sửa, cắt dán, còn dòng ảnh nghệ thuật thì chẳng ai cấm. Nhiều ý kiến thắc mắc, chê bai ảnh này ảnh kia thuộc dòng nghệ thuật mà photoshop quá, chẳng qua vì ở đó photoshop chẳng để phục vụ một ý tưởng nào cả, chỉ thuần túy là phô trương.
P.V: Còn cá nhân anh thì sao?
Trần Việt Văn:Tôi không giỏi photoshop để thể hiện ý tưởng, nếu có dùng photoshop cũng dùng rất ít, với các lệnh đơn giản nhất, trong tình thế buộc phải thế.
P.V: Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này./.
Trần Việt Văn sinh năm 1971 tại Hà Nội. Hiện là phóng viên Báo Lao động. Từng tham gia các khóa đào tạo nhiếp ảnh do Quỹ tưởng niệm báo chí Đông Dương (IMMF) tổ chức. Từ cuộc triển lãm đầu tiên "Hai giờ, Một ngày..." tại Viện Goeth đến nay, anh đã tổ chức 8 cuộc triển lãm cá nhân: "Đạo và Đời", "Tồn tại hay không tồn tại", "Đứt đoạn và kết nối", "Tướng trận thời bình, Hà Nội - động và tĩnh"...; với nhiều giải thưởng và bằng danh dự quốc tế.
Trần Việt Văn hiện là nhiếp ảnh gia Việt Nam đầu tiên và duy nhất được hãng Win - Initiative (Mỹ) sưu tập ảnh. Hiện anh cũng là nhiếp ảnh gia đầu tiên và duy nhất 4 năm liên tiếp đoạt giải cuộc thi ảnh hàng đầu châu Âu: Giải nhiếp ảnh Paris - Px3 (Pháp), 4 lần đoạt giải IPA (Mỹ), 2 lần liếp tiếp đoạt giải ảnh màu London (Anh)...