Nhà nổi Việt Nam sẽ được xây ở Đan Mạch
VOV.VN - Kiến trúc sư Hans Peter Hagens sẽ sử dụng kết quả nghiên cứu về nhà nổi ở Việt Nam để xây dựng ở Đan Mạch.
Kiến trúc sư người Đan Mạch Hans Peter Hagens giới thiệu về dự án nhà nổi |
Để thực hiện dự án nghiên cứu về nhà nổi ở Việt Nam, kiến trúc sư Hans và đồng sự của anh là nhà nhân học Louise Sylvest Vestergaard, cùng với sự trợ giúp của kiến trúc sư Lý Thái Sơn – giảng viên khoa kiến trúc, Đại học Kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh đã đến nhiều gia đình sống ở những ngôi nhà nổi ở vùng sông Mê Kông và phỏng vấn chi tiết về cuộc sống ở những ngôi nhà nổi và mong muốn của họ.
Sau một tháng rưỡi nghiên cứu tại Việt Nam, kiến trúc sư Hans Peter Hagens nhận thấy nhà nổi Việt Nam có những giá trị độc đáo về nhiều mặt. Qua triển lãm, anh muốn nêu lên giá trị của những ngôi nhà nổi, qua đó làm nổi bật những tiềm năng và các giải pháp xây dựng thân thiện với môi trường có thể áp dụng được trong tương lai tại Đan Mạch và Châu Âu.
Hans Peter Hagens thực tế ở một nhà nổi |
“Đối với nhiều người, nhà nổi rất bình thường nhưng với tôi, những kiến trúc này có một vẻ đẹp rất đáng ngưỡng mộ. Nó có kiến trúc giống như chùa một cột xây ở cạnh lăng” - Kiến trúc sư Hans Peter Hagens bày tỏ.
Khoảng 100 năm về trước, vùng dọc bờ sông Mê Kông không có nhiều đường bộ như thời điểm hiện tại. Đó chính là lí do mà giao thông đường thủy và mua bán, đi lại qua đường sông là một cách thông thương phổ biến.
Với người phương Tây thì việc thông thương như vậy là một điều rất hấp dẫn, đó cũng là điều thôi thúc kiến trúc sư nổi tiếng Đan Mạch đến với Việt Nam và đưa ra những nghiên cứu cũng như những ý tưởng sáng tạo áp dụng cho chính quê hương của ông và các nước Châu Á, Châu Âu khác sau khi được nâng cấp bằng những công nghệ giúp thân thiện với môi trường.
Phác thảo nhà nổi của Hans Peter Hagens |
Kiến trúc sư Hans cũng cho biết: “Khi đồng nghiệp của tôi phỏng vấn về mong muốn của người dân, điều trùng hợp là tất cả mọi người đều trả lời họ mong muốn được lên bờ. Ngoài việc sống trên mặt nước rất thú vị, cũng có thể thấy sống ở những ngôi nhà nổi này cũng có những điều rất bất cập. Chúng ta cần phải nâng cấp điều kiện vệ sinh và cung cấp điện cho họ vì hệ thống vệ sinh không tốt. Tôi nghĩ có rất nhiều giải pháp nâng cấp thân thiện với môi trường mà hoàn toàn có thể áp dụng với những ngôi nhà nổi ở vùng sông Mê Kông”.
Đan Mạch và Việt Nam có những nét tương đồng về khí hậu. Các thị trấn bên dòng kênh của Đan Mạch ở các đô thị hay vùng nông thôn đang gặp phải những thách thức lớn vì xuất hiện nhiều vấn đề do mực nước dâng. Đó cũng đang là vấn đề đáng lo ngại đối với miền nam Việt Nam.
Theo ngài John Nielsen – Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam, những nghiên cứu này không chỉ có ý nghĩa khoa học mà còn mang ý nghĩa thực tế: “Tôi nghĩ đây là một dự án rất ấn tượng. Qua đó có những ý tưởng và biện pháp kỹ thuật có thể áp dụng thực tế ở cả Việt Nam và Đan Mạch. 2 bên có thể chia sẻ kinh nghiệm cũng như tìm ra giải pháp cho nhau”.
Năm 2015, dựa vào kiến trúc nhà nổi tại Việt Nam, kiến trúc sư Hans dự định sẽ triển khai một dự án nhà nổi ở Đan Mạch có tên là Fehmarn Belt, bên cạnh công trình xây dựng đường hầm ngầm kết nối những hòn đảo của Đức với Đan Mạch.
Những nghiên cứu của kiến trúc sư Hans chính là góc nhìn mới về truyền thống định cư và lao động gắn bó với vùng sông nước đáng tự hào của dân tộc Việt Nam. Dự án này còn khẳng định những ưu điểm của phương pháp xây dựng trên mặt nước, từ đó làm nổi bật tiềm năng và phát triển một phương pháp tiếp cận mới cho vấn đề xây dựng thân thiện với môi trường để ứng dụng trong tương lai ở Đan Mạch, Việt Nam và Châu Á./.