Nhà văn Ngô Văn Giá: “Phụ nữ là nguồn cảm hứng sáng tạo của tôi”

VOV.VN -"Hình ảnh về người phụ nữ đi vào trang viết của tôi theo cả chiều nghịch lẫn chiều thuận. Đó là bóng dáng của những người phụ nữ mà tôi thương yêu"

Trong xã hội hiện đại, nhiều người đàn ông vẫn chưa nhìn nhận đúng vai trò của người phụ nữ. Những câu chuyện về bình đẳng giới vẫn còn là một bài toán nan giải.

Nhân dịp 20/10, PV đã có buổi trò chuyện thú vị với một đại diện giới nam - nhà văn Văn Giá về vai trò của người phụ nữ và quyền bình đẳng của họ.



Phụ nữ là nguồn động lực vô tận 

PV: Thưa ông, ông nhìn nhận thế nào về vai trò của người phụ nữ trong xã hội hiện nay? Họ vẫn là “bóng dáng” phía sau sự nghiệp của người đàn ông? 

NV Văn Giá: Nhìn vào sự nghiệp của trí thức văn nghệ sĩ, phần lớn với những người thành đạt thì công của người mẹ, người bạn đời rất lớn. 

Người mẹ như một nguồn động viên vô tận. Trong lúc họ buồn khổ, tuyệt vọng luôn có mẹ nâng đỡ. Trong lúc họ sáng tạo, họ cũng tìm thấy động lực từ mẹ. Thậm chí đề tài sáng tạo cũng được lấy ngay từ bóng dáng của người mẹ. Cho nên, vai trò của người mẹ rất quan trọng. Một trí thức văn nghệ sĩ nếu không có tình yêu, không có gắn bó với mẹ thì tôi tin người đó không làm được gì cả. Bởi vì anh phải yêu từ người thân yêu nhất của mình thì mới hi vọng có được tình yêu đối với cuộc sống và con người. 

Thứ 2 là về người bạn đời. Những nghệ sĩ, những nhà trí thức lớn họ mang ơn người bạn đời của mình ghê lắm! Họ dốc toàn bộ thời gian, tâm lực, trí lực, tâm huyết, xúc cảm của mình vào sáng tạo. Vì thế họ thường…rất vụng và thiếu sự quan tâm, chu đáo đối với những người chung quanh, bổn phận đối với họ hàng, gia đình và xã hội. Khi ấy, người bạn đời thường đứng ra làm hộ, ghé lưng vào cùng san sẻ. Đặc biệt là những công việc sự vụ trong đời sống, người vợ đều đảm đương hết. Có nhiều người vợ còn tham gia vào quá trình sáng tạo, phát minh của những người trí thức, văn nghệ sĩ. Tôi thấy rất nhiều người trong các lời nói đầu thường có những lời kính tặng, dâng tặng những người phụ nữ để tri ân họ.

Ví như nhà văn Vũ Bằng trong các tác phẩm Bốn mươi năm nói láo, Thương nhớ mười hai đều đề tặng mẹ hoặc vợ. Đặc biệt, Thương nhớ mười hai có ghi ngay đầu tác phẩm:  “Thành kính dâng tặng hương hồn Nguyễn Thị Qùy, người bạn chiếu chăn tấm mẳn của tôi.’’

 PV: Thế còn bản thân ông, có bao giờ người mẹ, người vợ trở thành cảm hứng trong các tác phẩm của ông không? Đó là các tác phẩm nào? 

NV Văn Giá: Hình ảnh về người phụ nữ đi vào trang viết của tôi theo cả chiều nghịch lẫn chiều thuận. Đó là bóng dáng của những người phụ nữ mà tôi thương yêu. Họ là nguồn động viên, nguồn cảm hứng, sự sẻ chia trong quá trình sáng tạo của tôi.

Mẹ tôi là một người nông dân thuần túy, bà chỉ được học bình dân học vụ. Bà cũng là người hát ví rất giỏi. Sau này chúng tôi lớn lên không còn được nghe bà hát nữa. Nhưng bà đọc rất nhiều những bài hát đó dưới dạng thơ dân gian cho chúng tôi nghe. Những hình ảnh ấy đã đi vào trang viết của tôi, nhất là các trang viết truyện ngắn. Nhiều truyện tôi có lấy hình ảnh của mẹ. Tiêu biểu có truyện Làm u. Truyện viết về một người đàn bà đông con khi bị những kẻ xấu rắp tâm làm hại, hình ảnh người mẹ như một con gà mẹ xù lông chống trả quyết liệt lũ quạ, diều hâu để bảo vệ tổ ấm của mình. Ngoài ra cũng thấp thoáng đây đó những hình ảnh của người mẹ trong các truyện ngắn khác như Bến Mom, Đêm ở làng, Hạt gạo viết về người mẹ tần tảo sớm hôm nuôi con khôn lớn.

Các tác phẩm có hình ảnh người vợ tôi thường miêu tả theo chiều nghịch. Thường là những hình ảnh đáo để, đanh đá (Cười lớn).Vợ tôi thường đùa rằng: “ Không thấy hình ảnh người vợ nào trong các tác phẩm của anh tử tế, nhân hậu cả. Toàn thấy đáo để, đanh đá, ghê gớm. Hóa ra toàn là đổ tiếng xấu cho vợ ”.  Đương nhiên ai cũng hiểu rằng đó không phải nguyên mẫu.

Bà xã tôi luôn là bạn đọc đầu tiên các tác phẩm của tôi. Nhiều truyện bà xã góp ý rất xuất sắc, buộc tôi phải sửa lại. 

Phụ nữ  - bản thể hài hòa giữa truyền thống và hiện đại 

PV: Nhắc đến người phụ nữ xưa là nói đến “Công, dung, ngôn, hạnh”. Theo ông, ở xã hội hiện đại điều ấy còn phù hợp và mang tính bắt buộc với phụ nữ hay không? 

NV Văn Giá: “Công, dung, ngôn, hạnh” ngày xưa liên quan tới quan niệm truyền thống, có phần tích cực nhưng vô cùng khắc kỉ, nghiêm khắc của Nho giáo. Đến bây giờ, “công, dung, ngôn, hạnh” cũng phải thay đổi để phù hợp với cuộc sống đương đại. Công, là hài hòa giữa công việc xã hội và công việc gia đình nhưng phải có sự chia sẻ của chồng con. Dung, bên cạnh sự thùy mị, duyên dáng thì cũng cần ăn mặc gọn gàng, tác phong năng động, nhanh nhẹn, linh hoạt. Cho nên, mọi chuyện phải có sự thay đổi hài hòa theo cuộc sống. Không thể nào bắt buộc người phụ nữ theo những qui tắc, chuẩn mực như trước đây, như thế là vô lý!  

PV: Người ta thường nói, người phụ nữ hiện đại cần “giỏi việc nước, đảm việc nhà”.  Đây dường như là một “ tiêu chuẩn kép” cho người phụ nữ, khiến họ phải gánh trên vai trọng trách nặng nề nhiều hơn đàn ông? 

NV Văn Giá: “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” mỗi thời được hiểu theo cách khác nhau. Thời chiến, giỏi việc nước là tham gia vào các công việc xã hội nhất là sản xuất để tạo ra lương thực phục vụ tiền tuyến hoặc tham gia dân quân du kích, đánh giặc. Việc nước được hiểu là những trọng trách lớn đối với cộng đồng, đất nước. Ngày nay, giỏi việc nước được hiểu một cách mềm mại hơn. Nó không là giữa chốn trận tiền như xưa nữa mà là đảm nhận các công việc xã hội mà mình tham gia. Ví dụ, anh là một giáo viên thì phải làm tròn vai một giáo viên giỏi, là một người quản lý thì phải là một người quản lý giỏi, là một người nghiên cứu khoa học thì phải là một cán bộ nghiên cứu khoa học giỏi…Như vậy, giỏi việc nước được hiểu cụ thể, xác định, giản dị hơn.

“Đảm việc nhà” ngày nay cũng không còn như xưa là khoán việc, ỷ lại hết cho người phụ nữ. “Đảm việc nhà” ngày nay còn là việc người chồng, người con phải chung tay giúp việc nhà với người phụ nữ. Tại sao giới truyền thông lại luôn đặt ra câu hỏi người phụ nữ mua gì, làm món ăn gì cho Tết mà không hỏi người đàn ông tham gia cùng người phụ nữ trong gia đình mua sắm gì, chiêu đãi bạn bè gì, chuẩn bị gì cho ngày Tết? 

PV: Những người nghệ sĩ thường có thói quen dành nhiều thời gian để gặp gỡ, giao lưu với bè bạn. Bản thân ông thì sao, ông có nhiều thời gian để cùng “đảm việc nhà” giúp người phụ nữ của mình không? 

NV Văn Giá: (Cười) Cái này thì có hơi chểnh mảng tí. Tôi khá nhiều việc và đôi lúc cũng ham chơi. Thế nhưng khi ở nhà, tôi có một niềm vui là rất thích nấu cơm. Khi có thời gian, tôi thường tự nguyện dành lấy chuyện nấu cơm, không ngon lắm nhưng cũng biết nấu và nấu tạm được. Trong tuần may ra cũng được vài ba bận, có khi không được bận nào (cười lớn). Bản thân tôi không nề hà chuyện gì cả. Bên cạnh đó còn thúc giục mấy đứa con trai giúp đỡ mẹ, chia sẻ công việc với mẹ. 

Theo tôi, mình là đàn ông, cái quan trọng nhất là  phải biết thực hành những hành vi ứng xử thế nào đó để thể hiện sự quan tâm đối với mẹ, với vợ. Thông qua đó còn giáo dục các con mai này phải biết đối xử với mẹ, với vợ của chúng nữa. Đó là một cách ứng xử đẹp. 

Phụ nữ - đàn ông luôn bình đẳng! 

PV:   Theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, từ năm 2009 đến năm 2012, cả nước có tới 178.847 vụ bạo lực gia đình, trong đó bạo lực gia đình với phụ nữ là 106.520 vụ. Tuy nhiên, trong một số tác phẩm của ông, có khi hình ảnh người phụ nữ, người vợ lại đáo để, đanh đá… và khó có thể là nạn nhân của bạo hành? 

NV Văn Giá: Nói tới bạo lực gia đình thì bạo lực đối với người phụ nữ là nhiều hơn cả. Đó rõ ràng là vấn nạn của xã hội. Người phụ nữ phải chịu nhiều thiệt thòi. Họ bị trấn áp, tổn thương và đôi khi không có cơ hội được thanh minh, gìn giữ, bảo toàn thân thể, danh dự và nhân phẩm. 

Tuy nhiên, tình trạng một số phụ nữ quay ngược trở lại bạo hành đàn ông cũng đã xuất hiện không phải là hiếm. Vì thế, câu chuyện bình đẳng không có nghĩa phần lỗi hoàn toàn thuộc về nam giới. 

Việt Nam đã có nhiều cố gắng trong việc đẩy lùi nạn bạo hành. Rõ ràng bình đẳng nữ so với nam giới đã được cải thiện. Nhưng nó vẫn còn là một “cuộc chiến” lâu dài. Một xã hội văn minh là phải giải quyết triệt để vấn đề đó. Toàn xã hội phải được nhận thức, nhất là những người phụ nữ phải nhận thức sâu sắc để tự bảo vệ mình. Bên cạnh đó, nam giới phải thật sự thấu hiểu và là một trong những tác nhân quan trọng tự nguyện tham gia để giải quyết câu chuyện bình đẳng này. 

Đàn ông không nên…ghen tị với phụ nữ 

PV: Ở Việt Nam, một năm có 2 ngày phụ nữ được tôn vinh đó dường như là một sự đặc ân của xã hội giành cho nữ giới.  Trong khi, lại không có 1 ngày tôn vinh giới nam. Ông có… ghen tỵ về điều này? 

NV Văn Giá: Tôi cho rằng tôn vinh người phụ nữ thêm vài ngày nữa cũng chưa đủ. Những người phụ nữ sinh con đẻ cái đã là công cuộc vĩ đại của tạo hóa, họ đã rất vất vả rồi. Bên cạnh đó, họ còn phải đảm nhiệm nhiều công việc khác. Người đàn ông không nên ghen với họ. 

Thế nhưng, trên thế giới hiện nay có thêm một ngày Father’s day. Nếu chúng ta cũng tạo ra một ngày dành cho những người cha cũng thú vị. Bởi vì cuộc sống cũng cần có những cái cớ để người ta yêu thương nhau, chăm sóc nhau và tự soi ngắm chính mình cũng tốt. 

Phụ nữ mọi vùng miền đều có quyền được tôn vinh 

PV: Theo ông, sự khác biệt giữa các “ngày của phụ nữ” ở thành thị và nông thôn là gì? 

NV Văn Giá: Thực ra đây là câu chuyện của đời sống hiện đại. Nó phù hợp với đời sống công chức, đô thị. Nó tỏ ra xa lạ đối với đời sống nông thôn. Ở những vùng nông thôn, người phụ nữ phải chịu nhiều khó nhọc, thiệt thòi, họ không biết đến những ngày 8/3 hay 20/10. Họ nghèo khổ, không được chăm sóc, thậm chí bị “bỏ quên”. Hỏi đến ngày 8/3, 20/10 người ta không biết là gì cả. Cuộc sống của họ là nhẫn nhịn, hi sinh, là đem cho, họ không đòi hỏi bao giờ. Và vì vậy họ không biết đến những ngày ấy.

Tôi hi vọng những mỹ tục này được cập nhật, phổ biến, lan tỏa rộng rãi vào những vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, nhất là với những người lao động. Những người đàn ông, người con nên nhớ đến những ngày ấy để có điều kiện thể hiện tình cảm và chăm sóc họ thì thật tốt! 

PV: Nhân dịp 20/10, ông có điều gì muốn gửi gắm tới các chị em phụ nữ? 

NV Văn Giá: Tôi muốn nói riêng với phái đẹp thế này, khi mình đã được đối xử một cách rất đẹp từ phía xã hội, từ phía nam giới thì các bạn cũng nên làm thế nào đó để tự nâng mình lên, để làm hình ảnh của mình đẹp lên trong mắt người khác giới./. 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

NSND Trà Giang: Hình tượng người phụ nữ VN trong điện ảnh
NSND Trà Giang: Hình tượng người phụ nữ VN trong điện ảnh

(VOV) - NSND Trà Giang là nữ nghệ sĩ điện ảnh trẻ nhất trong lịch sử Điện ảnh Việt Nam được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân.

NSND Trà Giang: Hình tượng người phụ nữ VN trong điện ảnh

NSND Trà Giang: Hình tượng người phụ nữ VN trong điện ảnh

(VOV) - NSND Trà Giang là nữ nghệ sĩ điện ảnh trẻ nhất trong lịch sử Điện ảnh Việt Nam được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân.

Nghệ sỹ người Mỹ “say đắm” chân dung phụ nữ Việt Nam
Nghệ sỹ người Mỹ “say đắm” chân dung phụ nữ Việt Nam

VOV.VN - Chân dung người phụ nữ Việt Nam đã trở thành nguồn cảm hứng cho các sáng tác nhiếp ảnh mỹ thuật của nghệ sỹ người Mỹ - D’Attilio.

Nghệ sỹ người Mỹ “say đắm” chân dung phụ nữ Việt Nam

Nghệ sỹ người Mỹ “say đắm” chân dung phụ nữ Việt Nam

VOV.VN - Chân dung người phụ nữ Việt Nam đã trở thành nguồn cảm hứng cho các sáng tác nhiếp ảnh mỹ thuật của nghệ sỹ người Mỹ - D’Attilio.

Người phụ nữ Thuỵ Điển mê văn hóa Việt Nam
Người phụ nữ Thuỵ Điển mê văn hóa Việt Nam

(VOV) - Nhà xã hội học Thuỵ Điển Eva Lindskog đã dành cả cuộc đời và trái tim gắn bó với Việt Nam.

Người phụ nữ Thuỵ Điển mê văn hóa Việt Nam

Người phụ nữ Thuỵ Điển mê văn hóa Việt Nam

(VOV) - Nhà xã hội học Thuỵ Điển Eva Lindskog đã dành cả cuộc đời và trái tim gắn bó với Việt Nam.