Nhà văn Nguyễn Văn Thọ: Hừng đông một vở diễn hiện đại
VOV.VN - Sự thành công của Hừng đông không chỉ đóng góp một vở diễn hay vào đời sống VH-NT mà còn làm tốt cả việc tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ.
Đêm 5/5/2017, Nhà hát Lớn Hà Nội chật cứng khán giả đón xem vở diễn Hừng đông của Nhà hát Cải lương Việt Nam. Bên ngoài, trước giờ diễn, khá nhiều người tới lui hỏi khách đang chờ vào cửa: “Có ai còn thừa vé không?” Một vở diễn chính luận, diễn đúng vào dịp kỉ niệm 115 ngày sinh nhà cách mạng tiền bối Phan Đăng Lưu (5/5/1902-5/5/2017), là hiện tượng khá đặc biệt.
Vở Hừng đông hoàn toàn chinh phục khán giả, lôi cuốn và hấp dẫn.
Sự đời, có những việc ngoài thông lệ, bởi Hừng đông là vở đã diễn tới đợt thứ ba trong một thời gian ngắn (đợt 1 là các ngày giữa tháng 1/2016, lên sóng VTV1 trực tiếp đêm 23/1/2016 phục vụ Đại hội XII của Đảng; đợt 2, là các ngày 1,2,3/9/2016 tại Nhà hát Lớn Thành phố Hồ Chí Minh và Ngã ba Giồng, Hóc Môn nơi Phan Đăng Lưu, Võ Văn Tần, Nguyễn Thị Minh Khai bị thực dân Pháp xử bắn). Phải chăng, hai lần diễn trước đó, vở diễn đã tạo nên một dư ba nghệ thuật, nên giới thị trường tiểu ngạch ở ngoài sảnh Nhà hát Lớn đã quan tâm tới nó chăng? Với tâm thế vừa tò mò vừa trọng thị, tôi theo dõi hết mức suốt hơn 2 giờ đồng hồ buổi diễn này. Khán giả đông và yên lặng, thi thoảng lại rộ lên tràng vỗ tay tán thưởng một đoạn hay, một câu cải lương rất ngọt khi xuống sề. Vở diễn hoàn toàn chinh phục khán giả, lôi cuốn và hấp dẫn.
"Hừng đông" có ngôn ngữ đối thoại nhân vật khá tự nhiên, mềm mại, sát thực mà không xa lạ với đời sống hôm nay.
Trước hết, bàn về kịch bản, phải nói rõ rằng PGS. TS Nguyễn Thế Kỷ, tác giả kịch bản văn học đã rất thành công. Viết cho sân khấu, thể loại chính luận, bàn về một nhân vật trong bối cảnh diễn ra những sự kiện chính trị quan trọng của Đảng Cộng sản Đông Dương, buộc tác giả phải trung thành với sự thật lịch sử. Nếu chỉ trung thành với các tài liệu, thì đây là một thách đố. Tác giả đã vượt qua khó khăn ấy. Tỏ ra rất vững vàng trong nghề nghiệp, ông đã tạo nên một câu chuyện hết sức súc tích và lôi cuốn khán giả bằng những lớp lang nhuần nhuyễn và logic. Sự kết hợp giữa sự thật lịch sử với việc cấu dựng hệ thống nhân vật quanh nhân vật chính - nhà cách mạng tiền bối Phan Đăng Lưu đầy sáng tạo.
Trong Hừng đông, các vấn đề chính nhất của lịch sử tiền Cách mạng tháng Tám đã được tái hiện, với những chi tiết hành động gọi ra được vấn đề điển hình, có tính khái quát mâu thuẫn xã hội quan trọng nhất bấy giờ. Câu chuyện được gắn với đời sống cá nhân của Phan Đăng Lưu. Những chi tiết có đời sống, kịch tính, bi tráng và bi hài trong đời sống riêng tư ở khía cạnh này đã tạo ra không khí sinh động, làm nên những tình huống sân khấu hấp dẫn, cuốn hút.
Vượt qua được sự khô cứng khi nhắc lại một vấn đề của lịch sử, trong khi tư liệu để lại có quá ít cảnh tình và cảnh huống, nhất là tư liệu về cá nhân nhân vật chính, tác giả đã biết chọn và tạo ra những trạng huống chính trị điển hình nhất của thời đó để đưa lên sân khấu. Vài chi tiết mang tính xã hội Việt Nam được bê lên sân khấu đúng cách. Hệ thống nhân vật địch – ta được xây dựng hợp lí, với những đối lập đặc trưng nhưng không khô xác tư liệu mà sinh động, thuyết phục. Vở kịch vì thế rất sống động, lôi cuốn mà vẫn giữ vững được tính chính luận.
Đánh giá kịch bản, nói một cách khách quan, Nguyễn Thế Kỷ đã không chỉ tạo ra một dị bản chân xác của lịch sử mà còn gói ghém cấu dựng bảo đảm một kịch bản có tính hợp lí, lớp lang thuận lí, giàu trạng huống kịch tính. Kịch bản thể hiện sự nỗ lực của tác giả trong việc sáng tạo lại một sự thật lịch sử, đạt được yêu cầu cốt lõi của văn học - nghệ thuật là gợi ra điều không nhìn thấy để phản ảnh cái cốt lõi của thông điệp: Tính tất yếu của cách mạng Việt Nam giai đoạn 1930-1945 - bản anh hùng ca của nhân dân một thời và cuộc chiến đấu, hi sinh cao cả của lớp cán bộ Đảng tiền bối xuất thân từ trí thức như nhà cách mạng Phan Đăng Lưu.
Trong tình thế sân khấu đương đại hiện nay, khi truyền thông lấn át sân khấu thì cách tổ chức văn bản của tác giả Nguyễn Thế Kỷ ở Hừng đông là một cố gắng lớn. Nó chứng tỏ tác giả không chỉ hiểu nghề sâu sắc mà còn nắm vững mạch động của đời sống xã hội, hiểu được hoạt động văn nghệ đương thời cần gì, mong gì ở kịch bản sân khấu. Nhờ đó, tác giả đã tạo ra một kịch bản giàu tính văn học, đậm chất sân khấu, lại thích hợp với sở nguyện của công chúng ngày nay. Sân khấu rất cần những người viết có tài để chuyển tải những thông điệp lịch sử có tính chính luận rõ ràng và sâu sắc, song không rơi vào giáo điều khô cứng.
Trong Hừng đông, ngôn ngữ đối thoại nhân vật khá tự nhiên, mềm mại, sát thực mà không xa lạ với đời sống hôm nay. Chính vì những điều nêu trên, Hừng đông là kịch bản văn học tốt cho các đạo diễn và nghệ sĩ có đất diễn, dựng được vở kịch vừa có tính nghệ thuật lại có ý nghĩa chính trị lớn lao trong việc nhắc nhớ đánh dấu lại những cống hiến của Đảng, của những nhà cách mạng tiền bối.
Một vở diễn cuốn hút, khán giả lặng phắc theo dõi, không một ai muốn bỏ về chứng tỏ sự đóng góp lớn lao của đạo diễn và dàn nghệ sĩ Nhà hát Cải lương Việt Nam. Trước hết phải nói, về chuyển thể cải lương, tác giả Hoàng Song Việt và đạo diễn sân khấu - NSƯT Triệu Trung Kiên đã rất thành công khi tạo ra được một vở diễn vừa truyền thống, vừa hiện đại.
Sân khấu cải lương bấy nay ở miền Bắc và cả nơi đắc địa là miền Nam vốn khá trầm lắng trong khi khán giả sân khấu đương thời đòi hỏi sự mới mẻ. Hừng đông được dàn dựng với nhiều sáng tạo, cập thời với lối diễn hiện đại, phông nền truyền thống được thay thế bằng màn hình led. Đặc biệt, ở một vài đoạn, đạo diễn tận dụng cả những bức ảnh tư liệu, đã tạo nên hiệu ứng tích cực. Sự xúc động tăng lên bội phần khi khán giả được chứng kiến cả những hình ảnh đau thương nhức nhối hay hùng tráng vĩ đại trong lịch sử dân tộc được vở kịch tái hiện.
Cái tài của đạo diễn còn thể hiện ở việc sử dụng tính ước lệ giản dị và có ngôn ngữ ở dàn cảnh; sự pha trộn nhịp nhàng giữa sân khấu cải lương đặc thù với sân khấu kịch nói hiện đại; kết hợp giữa cải lương và nhạc hiện đại khi đưa nhóm nhạc Đường phố thuộc Câu lạc bộ nghệ thuật HUB, tạo nên nhiều trường đoạn hợp lí và gợi tò mò ngay từ đầu cho khán giả.
Việc sử dụng nhạc khí hay ca từ hiện đại hôm nay vào vở khá ăn nhập với không khí, với câu chuyện. Nó không chỉ thỏa mãn thị hiếu của người xem hôm nay mà còn tạo nên được ngôn ngữ mới cho sân khấu truyền thống khá sinh động, uyển chuyển. Sự cách tân có chừng mực ở một vở diễn tưởng như thuần túy chính luận khô cứng đã hấp dẫn được khán giả.
Với Hừng đông, khán giả có thể chứng kiến sự chuyển mình của cải lương khi tính ước lệ ở sân khấu truyền thống được phát huy tới mức tối giản. Sự pha trộn nhuần nhuyễn giữa cải lương, kịch nói, âm nhạc hiện đại, với những ưu điểm sinh động và khúc triết của lời thoại, kịch tính, cao trào đúng chỗ đúng lúc đã tạo nên một vở diễn rất liền mạch, hấp dẫn, xúc động.
Xu hướng chung của thế giới hiện nay rất chú ý tới sự cách tân sân khấu để thu hút khán giả khi phải đối diện với sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông và đặc biệt là điện ảnh hiện đại. Hừng đông đã sử dụng rất tốt những yếu tố kĩ thuật hiện đại như âm thanh, ánh sáng lazer, màn hình led, hình ảnh tư liệu - một sự cách tân đáng nói ở sân khấu. Sự kết hợp các yếu tố kĩ thuật này luôn có hai mặt, nó cần sự tính toán chi tiết đảm bảo hai yếu tố cần và đủ.
Ở Hừng đông, đạo diễn Triệu Trung Kiên đã thành công khi pha trộn các hình thức khác nhau của nghệ thuật trên sân khấu cải lương. Các yếu tố kể trên là biểu hiện đặc trưng của sân khấu hôm nay, rất hiện đại mà vẫn giàu tính dân tộc. Nó thay đổi không khí sân khấu cổ truyền, tạo nên sự sống động, ấn tượng, tạo cảm giác lạ và mạnh. Nó cũng là yếu tố tạo nhịp mạch cho vở diễn liên tục không bị đứt đoạn khi chuyển cảnh, chuyển lớp.
Có thể thấy, trong Hừng đông đạo diễn có kì vọng dàn dựng sao cho phù hợp với lối cảm thụ của người Việt trẻ đương thời bằng cách sử dụng một ban nhạc đường phố ở phần mở đầu, giữa và kết thúc vở kịch như một cách kể lại câu chuyện lịch sử. Cách làm này khá táo bạo và khiến cho vở diễn trở nên sinh động. Tuy nhiên, ở cảnh kết, ban nhạc xuất hiện với một bài hát vừa hiện đại vừa dân tộc đã làm không khí bị chùng xuống. Tôi cho rằng, chỉ cần ban nhạc HUB với dòng chữ Hừng đông trên lưng xuất hiện, và màn hạ xuống khi giọng nói ấm áp truyền cảm của Bác Hồ vang lên, thì cái kết sẽ thực sự xúc động và để lại dư âm mạnh mẽ. Được như thế, Hừng đông sẽ thành công rực rỡ không một hạt sạn.
"Hừng đông" - vở diễn vừa truyền thống, vừa hiện đại. |
Đánh giá sự thành công của Hừng đông phải nhắc tới dàn nghệ sĩ của Nhà hát Cải lương Việt Nam. Ở từng vai diễn, các nghệ sĩ cải lương đã hoàn thành rất tốt vai trò của mình. Vai Phan Đăng Lưu do Quang Khải đảm nhiệm khá thành công. Giọng hát mượt mà, giàu cảm xúc nhưng không bi lụy, thể hiện đúng bản chất của người trí thức cách mạng. Nói tới cải lương không thể không nhắc tới giọng hát. Hừng đông đã tạo gây xúc động mãnh liệt trong nhiều trường đoạn, như trường đoạn cô gái bày tỏ sự đau đớn tột cùng khi người yêu vừa bị Pháp bắn chết. Tiếng hát được cất lên nghẹn ngào xé ruột khiến khán phòng lặng đi.
Sân khấu cải lương coi trọng tiếng vỗ tay của khán giả, cũng như khi nghe ca trù coi trọng tiếng trống. Nếu như ngôn ngữ thưởng thức trong nghệ thuật thưởng lãm ca trù đòi người nghe phải có văn hóa tuyệt đối im lặng; sự tán thưởng đào nương chỉ dành cho tiếng tom chát của người cầm trống chầu, thì trong sân khấu cải lương tiếng tom chát thay bằng tiếng vỗ tay sau một cảnh diễn hay một câu hát vừa được buông ra tuyệt mĩ. Đêm diễn Hừng đông lần thứ ba tại Nhà hát Lớn Hà Nội không chỉ là sự giao đãi rất có văn hóa của khán giả với nghệ sĩ, mà sự yên lặng khi thưởng thức vở hay những tràng pháo tay rền rã không dứt còn khẳng định sự thành công của nhiều nghệ sĩ.
Bàn về sân khấu cải lương, cũng mặn mòi chân thật nói rằng, cải lương bấy nay vốn không phải đất diễn đắt khách của nghệ sĩ miền Bắc. Nghệ thuật sân khấu truyền thống đòi hỏi những giọng ca tuyệt kĩ như các gánh diễn trong lịch sử cải lương phía Nam, cũng như các chiếu chèo phía Bắc. Hừng đông thành công bởi có nhiều cố gắng của nghệ sĩ, nhưng chưa thực sự rực rỡ khi thiếu yếu tố nêu trên, và với nghệ sĩ miền Bắc điều này thực khó. Nó như một cái duyên thuộc về “gen” đặc thù của một loại hình nghệ thuật đặc biệt. Xin bày tỏ ý kiến này để Nhà hát Cải lương Việt Nam và đạo diễn Triệu Trung Kiên quan tâm khi có dịp nào đó, có một cơ duyên nào đó, trong những vở diễn mới vừa hiện đại và dân tộc nỗ lực đạt tới.
Hừng đông vừa diễn ra ở Nhà hát Lớn thực sự là một lần diễn thành công nhiều ấn tượng. Hừng đông đóng góp vào sự đổi mới cho sân khấu cải lương từ kịch bản tới diễn viên, đạo diễn, đáp ứng được đòi hỏi của sân khấu hôm nay là vừa hiện đại theo nhịp đi của sân khấu thời đại vừa bảo tồn yếu tố dân tộc.
Sự thành công của Hừng đông không chỉ đóng góp một vở diễn hay vào đời sống văn học nghệ thuật mà còn làm tốt cả việc tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ với sự nhắc lại một giai đoạn quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam, thông qua một nhân vật xuất chúng là nhà cách mạng tiền bối Phan Đăng Lưu.
Làm sân khấu cải lương sống động trở lại với một vở diễn chính luận, Hừng đông làm tỏ thêm một yêu cầu cấp bách của nghệ thuật hôm nay: Làm nghệ thuật phải rõ ra xu hướng chính trị, làm tuyên truyền muốn tốt, có kết quả, có công chúng, khán giả, phải có tài để đạt được yêu cầu thành công về nghệ thuật. Tức là yếu tố nghệ thuật ở công tác tuyên giáo, tuyên truyền là điều tối quan trọng. Hừng đông - một vở cải lương hiện đại đã thành công lớn, đó là điều cuối cùng tôi muốn nói./.
Hình ảnh: Công diễn vở cải lương “Hừng Đông” tại Nhà hát Lớn Hà Nội
Vở cải lương “Hừng đông” lên sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội
Vở cải lương “Hừng Đông” được biểu diện tại Ngã Ba Giồng