Nhạc sĩ Hoàng Hà với những ca khúc đầy nhiệt huyết
Không chỉ sáng tác những ca khúc mang đầy nhiệt huyết cách mạng, nhạc sĩ Hoàng Hà còn viết nhiều bài hát thiếu nhi được các em yêu mến.
- NS Trần Tiến: “Tôi không đa tình, chỉ thích mơ mộng”
- Sự giao thoa của hai nghệ sĩ
- Công bố hơn 1.400 bài hát được phép phổ biến
Nghe trò chuyện với nhạc sĩ Hoàng Hà |
Nhắc đến nhạc sĩ Hoàng Hà, công chúng nghĩ ngay đến những ca khúc nổi tiếng của ông được phát trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam những năm 60, 70 của thế kỷ trước. Những bài hát đã khích lệ tinh thần chiến đấu của những người chiến sĩ đang cầm súng bảo vệ Tổ Quốc. Có thể kể đến các bài như: “Gặp nhau trên đỉnh Trường Sơn”, “Cùng hành quân giữa mùa xuân”, “Mang hình ảnh Bác quân ta đi”. Không chỉ sáng tác những ca khúc mang đầy nhiệt huyết cách mạng, khích lệ động viên tinh thần chiến đấu của những người lính, nhạc sĩ Hoàng Hà còn được mệnh danh là “nhạc sĩ của tuổi thơ” khi ông nhận tổ chức những chương trình văn nghệ thiếu nhi cho các em trên làn sóng.
Nhạc sĩ Hoàng Hà |
PV: Nhạc sĩ có thể chia sẻ về tinh thần làm việc, những cảm xúc sáng tác trong giai đoạn 60, 70 của thế kỷ trước được không?
Nhạc sĩ Hoàng Hà: Từ năm 1947, tôi đã có những sáng tác đầu tay để phục vụ kháng chiến chống thực dân Pháp. Hồi đó sáng tác rất nhiều, cứ sáng tác xong thì tự mình hát cho mọi người nghe. Anh em chúng tôi lúc bấy giờ, bài hát mình sáng tác mà được người ta nghe là mừng rồi, chứ không có chuyện phải lo lắng đến nhuận bút.
Năm 1957, tôi nhận được điện của Hội văn nghệ Trung ương mời về Hà Nội tham dự hội nghị trù bị để thành lập Hội nhạc sĩ sáng tác. Tôi rất bất ngờ bởi mình chỉ là một anh sáng tác quần chúng. Lúc đó, tôi có nhiều bài phổ biến trên Đài Tiếng nói Việt Nam như: “Không một lời khai”, “Hò kiến thiết”, “Ánh đèn trên cầu Việt Trì”, “Hoa huệ”, “Tiếng hát người cộng sản”… Đến tháng 7/1957, tất cả các anh em dự hội nghị trù bị đều trở thành hội viên chính thức của Hội Nhạc sĩ sáng tác Việt Nam. Cho đến tháng 12 thì quyết định của Nhà nước đổi tên là Hội Nhạc sĩ Việt Nam.
Nghe ca khúc: Gặp nhau trên đỉnh Trường Sơn Sáng tác: Hoàng Hà Thể hiện: Quang Thọ |
PV: Nhạc sĩ đã bắt đầu sáng tác vào năm 1947 khi mới 18 tuổi. Nhạc sĩ cũng đã có một tuyển tập ca khúc đầu tiên mang tên “Kháng chiến ca”. Vậy lúc đó, nhạc sĩ đã được theo học âm nhạc một cách chính quy chưa?
Nhạc sĩ Hoàng Hà: Năm 1947, tôi được chuyển công tác từ huyện Yên Lãng của tỉnh Phúc Yên lên tỉnh bộ Việt Minh của tỉnh Phúc Yên. Các đồng chí phân công cho tôi tổ chức một nhà in đá, tức là in lưu động. Cứ mỗi khi sáng tác xong bài hát nào là tôi in luôn rồi gửi đi các nơi. Hồi đó, anh em nghiệp dư sáng tác thì gửi đi cũng không mấy khi được hồi âm. Nhưng mà, cũng có lẽ là cái duyên may, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước đã nhìn ra được tâm hồn, cái tình trong sáng tác của tôi. Lúc đó, tôi còn chưa học sáng tác một cách bài bản và Lưu Hữu Phước là người đầu tiên hướng dẫn cho tôi. Ông giống như người thầy mà luôn quan tâm tôi cho đến khi ông mất.
PV: Nhạc sĩ tên thật là Hoàng Phi Hồng. Tuy nhiên, công chúng chỉ nhớ tới cái tên Hoàng Hà đã gắn với rất nhiều tác phẩm nổi tiếng. Có phải bút danh này xuất hiện ngay từ những sáng tác đầu tay của nhạc sĩ không?
Nhạc sĩ Hoàng Hà: Năm 1947, giặc Pháp đánh lên Phúc Yên và đốt căn nhà 62 Yên Phụ của tôi. Tôi rất buồn và luyến tiếc. Tôi quý nhất là bức hoành phi, bức đại tự lớn treo ở giữa nhà, nó có 4 chữ là Hoàng Hà chi thuỷ. Từ ông nội tôi, các cụ tôi đều lấy 4 chữ đó như là phương châm, khẩu hiệu của dòng họ. Tôi lấy hai chữ Hoàng Hà để nhớ về quê hương, nhớ về cái đạo làm người của mình trong cuộc sống. Cái bút danh Hoàng Hà bắt đầu từ đó.
PV: Ngoài bút danh Hoàng Hà, nhạc sĩ còn lấy bút danh khác là Cẩm La. Vậy, bút danh đó xuất hiện từ khi nào và có gắn với một điều gì đó đặc biệt không ạ?
Nhạc sĩ Hoàng Hà: Bút danh này có từ năm 1968, tức là sau chiến dịch Mậu Thân. Lần đầu tiên bút danh xuất hiện là trong ca khúc “Xuống đường”. Kỷ niệm về bút danh này thì, năm 1952 tôi đi công tác hậu địch, đến thôn Cẩm La của xã Liên Sa, huyện Yên Lạc. Tôi vướng phải trận càn và bị ngạt dưới hầm. Rất may là sau đó đội du kích mò đến hầm và cứu sống tôi. Tôi biết ơn làng Cẩm La vì thế. Nhiều anh em tưởng tôi lấy tên một người phụ nữ mới hỏi Cẩm La là cô nào, tôi cũng chỉ cười.
PV: Sau nhiều năm bôn ba thì cuối cùng nhạc sĩ đã trở về công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam. Ông có thể cho biết, cơ duyên nào đã đưa ông trở thành một biên tập viên ca nhạc của Đài Tiếng nói Việt Nam?
Nhạc sĩ Hoàng Hà: Tôi làm ở tỉnh Vĩnh Phúc cho đến năm 1962 thì trở về Hà Nội. Về Hà Nội, ông Lưu Hữu Phước có nói rằng: ở Hà Nội có 4 việc để cho Hoàng Hà làm. Thế là không cần suy nghĩ, tôi đã chọn đi học Trường Âm nhạc Việt Nam. Năm tôi đi học cũng là khoá Đại học đầu tiên của Việt Nam mình. Sau, Đài Tiếng nói Việt Nam sử dụng nhiều bài của tôi nên cuối học kỳ, nhạc sĩ Phạm Tuyên đến tận nơi xin tôi về Đài.
Nghe bài hát: Đất nước trọn niềm vui Sáng tác: Hoàng Hà Thể hiện: Nguyễn Phi Hùng |
PV: Trong thời gian công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam, ông đã sáng tác rất nhiều ca khúc nổi tiếng; đặc biệt là bài “Đất nước trọn niềm vui” có thể coi là một trong những mốc son trong chặng đường sáng tác của ông. Thời gian này, ông cũng viết được nhiều bài hát thiếu nhi được các em yêu mến như “Con mèo ra bờ sông”, “Ngày hội toàn thắng”. Vậy lúc đó, viết cho thiếu nhi là nhiệm vụ của một người nhạc sĩ công tác biên tập hay xuất phát từ tình cảm yêu mến với các em thiếu nhi?
Nhạc sĩ Hoàng Hà: Năm 1974, ông Trần Lâm đặt ra vấn đề là cần có một bộ phận biên tập riêng để phục vụ cho tuổi nhỏ, không những là nhi đồng thiếu nhi mà cả mẫu giáo. Chúng tôi cũng đã thành lập bộ phận văn nghệ hẳn hoi về cả kịch, thơ và truyện. Tôi tham gia sáng tác truyện truyền thanh, rồi thì phổ nhạc những bài thơ, tham gia cả kịch. Âm nhạc thì sáng tác cũng nhiều, nhiều bài là được giải thưởng của ban thiếu niên nhi đồng.
PV: Người con trai cả của ông là nhạc sĩ Hoàng Lương cũng nối tiếp sự nghiệp âm nhạc của nhạc sĩ. Anh hiện cũng là một cán bộ của Đài Tiếng nói Việt Nam. Nhìn lại chặng đường hoạt động của mình, nhạc sĩ có điều gì cảm thấy nuốii tiếc?
Nhạc sĩ Hoàng Hà: Giờ chỉ có một cái tiếc là mình suy nghĩ không còn nhanh nhạy nữa, sáng tác và viết chậm. Cũng đúng thôi, tôi tuổi cũng đã lớn rồi.
PV: Có thể nói, cho đến ngày hôm nay; bất chấp tuổi tác, bệnh tật, nhạc sĩ Hoàng Hà vẫn say sưa với những giai điệu, sáng tạo ra những tác phẩm nghệ thuật dâng hiến cho cuộc đời, cho người yêu âm nhạc. Xin cảm ơn nhạc sĩ Hoàng Hà đã tham gia trò chuyện trong chương trình hôm nay./.