Nhạc sĩ Nguyễn Cường và câu lạc bộ thính phòng CEG

CEG là nơi những người yêu nhạc thính phòng, muốn tìm hiểu về dòng nhạc này có thể tìm đến. Quan trọng hơn, đây là sân chơi tạo cơ hội cho khí nhạc Việt Nam được vang lên.

Từ nhiều tháng nay, công chúng yêu nhạc thính phòng thủ đô rỉ tai nhau về một điểm nghe nhạc mới. Đó là câu lạc bộ thính phòng CEG do Nhạc sĩ Nguyễn Cường cùng nhạc sĩ trẻ, sinh viên âm nhạc thành lập. Câu lạc bộ họp vào thứ 6 tuần cuối cùng trong tháng, giới thiệu đến khán giả những tác phẩm khí nhạc nổi tiếng thế giới và Việt Nam. Tại đây, nhạc thính phòng không còn là âm nhạc cao cấp kén khán giả, mà ai cũng có thể yêu thính phòng bằng cảm nhận của trái tim.

Nhạc sĩ Nguyễn Cường, một trong những người có sáng kiến tổ chức chương trình âm nhạc thính phòng

Nhạc thính phòng là loại nhạc kén khán giả, để có đêm ra mắt đầu tiên, các thành viên câu lạc bộ CEG phải mất 2 ngày chuẩn bị sân khấu và chỉ mong có 20 khán giả. Như điều thần kỳ, khán giả mỗi lúc một đông, 40 người, 50 người rồi 70 người lắng nghe chương trình.

Những đêm sau dù là mưa to, nhưng khi những bản romance như “Khúc romance Hà Nội” vang lên mở màn; “Romance - Điệu valse trong mưa”, “Giấc mơ”, khúc biến tấu cho violon - cello - piano “Bập bùng lời khan kể” đã chinh  phục và kéo khán giả đến. Có những đêm diễn kết thúc trong thành công vang dội với 200 khán giả.…

Em Nguyễn Phi Anh, một khán giả ở Hà Nội, cho biết: “Em không phải là người học nhạc nên không thể hiểu được toàn bộ hay có thể phân tích đoạn này hay, đoạn này chưa hay. Thế nên em hướng đến cảm xúc nhiều hơn. Khi em nghe và nhìn những nhạc công chơi, em có thể hiểu được chơi nhạc thính phòng không phải là điều dễ dàng. Điều đó tạo ra cho em sự ngưỡng mộ và thán phục”.

Khẩu hiệu của các đêm nhạc là “Vang lên”. Đêm nhạc không bán vé để tạo cơ hội cho những tài năng trẻ, tâm huyết với thính phòng tiếp xúc khán giả. Các thành viên Ban tổ chức tâm niệm: Âm nhạc là cảm, mà ở đó chỉ có người nghe với những dòng nhạc, thể loại mà mình yêu thích, muốn tìm hiểu. Hãy tự để các bản romance hay sonate nào đó tìm đến trái tim khán giả.

Ca sĩ Vũ Mạnh Dũng trình bày Aria cho Bariton và tứ tấu dây - gồm Lê Minh Trường (Violin), Khúc Văn Khoa (Viola), Phạm Mai Anh (Violin), Trần Hồng Nhung (Cello) do chính tác giả - nhạc sĩ Lưu Quang Minh - chỉ huy.

Nhạc sĩ Nguyễn Cường cho biết: “Có một cô bé con tầm 10 tuổi, khi cháu đang nghe buổi biểu diễn của chúng tôi, cháu cầm gói kẹo lên bóc và tiếng sột soạt của nilông xuất hiện. Chính bản thân cô bé cảm thấy tiếng sột soạt vô lý và cháu ngừng lại cho đến khi kết thúc buổi diễn mới ra ngoài ăn. Thế mới thấy, vấn đề không phải ở dân trí mà là khi ta có một không gian nghe nhạc nghiêm túc, ta sẽ có ứng xử của người nghe một cách nghiêm túc”.    

Trong lúc âm nhạc giải trí đang chiếm lĩnh phần lớn thị trường thì việc xuất hiện loại hình biểu diễn âm nhạc mang tính bác học, chuyên nghiệp, kinh viện như CEG đang góp phần kéo khán giả đến gần hơn với dòng nhạc này. Một đêm diễn của Câu lạc bộ thính phòng CEG gồm 2 phần: phần đầu là biểu diễn các tác phẩm kinh điển thế giới, phần hai là biểu diễn những nhạc phẩm của Việt Nam. Chương trình do các tài năng âm nhạc trẻ Việt Nam thể hiện.

Nhạc sĩ Cát Vận, Phó chủ tịch hội Nhạc sĩ Việt Nam cho biết: “Chúng tôi – những người hoạt động âm nhạc luôn thấy rõ rằng, xác định nền âm nhạc chính thống của một quốc gia không thể căn cứ vào âm nhạc giải trí được. Cho nên nhìn thấy câu lạc bộ CEG của nhạc sĩ Nguyễn Cường cùng một số tác giả trẻ tạo dựng ở đây thì chúng tôi rất mừng. Tôi hi vọng đây không phải chỉ là một con chim non mà nó sẽ trở thành một con đại bàng”.

Khán giả tại CEG

Lấy ký hiệu nhạc đầu tiên trong bảng anpha làm tên gọi - CEG mong muốn tạo một thói quen mới cho người yêu nhạc Việt Nam - nghe nhạc thính phòng. CEG là nơi những người yêu nhạc thính phòng, muốn tìm hiểu về dòng nhạc này có thể tìm đến, là sân khấu mà các nhạc sĩ, sinh viên theo đuổi dòng nhạc này có thể thực hành, quan trọng hơn đây là sân chơi tạo cơ hội cho khí nhạc Việt Nam được vang lên./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên