Nhạc sĩ Phạm Duy-Lá rụng về cội

Năm nay gần 90 tuổi, mái tóc bạc trắng, giọng nói vẫn khoẻ khoắn và truyền cảm, nhạc sĩ Phạm Duy cho biết như vậy trong buổi gặp gỡ  với phóng viên VOV trước giờ khai mạc đêm nhạc "Phạm Duy- Ngày trở về"

Đêm nhạc sẽ diễn ra vào tối nay (27/3) tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Những tác phẩm trong đêm nhạc sẽ phần nào khắc hoạ những đóng góp trên con đường âm nhạc của người nhạc sĩ tài hoa này. Nhạc sĩ Phạm Duy sẽ là người dẫn chương trình mà ông bao năm trông đợi này.

PV: Thưa nhạc sĩ, đêm nhạc “Phạm Duy- Ngày trở về” với ông có nhiều ý nghĩa phải không?

Nhạc sĩ Phạm Duy: Tôi đã đi xa Hà Nội 60 năm, xa miền Nam là 30 năm. Tôi không dám nghĩ là có ngày được trở về quê hương chứ đừng nói là Hà Nội. Với tôi, thành thực mà nói, buổi biểu diễn ở Thủ đô Hà Nội này rất thiêng liêng. Thật sự bây giờ tôi mới thấm thía câu nói của các cụ ngày xưa: chim bay về tổ, cá lội về nguồn, lá rụng về cội…

PV: Những tác phẩm biểu diễn trong chương trình này có phải là những bài hát hay nhất trong cuộc đời sáng tác của nhạc sĩ hay không?

Nhạc sĩ Phạm Duy: Cũng không thể nói là những bài hát trong chương trình ngày trở về Hà Nội này sẽ gồm tất cả những gì đắc ý nhất của tôi. Nhưng dù sao chương trình này sẽ chia ra làm 4 mảng: kháng chiến, tình ca quê hương, tình ca đôi lứa, những bài thơ phổ nhạc. Nó cũng đại diện được phần nào những tác phẩm mà tôi đã sáng tác.

PV: Nhạc sĩ là một trong những người đã cố gắng bảo tồn những giá trị âm nhạc truyền thống của Việt Nam. Điều đó đã khắc sâu trong tâm khảm của ông như thế nào trong mấy chục năm qua?

Nhạc sĩ Phạm Duy: Tôi đã theo học ở bên Pháp 2 năm. Học xong tôi thấy đó chỉ là những chất liệu, là lề lối soạn nhạc. Còn tôi muốn làm nhạc Việt Nam, tôi phải tìm về những chất liệu Việt Nam. Tôi có may mắn hơn các anh em nhạc sĩ sau này vì xuất thân đi theo gánh hát cải lương và sống ở thôn quê rất nhiều nên tôi thuộc rất nhiều các điệu dân ca địa phương.

2 năm học ở Pháp đã cho tôi hiểu rằng: về khía cạnh ngôn ngữ, muốn bảo tồn và phát huy nhạc Việt Nam thì phải cải cách, không thể giữ nguyên vẹn. Các làn điệu dân ca rất có giá trị, nhưng với tuổi trẻ, nếu cứ để nguyên như vậy thì khó phù hợp. Tôi cố gắng có thể dùng những chất liệu cổ, nhưng lại dùng các phương thức mới để có thể làm ra được nhiều thể loại từ đoản khúc, trường ca, chương khúc, nhạc kịch…

PV: Thưa nhạc sĩ, ông là một người đi nhiều nơi trên thế giới, mỗi khi nói đến từ "Việt Nam" và viết nhạc Việt Nam thì lòng tự hào, tự tôn dân tộc của ông như thế nào?

Nhạc sĩ Phạm Duy: Làm nhạc ai cũng muốn khoe nhạc của nước mình, cá nhân mình. Tôi học được nhiều từ nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát. Ông ấy học nhạc Tây, nhưng lại quay về nghiên cứu chèo.

Ngoài ra, để sáng tác thành công thì còn do đời sống của mình nữa, nếu mình chỉ ở trong “tháp ngà” thì mình không thể nào sáng tác hay được. Tôi muốn nêu tinh thần Việt Nam và muốn nói cả con người Việt Nam trong thế kỷ 20 cho đến thế kỷ 21. Trong bài "Tình ca", tôi ý thức một người nghệ sĩ phải "khóc cười theo mệnh nước". Bây giờ tôi cũng vậy.  Tôi có may mắn là người nghệ sĩ nói được cái gì mình muốn nói.

PV: Sau 30 năm sống ở Mỹ, nay trở về Việt Nam,  tình cảm của ông khi trở về đất mẹ như thế nào?

Nhạc sĩ Phạm Duy: Tôi ở bên Mỹ 30 năm, nhưng thực sự ra sang Mỹ khoảng 4-5 năm thì tôi đã muốn trở về nhưng lúc đó không có cơ hội. Cho nên trong các chương trình biểu diễn, tôi thường hát ngay bài hát mà tôi sáng tác về tâm trạng mong ngóng ngày được trở về quê hương.

PV: Nhạc sĩ đã về ở hẳn tại TP HCM từ năm 2005. Nhạc sĩ có quyết định sống ở Việt Nam trong những năm cuối đời không?

Nhạc sĩ Phạm Duy: Khi tôi trở về cũng không có ước vọng gì nhiều, chỉ muốn như một người về nghỉ hưu. Lá rụng về cội, chim bay về tổ, cá lội về nguồn… Tôi muốn về đây để được sống chết ở đất nước mình, thế thôi. Không ngờ lại được các bạn bè, anh em động viên. Tôi đang sáng tác dở tác phẩm “Kiều ca”, mọi người đánh giá đó là một tác phẩm có giá trị, tôi cũng phấn khởi mà làm. Giờ đã sắp hoàn thành, tôi thấy mãn nguyện lắm. Tôi chỉ có hai ước nguyện: một là về hát giữa lòng Hà Nội, hai là làm xong tác phẩm "Kiều ca" thì tôi đã làm được cả. Tôi cảm thấy mãn nguyện, còn gì sung sướng hơn thế.

PV: Nhạc sĩ là người đã có hơn 60 năm biểu diễn trên sân khấu. Với "thâm niên" biểu diễn trên sân khấu như vậy, theo ông điều gì hấp dẫn khán giả nhất? 

Nhạc sĩ Phạm Duy: Người nghệ sĩ kiêm sáng tác và biểu diễn như tôi, hình như bị một “con ma” ám ảnh. Tối nào không được đứng trên sân khấu thì buồn lắm. Cứ thế, đó là một ma lực, không cắt nghĩa được. Cũng như lúc tôi cứ nằng nặc đòi được về Việt Nam, mà lúc đó tôi đã có đầy đủ đời sống kinh tế, vị trí xã hội, điều đó không cắt nghĩa được, đó là tâm linh.

Xin cảm ơn nhạc sĩ!

Nhạc sĩ Duy Cường và nhạc sĩ Duy Quang- hai con trai của nhạc sĩ Phạm Duy

Nhạc sĩ Duy Cường- con trai của nhạc sĩ Phạm Duy, người tham gia phối nhạc cho chương trình: Tôi cố gắng làm bật lên chất liệu âm dân gian trong âm nhạc của chương trình. Thông thường, khi mình làm tân nhạc thì rất khó giữ được phong cách âm nhạc dân tộc. Nhưng tôi dùng nhạc Tây Phương mà vẫn giữ được chất liệu âm nhạc dân gian, biểu lộ rõ nhất cho ý tưởng của bản nhạc. Chúng tôi đã chuẩn bị cho chương trình cả nửa năm nay rồi và cố gắng thể hiện chương trình hoành tráng và qui mô, nhưng ấm áp.

Nhạc sĩ Duy Quang- con trai của nhạc sĩ Phạm Duy, tham gia biểu hai bài hát "Bà mẹ Gio Linh" và "Rồi đây anh sẽ đưa em về nhà": Tôi đã biểu diễn rất nhiều chương trình ở Thành phố HCM, cảm nhận của tôi khi hát trong chương trình ở Hà Nội lần này khá đặc biệt, vì đây là chương trình được giới truyền thông báo chí, giới văn nghệ sĩ ở Thủ đô rất quan tâm. Tôi cũng cảm nhận được đây là chương trình chuẩn bị hoành tráng và qui mô. Tôi nghĩ là không quá chủ quan khi nói, thì là con đẻ của ông, tôi cảm nhận được âm nhạc của ông sâu sắc hơn người khác. Hơn thế nữa tôi là nhạc sĩ thì tôi cũng hiểu được mỹ cảm trong âm nhạc của ông.  Tôi sẽ cố gắng biểu diễn thành công nhất trong đêm nhạc tại Hà Nội lần này./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên