Nhạc sỹ Văn Ký qua đời trong một ngày "Trời Hà Nội xanh"
VOV.VN - Nhạc sỹ Văn Ký - tác giả "Bài ca hy vọng" cùng rất nhiều ca khúc nổi tiếng - đã về cõi thiên thu...
Nhạc sĩ Văn Ký sinh ngày 1/8/1928 tại Nam Định. Ông là tác giả của hơn 400 ca khúc, 2 ca cảnh, 1 tổ khúc giao hưởng vũ kịch. Ông từng được trao tặng “Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật” ngay đợt đầu tiên cho chùm năm bài hát: Trời Hà Nội xanh, Bài ca hy vọng, Tây Nguyên bất khuất, Cô giáo Tày cầm đàn lên đỉnh núi, Nha Trang mùa thu lại về.
Ca sỹ Lan Anh và những kỷ niệm với nhạc sỹ Văn Ký
Là ca sỹ thể hiện thành công nhất sáng tác bất hủ "Bài ca hy vọng" của nhạc sỹ Văn Ký, ca sỹ Lan Anh vô cùng đau buồn khi hay tin ông qua đời.
“Với tôi thì nhạc sỹ Văn Ký giống như một người ông trong gia đình”, ca sỹ Lan Anh nói. “Những lần có dịp gặp bác trong các đêm nhạc, bác đều đến chỉ bảo rất tận tình với phong thái hiền từ, dễ mến lắm. Năm ngoái, bác nằm viện tôi có vào thăm. Gần đây hay tin bác yếu đi nhiều, cũng đã định đến mà chưa kịp thì ông đã đi rồi”.
“Ngày còn học trong trường, tôi không ngày nào là không tập các bài hát của bác Văn Ký. Lúc đó còn trẻ, chưa hiểu hết tác phẩm đâu, chỉ nghĩ là "ôi sao lại có giai điệu nào hay thế, tình cảm thế. Mà ca khúc lại ra đời đúng thời điểm để cổ vũ, động viên tinh thần cả một dân tộc thì quá là tuyệt vời. Sau đó, tôi mang Bài ca hy vọng đi hát ở khắp mọi miền Tổ quốc, ở đâu cũng được công chúng yêu quí. Bản thân bác Văn Ký khi gặp cũng nói rằng bác rất hài lòng với cách mà tôi thể hiện tác phẩm của bác”.
Ca sỹ Lan Anh còn cho biết, năm 2020 quả là một năm buồn của nền âm nhạc Việt Nam khi các nhạc sỹ tài danh một thuở lần lượt qua đời. Trước nhạc sỹ Văn Ký, nhạc sỹ Phó Đức Phương cũng qua đời do căn bệnh ung thư.
Cánh sóng VOV nâng bước Bài ca hy vọng
Ít ai biết rằng, nhờ có cánh sóng Đài Tiếng nói Việt Nam mà "Bài ca hy vọng" tới được với công chúng. Sinh thời, nhạc sỹ Văn Ký kể:
“Mùa xuân năm 1958, từng ca từ của bài “Bài ca hy vọng” được bật ra trong tôi một cách tự nhiên. Tình hình đất nước thời điểm đó nhiều khó khăn. Dù vậy, tôi cũng như nhiều người cùng thời có một niềm tin mãnh liệt, chắc chắn vào ngay mai tốt đẹp, tương lai đón chờ. Thậm chí tôi muốn bay lên cùng với đàn chim đi về tương lai mà tôi viết: "Về tương lai! Ngày quê hương màu xanh áo mới, chứa chan niềm tin/ Đường ta đi xanh thắm mộng đời/Về tương lai! Đàn chim ơi! cùng ta cất cánh…".
Vài tháng sau tôi mang đến Nhà xuất bản Âm nhạc để in, nhưng bị từ chối. Ban biên tập nói bài hát lạc quan quá, lãng mạn quá, không phù hợp với giai đoạn cách mạng hiện thời.
Tôi đọc lại bản nhạc của mình, nhưng thấy không thể khác được nên đã mang đến Đài Tiếng nói Việt Nam. Giám đốc Đài lúc ấy là ông Trần Lâm đã giao cho nhạc sĩ Phạm Tuyên - Trưởng ban Âm nhạc bố trí để tôi trực tiếp dàn dựng. Đó là thời kỳ đất nước hai miền bị chia cắt, phong trào cách mạng miền Nam bị đàn áp, không hiểu cuộc đấu tranh kéo dài đến bao giờ… Nhưng chính chân lý “Việt Nam nhất định thắng” và niềm tin sắt đá của những người chiến sĩ cộng sản, của chính bản thân khi nghĩ về hiện tình đất nước, đã khiến cho “Bài ca hy vọng” có sức lan tỏa mạnh mẽ, thể hiện được tầm cao tư tưởng và có sức cổ vũ lớn lao, hướng công chúng vươn tới cái đẹp”.../.