Nhận diện thói xấu để chấn chỉnh văn hóa ứng xử
VOV.VN - Thẳng thắn nhìn vào những hiện tượng đáng buồn về văn hóa ứng xử thời gian vừa qua để từ đó rút kinh nghiệm xây dựng Nghị quyết mới
LTS: Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã dành nhiều thời gian để xem xét kết quả tổng kết và nhất trí ban hành Nghị quyết mới về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Thẳng thắn nhìn vào những hiện tượng đáng buồn về văn hóa ứng xử thời gian vừa qua để từ đó đúc rút kinh nghiệm xây dựng Nghị quyết mới và thực hiện thành công việc xây dựng văn hóa và con người mới là một nhiệm vụ cấp bách.
Liên tiếp những thông tin, hình ảnh trái với luân thường đạo lý như: con đánh cha, con tống tiền bố mẹ, hôi bia, hôi của... diễn ra trong thời gian vừa qua. Một câu hỏi được đặt ra là: vì sao khi cả xã hội đang từng bước hướng đến sự văn minh, xây dựng gia đình, cơ quan, khu phố, trường học văn hóa lại thường xuyên phải nghe và chứng kiến những sự việc đau lòng, vô nhân tính đến như vậy?Sau khi đọc thông tin trên các tờ báo về những vụ việc trái với luân thường đạo lý trong thời gian vừa qua, nhiều độc giả cảm thấy bất bình và phẫn nộ.
Xe tải chở bia bị đổ, nhiều người lao vào hôi của ở Đồng Nai. Hiện trường chỉ còn vỏ bia chai bị vỡ (Ảnh: Nguyễn An) |
Trần Thị Nghĩa, sinh viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội chia sẻ: “Những thông tin như thế này không quá xa lạ bởi không ngày nào là không xuất hiện trên một số tờ báo mạng vào mỗi sáng sớm. Khi nghe hay đọc những tin đấy, tôi cảm thấy khó chịu, bức xúc lắm. Đọc những bài báo nói về cảnh cha hiếp con… tôi không biết làm thế nào cả nhưng cảm thấy bức xúc, bất bình thay cho người bị hại”.
Việc xây dựng văn hóa, đạo đức, lối sống lành mạnh thường được bắt đầu ngay trong môi trường gia đình và trường học. Đây là môi trường hình thành và bồi dưỡng nhân cách con người tương lai. Tiếc rằng, sự xuống cấp đạo đức, văn hóa hiện nay lại xuất hiện trong chính môi trường này. Những vụ việc như: con giết mẹ, chồng giết vợ, sát hại người yêu, trò đánh thầy giáo, gian dối trong nghiên cứu khoa học, gian lận trong thi cử, đổi tình lấy điểm… đã không phải là những trường hợp hy hữu trong gia đình và môi trường mô phạm là trường học. Những hành xử bằng chân tay, dao kiếm giữa thanh thiếu niên chỉ vì những lý do rất đơn giản như nhìn đểu, không cho chép bài, nói xấu, ghen tuông đã không còn xa lạ.
Chị Nguyễn Thị Nhung, ở Đê La Thành, Hà Nội cho biết: “Sinh viên ngày nay còn đua nhau với trào lưu sống thử, yêu ồ ạt, sống hết mình với tình dục, để lại những hậu quả khó lường. Nhiều bạn còn thể hiện cái tôi một cách quá đáng như thích đưa lên mạng những clip múa khêu gợi của mình, có những bạn thể hiện cái tôi bằng việc tiêu tiền như nước ở các vũ trường, quán bar…”.
Nếu trong phạm vị hẹp như gia đình và nhà trường, những câu chuyện oái oăm, thậm chí vô nhân tính và trái với luân thường đạo lý khiến cho nhiều người phẫn nộ về sự băng hoại truyền thống văn hóa thì ngoài xã hội, sự suy thoái đạo đức được thể hiện muôn hình vạn trạng và đang có xu hướng nở rộ.
Nếu đầu năm 2014, xã hội lên án hành vi “hôi bia”, “hôi xăng” của một bộ phận người dân trong những sự cố giao thông, thì gần đây những hành vi này như những “virus” lây lan một cách nhanh chóng trong xã hội. Mỗi khi gặp tai nạn giao thông trên đường, thay vì tìm cách cứu giúp nạn nhân thì nhiều người thản nhiên lấy đi những tài sản của họ. Đáng sợ hơn đó là thái độ thờ ơ, vô cảm của một số người trước khó khăn, hoạn nạn của người khác.
Nhiều người thản nhiên hôi bia (Ảnh: Internet) |
Bà Nguyễn Thị Thân, ở quận Hoàng Mai, Hà Nội bức xúc nói: “Có người ngất trên đường, rất đông người bu quanh lại xem, chỉ trỏ nhưng không ai buồn rút điện thoại ra gọi cấp cứu”.
Không chỉ trong phạm vi ở trong nước, sự suy thoái đạo đức của một bộ phận đang làm hình ảnh người Việt xấu đi trong mắt bạn bè quốc tế. Câu chuyện về những tấm biển ghi bằng tiếng Việt cảnh báo thói ăn cắp vặt tại nhiều siêu thị, cửa hàng ở Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc... khiến không ít người cảm thấy xấu hổ, bẽ bàng.
Lý giải cho những hiện tượng này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ tâm lý học Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu dư luận xã hội, Viện Xã hội học cho rằng, sự suy thoái đạo đức xuất phát từ tính vô tổ chức, tự phát và ích kỷ của một số người dân: “Ở hành động hôi bia, hôi của, nhiều người trong cuộc cho rằng mình không làm thì người khác cũng làm, hơn nữa họ cho rằng trong đám đông xô bồ đó sẽ chẳng ai phát hiện ra ai. Hay ở việc “đánh chết cẩu tặc”, đám đông lại nhân danh công lý để thể hiện bản chất xấu trong mỗi con người”.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự suy thoái đạo đức hiện nay, có yếu tố bắt nguồn từ chính môi trường gia đình và nhà trường. Dễ nhận thấy, giá trị đạo đức trong gia đình ở một số nơi đang bị xói mòn; nề nếp, tôn ti, trật tự bị xem nhẹ; tình cảm, sự lễ độ giữa con cái với cha mẹ, ông bà, trách nhiệm với tổ tiên cũng đang phai nhạt dần.
Trong khi đó, về phía nhà trường, nhiều đơn vị chưa nhận thức hết vai trò tầm quan trọng của việc giáo dục đạo đức, cũng như chưa quan tâm đầy đủ đến giáo dục lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên. Thậm chí, một số giáo viên chưa thật sự là những tấm gương đạo đức cho các em học sinh noi theo.
Ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo Hà Nội cho biết: “Chúng tôi đã chứng kiến có những gia đình suốt 1 năm trời toàn nhờ người giúp việc đi họp phụ huynh cho con. Chúng tôi - những người làm công tác giáo dục vẫn nghĩ rằng trường học không thể và không phải là một ốc đảo hoàn toàn cách biệt với xã hội bên ngoài, hoàn toàn cách biệt với gia đình. Trường học là một xã hội thu nhỏ. Xã hội có cái gì, gia đình như thế nào thì vào trường học, học sinh sẽ ứng xử như vậy”.
Chúng ta đang sống trong một xã hội mà mọi cá nhân, thiết chế đều có liên quan mật thiết, có quan hệ tương tác với nhau. Do vậy, không chỉ dừng lại ở mức lên án, đã đến lúc chúng ta phải đấu tranh với những cái ác, cái xấu./.