Nhiếp ảnh gia gốc Việt đoạt giải “Thiên tài” tại Mỹ

Đây là một trong những giải thưởng cao quý của Mỹ nhằm tôn vinh những cá nhân có hoạt động sáng tạo đem lại hữu ích cho nhân loại.

Nữ nhiếp ảnh gia gốc Việt An-My Lê vừa nhận giải thưởng MacArthur Fellowship 2012. Giải thưởng trị giá 500.000 USD này còn được gọi là “Genius grants” (giải “Thiên tài”), là một trong những giải thưởng cao quý của Mỹ nhằm tôn vinh những cá nhân có hoạt động sáng tạo đem lại hữu ích cho nhân loại.


Một bức ảnh chụp TP.HCM, thuộc chủ đề Việt Nam mà An-My Lê chụp khi bà về thăm quê hương năm 1998

Giải “Thiên tài” năm nay được trao cho 23 cá nhân đang hoạt động ở nhiều lĩnh vực khác nhau như khoa học, văn chương, âm nhạc, hội họa, giáo dục và phim ảnh. Bà An-My Lê, 52 tuổi, vinh dự nhận được giải thưởng này vì những tấm ảnh của bà “tiếp cận các chủ đề chiến tranh - phong cảnh từ những góc nhìn mới mẻ, tạo ra những hình ảnh làm mờ đi ranh giới giữa hiện thực và hư cấu...,  giàu tầng lớp ý nghĩa” - ủy ban xét giải nhận xét.

Bà An-My Lê, hiện sống và làm việc tại New York, sinh tại Sài Gòn năm 1960. Bà cùng gia đình di cư qua Mỹ năm 1975. Bà lấy bằng thạc sĩ khoa học ứng dụng sinh học của Đại học Stanford năm 1985 và bằng thạc sĩ nghệ thuật của Đại học Yale năm 1993.

Bà là nữ nhiếp ảnh gia hiếm hoi có những triển lãm ảnh ở các trung tâm văn hóa nghệ thuật lớn tại Mỹ và cũng là người có duyên với các giải thưởng. Bà từng nhận giải từ Quỹ John Simon Guggenheim Memorial Foundation (1997) và Quỹ New York Foundation for the Arts (1996).

Ảnh và phim của An-My Lê thường phân tích ảnh hưởng, hậu quả và biểu trưng của chiến tranh. Dù là ảnh màu hay đen trắng, những tấm ảnh của bà thường tạo nên một sự căng thẳng giữa phong cảnh thiên nhiên và sự biến đổi thành chiến trường đầy bạo lực của nó.

Các công trình nhiếp ảnh nổi tiếng của bà có thể kể đến như Việt Nam (1994-1998), thể hiện những ký ức về một đất nước bị chiến tranh tàn phá nay được “hòa giải” bằng phong cảnh thiên nhiên đầy sức sống; Small wars(Những cuộc chiến nhỏ) (1999-2002) và 29 palms (29 cây cọ), mô tả cảnh lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ thực hiện kịch bản mô phỏng trận chiến ở Trung Đông.

Nhận xét về đồng nghiệp Mỹ gốc Việt An-My Lê, nhiếp ảnh gia chiến trường Võ Trung Dung, người Pháp gốc Việt, cho biết: “Công trình nhiếp ảnh của An-My về chiến tranh khác biệt rất lớn với nghề nhiếp ảnh báo chí truyền thống như chúng tôi đang làm. Trong các tấm ảnh của bà, ta sẽ không thấy cảnh chiến tranh, những người cầm súng, những cảnh đau lòng. Công trình nhiếp ảnh của bà luôn là bên lề hoặc sau cuộc chiến mà trong nghề chúng tôi gọi là “định vị cuộc chiến”. Kiểu tư liệu hình ảnh đó nằm ở ranh giới giữa tư liệu nhiếp ảnh và dàn dựng tưởng tượng. Những tấm ảnh của An-My không thể hiện cuộc chiến mà khơi gợi sự suy tư về chiến tranh. Theo góc độ cá nhân, tôi không thích lắm kiểu nhiếp ảnh chiến tranh đó nhưng tôi nghĩ rằng công việc của An-My đã góp phần giúp nhân loại suy nghĩ về chiến tranh, về bạo lực, về tính phi lý của chiến tranh. Điều đó cũng tốt quá đó chứ!”.




Người thắng giải MacArthur Fellowship năm nay sẽ được tài trợ 500.000 USD trong vòng năm năm, chia nhỏ theo từng quý, để có điều kiện theo đuổi tiếp tục công trình của mình. Giải thưởng MacArthur Fellowship được quỹ John D. và Catherine T. MacArthur Foundation trao hằng năm cho 20-40 công dân Mỹ, không giới hạn độ tuổi, trong nhiều lĩnh vực. Ủy ban xét giải gồm 12 người, không công bố danh tánh, sẽ phải làm việc cật lực để xét chọn từ hàng trăm ngàn ứng viên mỗi năm. Trước đó từng có hai người Mỹ gốc Việt đoạt giải này vào năm 1987 và 2007.

Nhiếp ảnh gia Lê Mỹ An
Nhiếp ảnh gia Lê Mỹ An
Nhiếp ảnh gia Lê Mỹ An
Nhiếp ảnh gia Lê Mỹ An
Nhiếp ảnh gia Lê Mỹ An
Nhiếp ảnh gia Lê Mỹ An
Thành phố Hồ Chí Minh, 1995
Thành phố Hồ Chí Minh, 1995
Sơn Tây, 1998
Sơn Tây, 1998

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên