Nhiếp ảnh Việt Nam và chặng đường 56 năm

Cùng với sự hội nhập của đất nước, nhiếp ảnh Việt Nam cũng đang đứng trước những thuận lợi, thách thức và rất cần một cách nhìn tổng thể để có một định hướng phát triển.  

Nhân kỷ niệm 140 năm ngày Đặng Huy Trứ đưa nhiếp ảnh vào Việt Nam và 56 năm ngày truyền thống Nhiếp ảnh Việt Nam (15/3), Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và Bảo tàng Cách mạng Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo “Nhiếp ảnh trong cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế”.

Các tham luận của Nhà sử học Dương Trung Quốc- Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và nghệ sĩ Hoàng Kim Đáng đã làm rõ hơn về cuộc đời và sự nghiệp của Đặng Huy Trứ- người đầu tiên đưa nhiếp ảnh vào Việt Nam, người tiên phong cho những giá trị hiện đại của Nhiếp ảnh Việt Nam.

Theo nhà nhiếp ảnh Vũ Đức Tân (Trưởng ban lý luận phê bình của Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam), ngày nay, nhiếp ảnh đã trở thành một nghệ thuật phổ biến được yêu thích với đại đa số công chúng. Nghệ thuật nhiếp ảnh giúp chúng ta khám phá thế giới. Cơ chế thị trường đã làm nghệ thuật nhiếp ảnh hòa nhập vào cuộc sống một cách tự nhiên và hoà hợp với thời đại.

Một bức ảnh tại triển lãm "Những bức ảnh Việt Nam từ cuối thế kỷ XIX đến thế kỷ XX"

Còn theo nhà nhiếp ảnh Vũ Huyến- Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, thuận lợi của nhiếp ảnh Việt Nam trong cơ chế thị trường thể hiện ở những điểm sau: mối quan hệ giao lưu của Việt Nam với các nước trên thế giới ngày càng rộng mở; đề tài của nhiếp ảnh không chỉ tập trung vào đề tài chiến tranh mà ngày càng phong phú, đa dạng; kỹ thuật và phát minh của nhiếp ảnh hiện đại du nhập vào Việt Nam rất nhanh và nhu cầu sử dụng ảnh trên báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng ngày càng nhiều.

Tuy nhiên, nhiếp ảnh vẫn đối mặt với nhiều thách thức như: ảnh báo chí tuyên truyền thiếu thông tin sự kiện, thiếu phát hiện và khi nêu ra những hiện tượng mới thì lại có xu hướng đẹp hoá và sắp đặt dàn dựng. Trong khi đó, ảnh nghệ thuật lại có xu hướng ép ý tưởng và hình ảnh một cách khiên cưỡng. Để hội nhập được tốt, nhiếp ảnh cần được đầu tư, củng cố về qui mô, tổ chức. Ông Vũ Huyến cũng đề nghị đổi tên "Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam" thành "Hội Nhiếp ảnh Việt Nam".

Ở một khía cạnh khác, nhà nhiếp ảnh Nguyễn Thành (Báo ảnh Việt Nam) nhấn mạnh "Cái tôi- tiềm năng của sự sáng tạo trong nghệ thuật". Theo đó, hiện nay có nhiều nhà nhiếp ảnh trẻ, đã tỏ ra không còn bị lệ thuộc vào những giải thưởng để giữ phong cách và cái tôi trong nhiếp ảnh của mình. Họ xa rời những giải thưởng thiếu tính chuyên nghiệp, đi tìm cái riêng biệt của mình trong cách thể hiện. Có thể nói, trong xu thế hội nhập quốc tế, phát huy sáng tạo cá nhân trong nhiếp ảnh là một nhu cầu thực sự.

Ông Nguyễn Tiến Mão- giảng viên Khoa báo chí (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) thẳng thắn nêu những bất cập khi giảng dạy nhiếp ảnh trong cơ chế thị trường. Công tác đào tạo báo chí nói chung, chuyên ngành nhiếp ảnh báo chí nói riêng hiện nay ở nước ta chất lượng chưa cao, chưa đáp ứng đúng và đầy đủ yêu cầu của thực tế. Nhìn chung, việc truyền thụ kiến thức cho sinh viên vẫn mang tính lý thuyết; thời gian đầu tư cho việc rèn nghề và làm nghề chưa thoả đáng.

Nhân dịp này, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam khai mạc triển lãm "Những bức ảnh Việt Nam từ cuối thế kỷ XIX đến thế kỷ XX", giới thiệu những nét khái quát về cuộc sống gia đình và xã hội của Việt Nam thời kỳ này.

Bộ ảnh do Nghệ sĩ nhiếp ảnh Mạnh Thường sưu tầm và giới thiệu, tập trung vào các đề tài: chân dung, nghề thủ công, ảnh kỷ niệm gia đình, cảnh sinh hoạt: buôn bán, chợ búa, tế lễ…

Cùng với giá trị nghệ thuật, những bức ảnh trưng bày tại triển lãm thực sự là những tư liệu lịch sử quí giá để mọi người hiểu hơn về đời sống xã hội của Việt Nam cách đây một thế kỷ./.                                

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên