Nhiều ý tưởng từ cuộc trưng bày hiện vật về Hoàng Sa, Trường Sa

Tương lai, Quảng Ngãi sẽ trở thành địa điểm tổ chức Festival biển đảo Việt Nam, trọng tâm là Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa – một giá trị văn hóa phi vật thể gắn liền với việc xác lập chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa

Ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi đang tích cực chuẩn bị khai mạc phòng trưng bày các tư liệu, hiện vật về Đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa tại huyện đảo Lý Sơn. Đây là một trong nhiều hoạt động được tổ chức phục vụ nhu cầu tham quan của nhân dân dịp Tết Nguyên đán Canh Dần, đồng thời giúp các nhà nghiên cứu tìm hiểu về văn hóa, lịch sử vùng đất Lý Sơn, đặc biệt là về Đội Hoàng Sa và những di tích lịch sử liên quan đến việc khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông.

Nâng cao nhận thức về bảo vệ chủ quyền biển đảo

Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ

Trao đổi với phóng viên VOV, Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ - Giám đốc Sở  Văn hóa - Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi cho biết, việc tổ chức trưng bày những tư liệu về Hoàng Sa - Trường Sa tại huyện đảo Lý Sơn nhằm mục đích bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử, những di tích liên quan đến quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việc trưng bày cũng góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống văn hóa, đạo lý uống nước nhớ nguồn, ghi nhớ công lao to lớn của các bậc tiền nhân, của những người đã hy sinh thân mình để bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam. Từ đó nâng cao nhận thức về trách nhiệm của mọi người, của thế hệ trẻ hôm nay và mai sau trong việc tiếp nối cha ông bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương.

Hiện nay, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi đã thu thập được khoảng 100 hình ảnh và hiện vật, với nhiều chủ đề khác nhau như: Biển đảo tỉnh Quảng Ngãi và các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; hình ảnh, di tích lịch sử văn hóa gắn liền với việc xác lập chủ quyền quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam; những hình ảnh liên quan trong đất liền ở Sa Kỳ như đình An Vĩnh, miếu Hoàng Sa, các bộ xương Cá Ông đưa về từ Hoàng Sa mấy trăm năm trước...

Một số hình ảnh liên quan đến nhà thờ các tộc Phạm Văn, Võ Văn, Nguyễn; mộ lính Hoàng Sa; đình làng An Hải, Âm Linh Tự trên huyện đảo Lý Sơn hay một số hiện vật, hình ảnh giới thiệu vùng đất và con người Lý Sơn, vùng ven biển Quảng Ngãi cũng được đưa vào trưng bày.

Âm Linh tự trên đảo Lý Sơn

Mộ gió lính Hoàng Sa trên đảo Lý Sơn

Ngoài ra, Ban Tổ chức cũng lựa chọn giới thiệu một số lễ Khao lề của các tộc tiêu biểu như họ Võ Văn, Phạm Văn đã tổ chức trong thời gian qua. Đặc biệt là 2 Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa tổ chức năm 2005 và năm 2008. Ngoài ra còn có các tư liệu, bản đồ cổ, tài liệu trong và ngoài nước trực tiếp và gián tiếp khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Đặc biệt là Chiếu chỉ của triều đình nhà Nguyễn do gia tộc họ Đặng ở thôn Đồng Hộ, xã An Hải, huyện Lý Sơn hiến tặng cho Nhà nước; các Châu bản, tài liệu sưu tầm, sách báo liên quan đến Hoàng Sa, Trường Sa; Một số hiện vật dùng trong Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa, các Linh vị, hình nhân thế mạng, dụng cụ của lính Hoàng Sa khi đi biển như chiếu, thẻ bài, đòn tre, những sợi dây mây, củi, gạo, nước uống…

Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa

Ông chủ tế đang làm lễ trong Lễ khao lề

Cùng với Bảo tàng Đội Hoàng sa Bắc Hải trên huyện đảo Lý Sơn, các di tích, danh lam thắng cảnh, đến với cuộc trưng bày này, du khách sẽ hiểu hơn về mảnh đất và con người Lý Sơn nói riêng, Quảng Ngãi nói chung, đặc biệt là những người đã hy sinh thân mình bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Các hiện vật, hình ảnh sẽ được trưng bày tại thành phố Quảng Ngãi vào ngày 29/1 tới (tức ngày 15 tháng Chạp) để chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, chào mừng 80 năm thành lập Đảng cũng như mừng xuân Canh Dần 2010. Sau Tết, sẽ trưng bày những hiện vật này tại khu kinh tế Dung Quất.

Quy hoạch Lý Sơn thành đảo du lịch

Theo Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ, trên đảo Lý Sơn có hàng trăm di tích cổ xưa cũng như các danh thắng rất nổi tiếng. Hiện trên đảo có 3 Di tích Lịch sử Văn hóa quốc gia và hàng chục di tích có thể công nhận. Đó là chưa kể đến các di tích gắn liền với đội Trường Sa, Hoàng Sa vừa được tôn tạo. Cùng với những di sản văn hóa vật thể ấy, Lý Sơn còn gìn giữ những giá trị văn hóa phi vật thể như là Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa, lễ hội tại Đình Làng An Hải và các lễ hội khác tại dinh Thiên Ya Na...

Tỉnh Quảng Ngãi đã có chủ trương quy hoạch huyện đảo Lý Sơn thành đảo du lịch. Tuyến du lịch bằng tàu cao tốc ra Lý Sơn cũng đã mở. Trong tương lai không xa, Lý Sơn sẽ trở thành một hòn đảo du lịch lý tưởng. Tỉnh cũng đang đề nghị các Bộ, Ngành trung ương hỗ trợ nâng cấp Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa thành Lễ hội quốc gia, trở thành ngày hội của biển đảo Việt Nam. Và Quảng Ngãi sẽ trở thành địa điểm tổ chức Festival biển đảo Việt Nam, mà trọng tâm là Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa, cùng với các hoạt động khác như hát tuồng, đua thuyền, cà kheo, rồi lễ hội Hoa đăng, pháo hoa và các môn thể thao miền biển…/.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên